Thành lập thị xã Kinh Môn
Kinh tế - Ngày đăng : 15:26, 07/07/2015
Trong phiên họp chiều 7-7, HĐND tỉnh nghe tờ trình đề nghị thông qua Đề án thành lập thị xã Kinh Môn và thành lập các phường thuộc thị xã.
>>Cử tri phản ánh nhiều vấn đề nóng
Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ đọc 2 tờ trình về việc thành lập thị xã Kinh Môn
và Quảng trường Sao Đỏ. Ảnh: Thành Chung
Thị xã Kinh Môn được hình thành trên cơ sở toàn bộ 163,49 km2 diện tích tự nhiên với 163.783 nhân khẩu và 25 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 22 xã và 3 thị trấn.
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Kinh Môn đạt 9,1%/năm, riêng năm 2014 đạt 18,2%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 đạt 734 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 4,09% năm 2014...
Ngày 23-12-2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận thị trấn Kinh Môn mở rộng (gồm Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân) đạt tiêu chuẩn độ thị loại IV. Sau khi trở thành thị xã, Kinh Môn sẽ có 5 phường, gồm Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân, Hiệp An và Hiệp Sơn. Thời gian tới, Kinh Môn sớm hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, còn thiếu, sớm có quy hoạch chi tiết đối với các phường nội thị. Chủ động hoàn thiện các thủ tục hành chính, pháp lý để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị xã Kinh Môn và các phường trực thuộc thị xã.
Cũng trong chiều 7-7, HĐND tỉnh nghe tờ trình về việc đặt tên Quảng trường Sao Đỏ. Quảng trường Sao Đỏ nằm ở trung tâm thị xã Chí Linh, diện tích 65.658 m2. Lý do đặt tên quảng trường là Sao Đỏ vì đây là bí danh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện), một nhà hoạt động cách mạng lão thành. Ông từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng Tài chính của Tổng bộ Việt Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính Phủ, Phó Chủ tịch nước.
SỸ THẮNG