Địa chỉ tin cậy cho người khó khăn, khuyết tật
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:08, 01/07/2015
Doanh nghiệp May xuất khẩu Lê Thị Lan ở thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) là địa chỉ tin cậy của nhiều người khuyết tật có việc làm và thu nhâp ổn định...
Chị Lê Thị Lan đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn
Nhiều năm qua, Doanh nghiệp May xuất khẩu Lê Thị Lan ở thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở huyện Cẩm Giàng tìm đến như một địa chỉ tin cậy để được dạy nghề và hỗ trợ tìm việc làm.
Theo lời kể của chị Lê Thị Lan, chủ doanh nghiệp thì ngay từ những ngày đầu thành lập, doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu hàng đầu không phải để làm giàu mà với mong muốn có thể hỗ trợ được những người khó khăn, người khuyết tật (NKT). Năm 2008, sau khi chính thức đi vào hoạt động, cơ sở đã bắt tay vào việc đào tạo nghề cho hàng trăm người khó khăn ở địa phương. Họ là những lao động nông thôn không có việc làm. Doanh nghiệp nhận đào tạo nghề với mục đích hỗ trợ là chính vì thu tiền phí đào tạo rất thấp. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề, doanh nghiệp còn chủ động giới thiệu cho học viên vào làm việc tại các công ty hoặc đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.
Khi nhu cầu học nghề của người dân địa phương giảm dần, doanh nghiệp chuyển sang mở các lớp dạy nghề may mặc và vi tính cho người có hoàn cảnh khó khăn, NKT theo một dự án của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong các năm 2013 - 2015, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh mở lớp học nghề theo dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho NKT". Việc dạy nghề cho NKT gặp rất nhiều khó khăn bởi mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, em thì khuyết tật về vận động, có em lại chậm về trí tuệ nên khi truyền nghề đòi hỏi người dạy phải tốn rất nhiều công sức, doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí cao hơn mức bình thường. Chị Lan cũng cho biết thêm, việc phối hợp với các tổ chức mở các lớp đào tạo nghề tuy có nhận được tiền hỗ trợ nhưng tính các khoản chi phí cho đầu tư máy móc, thiết bị và thuê giáo viên giảng dạy thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Với cơ sở vật chất hiện có, doanh nghiệp có thể phát triển sản xuất theo hướng kinh doanh để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, với mục đích tốt đẹp ban đầu, doanh nghiệp vẫn quyết định duy trì hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, NKT. Chị Nguyễn Thị Doan, một NKT ở xã Cẩm Điền xúc động cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong dạy nghề và giới thiệu việc làm, đến nay tôi đã có công việc ở văn phòng một công ty trong khu công nghiệp Phúc Điền với mức thu nhập ổn định. Nếu không nhận được sự hỗ trợ này có lẽ tôi vẫn chưa vượt qua được mặc cảm khuyết tật của bản thân để vươn lên hòa nhập cộng đồng, có thể tự lập về kinh tế".
Tháng 5 vừa qua, Doanh nghiệp May xuất khẩu Lê Thị Lan vừa hoàn thành khóa đào tạo nghề cho NKT theo dự án của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đến nay, doanh nghiệp cũng đã giới thiệu cho 14 học viên vào làm tại các công ty, cơ sở sản xuất tư nhân trên địa bàn. Một số NKT sau khi học có tay nghề tốt được doanh nghiệp tạo điều kiện giữ lại để làm giáo viên giảng dạy cho những khóa học sau. Doanh nghiệp cũng đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tuyển sinh lớp dạy nghề may và thủ công cho khoảng 30 em khuyết tật. Những NKT ở xa có nhu cầu ở lại doanh nghiệp đều tạo điều kiện hỗ trợ nơi ở miễn phí. Ngoài ra, bất cứ thời điểm nào, cơ sở cũng luôn sẵn sàng nhận những người có hoàn cảnh khó khăn, NKT không thuộc đối tượng của các dự án đến học nghề với mức học phí phù hợp hoặc miễn phí hoàn toàn. Chị Lê Thị Lan cho biết thêm, doanh nghiệp đang nỗ lực huy động vốn để mua sắm máy móc, vật liệu sản xuất chân tăm hương, tạo việc làm ổn định cho từ 20-30 NKT, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
NGỌC THANH