Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo vào đề thi môn Địa lý
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:50, 03/07/2015
Thí sinh được yêu cầu nêu các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc và ý nghĩa về bảo vệ chủ quyền biển đảo trong khai thác tài nguyên biển.
Dưới đây là chi tiết đề thi:
Đề thi môn Địa lý. (Ảnh: Tuyensinh247.com)
Sáng 3-7, hết 2-3 thời gian làm bài, các sĩ tử ở tỉnh Đắk Lắk ra khỏi phòng thi với tinh thần rất vui vẻ. Các em cho biết, những vấn đề liên quan đến biển đảo xuất hiện nhiều trong đề thi.
|
Thí sinh ra khỏi trường thi sau 2/3 thời gian tại điểm thi Trường THPT Gia Định - Ảnh: Hồng Nguyên |
* Đa số các thí sinh Đắk Lắk đều cho rằng đề địa lý năm nay dễ hơn năm ngoái, những vấn đề liên quan đến biển đảo chỉ cần theo dõi thời sự và biết nắm bắt vấn đề là có thể giải quyết được hết. Bên cạnh đó, đề thi cũng kích thích các em nêu lên suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng biển đảo như kinh tế, đánh bắt hải sản và những mối liên quan của nó.
Em Phạm Trung Kiên (huyện Cư Kuin) chia sẻ: “Đề địa năm nay ra đúng những gì em đã ôn, hầu như không phải học thuộc bài máy móc, rất hay và sát với thực tế tình hình biển đảo của nước ta hiện”. Kiên cũng cho biết thêm, đề địa lý năm nay tuy không khó, nhưng rắc rối ở phần vẽ biểu đồ, “theo em thì câu biểu đồ là sự kết hợp giữa biểu đồ cột và biểu đồ đường, em nghĩ mình đã làm đúng” - Kiên nói.
* TP.HCM: Kết thúc 2/3 thời gian làm bài môn địa lý, rất nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Hầu hết các thí sinh cho rằng đề thi môn địa dễ thở, sử dụng Atlat là có thể làm tốt bài thi. Nội dung đề thi tập trung về biển đảo, bảo vệ biên giới cũng đã được thầy cô ở trường phổ thông ôn thi kỹ càng.
Tại điểm thi THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hầu hết các bạn tự tin bài làm của mình đạt kết quả tốt.
Phạm Ngọc Thái (THPT Đông Đô) là thí sinh ra đầu tiên tra cho biết: “Mình làm bài được, đề có 4 câu trong đó câu biển đảo dễ, với đề này, mình làm được 7-8 điểm. Thí sinh Cẩm Tú (THPT Nguyễn Hữu Cảnh) chia sẻ bạn làm được bài. Một số thí sinh khác cho hay các bạn làm được trên 60% và đề khá dễ, gần với đề minh họa của bộ.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM, hầu hết thí sinh ra về sau khi hết 2/3 thời gian làm bài. Các thí sinh tự tin sẽ đạt điểm cao với đề địa năm nay. Đề thi đề cập đến ý nghĩa của việc bảo vệ biển đảo, biên giới với Trung Quốc và tài nguyên quốc gia.
Tại điểm thi Trường THPT Bình Phú, Q.6, đa phần cảm thấy đề thi vừa sức, hơi dài, nằm trong dự đoán về nội dung biển, đảo nhưng học sinh trung bình có thể làm được 50%. Thí sinh Lê Quang Trường, học tại THPT Bình Phú cho biết “gần như đề thi dính với biển đảo, câu hỏi về khai thác biển khá đơn giản, câu hỏi về vùng kinh tế không hỏi cụ thể một vùng mà chỉ nêu chung về các vùng kinh tế trọng điểm, có thể dựa vào Atlat để làm”. Thí sinh này cho biết câu khó nhất là câu vẽ biểu đồ yêu cầu vẽ các loại biểu đồ tích hợp.
Một số thí sinh tranh cãi nhau về việc vẽ biểu đồ cột chồng và biểu đồ đường hay miền. “Nếu không hiểu tính chất của mỗi dạng biểu đồ sẽ dễ rất nhầm lẫn, thí sinh Lê Quang Trường cho biết. Thí sinh Phương Phương Thanh, THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, cho biết đề vừa sức, không có điểm nhấn, dễ đoán, nằm hoàn toàn trong chương trình học, có thể làm được trên 5 điểm.
Tại nhiều cụm thi ở TP.HCM, số thí sinh “chọn” môn địa lý để thi không nhiều. Thậm chí, một số điểm thi không có thí sinh nào dự thi trong sáng 3-7.
|
Nụ cười tươi tắn của thí sinh trước giờ thi địa lý ở một điểm thi tại TP.HCM - Ảnh: Hồng Nguyên |
Điểm thi THPT Trần Phú, THCS Phan Bội Châu, thuộc cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sáng 3-7 hoàn toàn được “nghỉ ngơi” khi thí sinh cả nước thi môn địa lý.
Hai điểm thi này không có thí sinh nào thi môn địa lý nên cũng không có bóng dáng của các lực lượng như bảo vệ, công an, giám thị, phụ huynh và thí sinh, điểm thi trở nên vắng lắng so với chiều 2-7.
