Ước mơ

Các em viết - Ngày đăng : 16:53, 05/07/2015

Tôi là một cô bé 16 tuổi với tính cách hồn nhiên và nhiều mơ mộng. Không như phần lớn các bạn của tôi sống ở nông thôn ngoài giờ học còn phải ra đồng giúp bố mẹ những công việc của nhà nông, tôi được bố mẹ nuôi nấng và bao bọc như một cô tiểu thư thành phố chính hiệu.

Từ nhỏ tôi đã ý thức được sự khá giả của gia đình mình vì những bữa tiệc sinh nhật linh đình của chị em tôi, vì những bộ váy áo hàng hiệu xúng xính khác xa với quần áo “vỉa hè” của chúng bạn, vì cây đàn oóc-gan để trang trọng bên góc học tập của tôi… Nhưng không vì thế mà tôi và cậu em trai sinh ra đua đòi hay mải chơi. Dù bố mẹ bận buôn bán, nay đây mai đó nhưng chị em tôi khá ngoan ngoãn và luôn nghe lời bà nội.

Từ khi tôi thi đỗ vào trường cấp ba “xịn” nhất huyện, bà nội mừng lắm. Bà đi khoe khắp xóm là tôi học giỏi. Tôi cảm thấy hãnh diện vì điều đó nên càng miệt mài học tập. Ngoài giờ học chính khóa, tôi còn tham gia các lớp học thêm. Bạn bè của tôi đứa nào cũng thế, lịch học kín đặc, đi học mà như ca sĩ “chạy sô”, đến cả bữa ăn cũng vội vàng. Không ít buổi tối, vừa ngồi vào bàn học tôi đã ngủ gục, không biết giời đất gì nữa. Nhìn tôi học hành kiểu đó, bà thương lắm. Có lần bà nội tỉ tê hỏi tôi: “Sau này con Nhím con của bà muốn làm nghề gì nào?”. Tôi buột miệng vì ước mơ ấp ủ bấy lâu nay: “Con thích làm cô giáo”. Bà gật gù nhưng xem chừng không vui lắm: “Làm cô giáo ư? Nghề dạy người quả là cao quý nhưng…” Tôi bất ngờ trước thái độ của bà nội, gặng hỏi: “Nhưng làm sao hả bà?” thì bà chỉ lắc đầu.

Không ngờ bà nội kể lại chuyện đó cho mẹ tôi biết. Mẹ phản ứng dữ dội: “Làm cô giáo thì nghèo lắm con ạ! Con gái mẹ xinh đẹp, lại hát hay, đàn giỏi. Mẹ thích con trở thành ca sĩ hay diễn viên điện ảnh để bố mẹ được nở mày nở mặt”. Tôi vẫn nhất mực bảo vệ quan điểm của mình: “Nhưng con muốn trở thành cô giáo. Đó là ước mơ của con”. Mẹ gạt đi: “Mơ với chả mộng. Ngày xưa mẹ cũng mơ như con đấy, may mà mẹ không quyết tâm thực hiện ước mơ ấy nên bây giờ các con mới được hưởng cuộc sống sung túc như thế này”. “Nhưng các thầy giáo, cô giáo của con vẫn có cuộc sống đàng hoàng đấy thôi” - tôi cố gắng thuyết phục mẹ. Mẹ càng cương quyết: “Mẹ sẽ thuê thầy dạy nhạc tại nhà cho con”. Tôi lầm lũi bỏ lên phòng, trong lòng ấm ức không biết trút vào đâu. Mẹ vẫn hay áp đặt như thế đối với chị em tôi vì mẹ cứ nghĩ rằng mẹ thích thì chúng tôi cũng thích.

Tôi tìm đến bố để giãi bày về cái ước mơ rất đỗi giản dị của mình mà không được mẹ chấp nhận, không được bà nội vui lòng. Bố kể cho tôi nghe về những ngày cuối đời của ông nội cách đây gần hai mươi năm, khi tôi chưa có mặt trên cuộc đời này. Hồi ấy ông ốm nặng nhưng nếu gặp thầy gặp thuốc thì chắc chắn đã qua khỏi. Sự ra đi của ông khiến bà day dứt lắm, bà muốn bố tôi trở thành bác sĩ để cứu người nhưng bố đã không làm bà thỏa nguyện. Có lẽ vì thế mà bà thích tôi trở thành bác sĩ chăng?

Trước kia bố muốn làm giàu vì bố nghĩ nếu có nhiều tiền thì sẽ làm được nhiều việc, kể cả việc thuê những bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình. Bố quyết định đi buôn bởi người ta nói “phi thương bất phú” nhưng đến bây giờ bố nghiệm ra một điều rằng tiền không mua được tất cả. Bố hứa sẽ nói chuyện với bà nội để bà hiểu và nói chuyện với mẹ tôi. Rồi mẹ sẽ không bắt ép tôi phải trở thành ca sĩ hay diễn viên như mong muốn của mẹ.

Sau cuộc nói chuyện với bố, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi sẽ sống và học tập cho những ước mơ của tôi và tôi tin mình sẽ thành công.

 TRẦN THỊ LIÊN(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)