Người Hong Kong biểu tình đòi quyền bầu cử

Tin tức - Ngày đăng : 10:02, 02/07/2015

Ngày 1-7, hàng chục nghìn người Hong Kong đã đổ ra đường phố để biểu tình đòi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức.




Người Hong Kong đổ ra đường biểu tình


Người biểu tình đòi chính quyền tổ chức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Theo Reuters, người biểu tình hô vang: “Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu”, “Ông Lương Chấn Anh hãy từ chức”, “Xây dựng lại tương lai của thành phố”, “Xây dựng một Hong Kong dân chủ”... Rất nhiều người biểu tình cầm chiếc ô vàng, biểu tượng cho cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do gây chấn động Hong Kong hồi năm ngoái.

“Phong trào biểu tình chưa kết thúc bởi chúng tôi vẫn chưa có phổ thông đầu phiếu” - người biểu tình Eve Lam, 53 tuổi, nhấn mạnh.

Khoảng 3.000 cảnh sát cùng máy bay trực thăng giám sát cuộc biểu tình. Nhà chức trách cho biết số người đi biểu tình hôm qua thấp hơn nhiều so với sự kiện tròn một năm trước đây.

Khi đó, gần 500.000 người đã đổ ra đường đòi bầu cử tự do. Sự kiện hôm qua diễn ra gần hai tuần sau khi Cơ quan lập pháp Hong Kong phủ quyết kế hoạch bầu cử do chính quyền Bắc Kinh đưa ra.

Theo đó, người dân Hong Kong có quyền lựa chọn đặc khu trưởng nhưng theo danh sách ứng cử viên do Bắc Kinh duyệt.

AFP dẫn lời ông Johnson Yeung, đại diện tổ chức Mặt trận Nhân quyền dân sự (CHRF), khẳng định cuộc biểu tình năm nay dù ít người hơn năm ngoái nhưng là cơ hội để Hong Kong định hình lại mục tiêu của phong trào dân chủ.

“Hiện tại người dân Hong Kong đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra kế tiếp sau khi kế hoạch bầu cử bị phủ quyết. Chúng tôi hi vọng cuộc biểu tình là cơ hội để người dân thảo luận cách đưa phong trào dân chủ tiến bước” - ông Yeung cho biết.

Ông Eddie Chan, một lãnh đạo khác của CHRF, đánh giá người dân Hong Kong nay đã có nhiều kinh nghiệm từ cuộc biểu tình năm trước và đang cố gắng phát triển cách thức thể hiện quan điểm một cách tiến bộ hơn.

Trong khi đó, phát biểu hôm qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh chỉ trích các nghị sĩ Hong Kong đã phủ quyết kế hoạch bầu cử và cảnh báo nguy cơ hỗn loạn. Ông Lương nhấn mạnh sự ổn định phải được ưu tiên so với các cải cách dân chủ.

Theo Tuổi trẻ