Ghi nhận ở cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, sáng 3-7, trong hàng chục thí sinh được hỏi đều cho biết là thí sinh tự do, các em bước vào môn thi địa lý với tâm thế để xét tuyển vào ĐH, CĐ, không nhiều thí sinh chọn môn địa lý chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh Nguyễn Hải Triều đã tốt nghiệp năm 2014, năm nay chọn khối C với mục đích xét tuyển vào CĐ sư phạm. Dù đã ôn bài rất kỹ và có thời gian dài chuẩn bị, nhưng một số thí sinh vẫn không khỏi lo lắng.
“Em ôn bài đến 1 giờ sáng, nhưng vẫn lo vì đã nghỉ một năm giờ mới thi lại, không biết cách ra đề hiện nay có khác gì hai năm trước hay không”, Quốc Thịnh, một thí sinh chia sẻ. Cũng theo Thịnh, đề môn “xã hội” mà Thịnh chọn thi khó tự “tính điểm” hơn các khối A, B… vì “nhiều khi mình thấy làm được, nhưng chưa chắc đã đạt điểm tối đa”, Thịnh nói.
Đà Lạt: Có thí sinh ngủ gật
Cụm thi TP. Đà Lạt mang một không khí vắng vẻ khác hẳn với những ngày thi trước. Các điểm thi của cụm thi này đều vắng thí sinh đến dự thi. Tại điểm thi Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin Đà Lạt, khoảng 7g20 ngày 3-7, đa số các thí sinh đã vào phòng thi.
Qua sát tại các phòng thi, nhiều thí sinh tỏ ra mệt mỏi sau hai ngày thi. Có thí sinh ngủ gật trong phòng thi, giám thị phải đánh thức thí sinh dậy để làm thủ tục thi. Theo thông tin từ Hội đồng thi TP. Đà Lạt, môn địa lý có 5.477 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số thí sinh dự thi tại cụm thi này.
|
Thí sinh ngủ gật trong phòng thi tại điểm thi Đại học Đà Lạt - Ảnh: M.VINH |
Cần Thơ: môn địa chỉ còn 17 điểm thi
Sáng 3-7, tại cụm thi Cần Thơ có 6.288 thí sinh dự thi môn Địa lý. Theo hội đồng thi trường ĐH Cần Thơ hiện chỉ còn 17/28 điểm thi THPT quốc qia tập trung tại quận Ninh Kiều. Trong đó điểm thi tại khoa Nông nghiệp trường ĐH Cần Thơ chỉ có 4/36 phòng thi.
Ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Cần Thơ cho biết thí sinh dự thi môn Địa Lý không đông nhưng vẫn bố trí đầy đủ giám thị coi thi và bảo vệ an toàn cho buổi thi.
Trong khi đó, tại chốt tư vấn trường Trần Ngọc Quế (Q.Ninh Kiều) cho biết sáng nay các tình nguyện viên đã nhặt được bìa sơ mi gồm giấy báo thi và chứng minh nhân dân của thí sinh Nguyễn Ngọc Mai Trâm, học sinh trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã làm rơi trên đường đến điểm thi. Các tình nguyện viên sau khi xem địa điểm thi của thí sinh này tại trường THCS Đoàn Thị Điểm thì đã mang đến trả kịp cho thí sinh vào phòng thi.
|
Một phòng thi có ít thi sinh - Ảnh: Thùy Trang |
Trà Vinh: Bảy điểm thi không có thí sinh
Tại cụm thi Trà Vinh có 7/15 điểm thi không có thí sinh dự thi. Trong đó có một điểm thi đã hoàn thành nhiệm vụ kỳ thi tốt nghiệp năm nay vào chiều 2-7 là điểm thi số 9-Trường Trung cấp nghề tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, tại điểm thi số 12-Trường THCS Minh Trí, chỉ có 9 thí sinh dự thi môn địa lý.
Tại hội đồng thi này, ngay từ sáng sớm các thí sinh đã có mặt tại điểm thi. Các giám thị coi thi đã nhắc nhở các thí sinh mang atlat, máy tính, thước vào phòng thi đồng thời tắt và để tất cả điện thoại lại bên ngoài phòng.
|
Thí sinh làm thủ tục thi môn địa lý tại cụm thi Trà Vinh - Ảnh: Thúy Hằng |
An Giang: 200 thí sinh thi địa lý
Sáng 3-7 thi môn Địa ở cụm thi liên tỉnh tại ĐH An Giang chỉ có hơn 200 TS đến dự thi. Trong 24 điểm thi chỉ có ba điểm bố trí thi môn này. Đó điểm thi ở khu trung tâm ĐH An Giang, khu A cũ của ĐH An Giang và ở Trường Cao Đẳng Nghề. Điểm ở khu trung tâm ĐH An Giang chỉ có 20 TS.
Do TS dự thi ít nên phụ huynh cũng không tập trung đông. Sau ba ngày ra quân từ hôm 30-6 các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự trước các điểm thi và các nhóm sinh viên tình nguyện được nghỉ ngơi, có một buổi sáng… không phải tất bật, vất vả.
Hai ngày thi vừa qua lượng TS ở mỗi điểm thi khá đông. Mỗi lúc tan buổi thi những nhóm sinh viên tình nguyện vừa giao trả lại đồ đạc, điện thoại giữ hộ cho TS, vừa lo phát cơm nước miễn phí rất tất bật. Thấy vậy các chiến sĩ công an làm vụ giữ an ninh trật tự, bảo vệ điểm thi cũng lao vào tham gia việc cấp phát cơm nước rất nhiệt tình.
Theo Tuổi trẻ, TTXVN