Thí sinh bắt đầu thi các môn tự chọn

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:20, 03/07/2015

Giữa tiết trời oi bức, các bạn thanh niên tình nguyện vẫn vui vẻ hướng dẫn, giúp đỡ thí sinh và người nhà tham gia kỳ thi THPT quốc gia được thuận lợi, an toàn...



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quế kiểm tra thi tại điểm thi Trường THPT Đường An


Ngày 2-7, các thí sinh bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia. Buổi sáng các thí sinh làm bài thi ngữ văn là môn thi bắt buộc cuối cùng. Từ chiều 2-7, các thí sinh bắt đầu thi môn tự chọn.

Đề văn không quá khó

Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều học sinh lo lắng về môn ngữ văn do đề thi mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tương đối khó, nhất là đối với học sinh học các khối tự nhiên. Sau buổi thi sáng 2-7, các thí sinh tỏ ra khá thoải mái dù đề thi khá dài, kín hai trang giấy A4. Đề thi có tới 8 câu phần đọc hiểu và 2 câu phần làm văn. Bạn Phạm Thị Hương (học sinh trung cấp nghề Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch) nhận xét: “Độ khó của đề thi văn ở mức độ trung bình. Các câu đều thuộc dạng mở và hơi dài. Em thấy đề phù hợp với trình độ học sinh. Đa số các dạng câu hỏi chúng em đều đã được làm trong thời gian ôn thi”.

Theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Ngọc Vân, giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, đề văn năm nay có nhiều đổi mới so với đề thi tốt nghiệp THPT và cả thi đại học những năm trước. Cái hay của đề thi này là không quá khó nhưng đòi hỏi học sinh có kiến thức toàn diện. Muốn làm được tốt các câu phần đọc hiểu thì học sinh phải huy động kiến thức từ cấp THCS trở đi. Cách ra đề cho học sinh đọc hiểu một đoạn thơ, văn bất kỳ sẽ giúp tránh cách học sáo mòn, chỉ học kỹ một vài bài trong sách giáo khoa. Những câu hỏi về “nguồn gốc sâu xa của nạn bạo lực”, “hiểm họa vô cảm trong xã hội” không quá khó nhưng đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức toàn diện, có chính kiến và gắn liền văn học với hiện thực cuộc sống. Câu hỏi cuối cùng về cách nhìn nhận cuộc sống, con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu là câu hỏi dùng để phân hóa học sinh. Chỉ những học sinh có tư duy, nhận thức tốt về tác phẩm, hiểu biết sâu xa về dòng văn học hiện thực thời kỳ đổi mới thì mới làm tốt được câu hỏi này. Cô Vân cho rằng, đề thi môn ngữ văn năm nay là một đề thi hay và cách ra đề sẽ giúp điều chỉnh cách học của học sinh THPT, khiến các em phải tăng cường kỹ năng đọc hiểu, trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng sống.

Chưa có trường hợp nào vi phạm quy chế thi


Sau 3 môn thi bắt buộc đầu tiên là toán, ngoại ngữ và ngữ văn, từ chiều 2-7, các thí sinh thực hiện các môn thi tự chọn. Tại cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, mỗi học sinh chỉ thi thêm 1 môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp THPT nên từ chiều 2-7, số phòng thi ở các điểm thi đều giảm. Đặc biệt, trong các môn thi còn lại sẽ có nhiều phòng thi có rất ít thí sinh. Đối với môn sinh học, sẽ có phòng thi 7 thí sinh (điểm thi Trường THPT Cẩm Giàng II), 8 thí sinh (Trường THPT Đường An), 2 thí sinh (Trường THPT Gia Lộc II), 3 thí sinh (Trường THPT Khúc Thừa Dụ), 6 thí sinh (Trường THPT Nam Sách II, Trường THPT Kinh Môn II). Đặc biệt, tại điểm thi Trường THPT Khúc Thừa Dụ chỉ có 1 thí sinh đăng ký dự thi môn lịch sử. Tuy nhiên, tại cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, lịch sử không nằm trong số các môn được ít thí sinh đăng ký dự thi nhất. Môn sinh học là môn thi có ít thí sinh đăng ký dự thi nhất (354 thí sinh), tiếp theo là môn vật lý (803 thí sinh) và môn hóa học (1.152 thí sinh).

Trong ngày thi thứ 2, toàn tỉnh có 39 lượt thí sinh không tham dự buổi thi. Buổi sáng, 34 thí sinh vắng mặt; trong đó 9 thí sinh được miễn thi môn ngữ văn, 6 thí sinh bị ốm, 15 thí sinh vắng không có lý do và 4 thí sinh không đủ điều kiện dự thi. Buổi chiều, 5 thí sinh vắng mặt (1 thí sinh được miễn thi môn vật lý, 2 thí sinh vắng không rõ lý do và 2 thí sinh không đủ điều kiện dự thi). Trải qua 2 ngày thi, toàn tỉnh chưa có trường hợp thí sinh hay giám thị nào vi phạm quy chế thi, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Chiều 2-7, đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tỉnh Hải Dương tới kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Đường An (Bình Giang) và Trường THPT Cẩm Giàng II (Cẩm Giàng). Trong hai ngày 1 và 2-7, tại điểm thi Trường THPT Đường An không có trường hợp nào bỏ thi. Tại điểm thi Trường THPT Cẩm Giàng II có 1 thí sinh được miễn thi và 1 thí sinh đã bỏ thi ngay từ môn thi đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Văn Quế ghi nhận sự nhiệt tình, nghiêm túc của các giám thị ở hai điểm thi và yêu cầu các điểm thi thực hiện kỳ thi nghiêm túc, sát sao, không để xảy ra bất kỳ trường hợp vi phạm quy chế thi nào.

Nhằm bảo đảm công tác y tế cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm sức khỏe cho giám thị và thí sinh. Theo đó, Trạm Y tế phường Tân Bình đã cử cán bộ y tế thường trực tại điểm thi; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc cấp cứu, thuốc điều trị thông thường, các dụng cụ cứu thương, phương tiện phối hợp với y tế nhà trường thường trực. Khoa Kiểm soát dịch bệnh-vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế TP Hải Dương bám sát nội dung, thời gian thi, phối hợp với hội đồng thi kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, nước uống, các hàng quán kinh doanh ăn uống xung quanh khu vực thi.

* Phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương yêu cầu điện lực các huyện, thành phố, thị xã không cắt điện và hoãn các kế hoạch cắt điện để sửa chữa nhằm cung cấp điện liên tục cho các hội đồng thi. Ngành điện đã chuẩn bị phương án chuyển lưới khi có sự cố trên đường dây, tính toán, cân đối phụ tải để tránh quá tải trên lưới điện cấp cho các hội đồng thi.  




VIỆT HÒA