Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em nông thôn
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:06, 08/07/2015
Vấn đề này chậm được khắc phục đang gây ra nỗi lo, nỗi băn khoăn, thậm chí bức xúc của nhiều phụ huynh.
Hiện nay, sân chơi dành cho trẻ em nông thôn nhanh chóng bị thu hẹp do nhiều địa phương lấy sân bãi để xây dựng các công trình hoặc quy hoạch khu dân cư... Các dự án xây dựng nông thôn mới đều quy hoạch các khu vui chơi giải trí cho trẻ nhưng nhiều nơi diện tích bị cắt xén. Đến nay, nhiều khu vui chơi rơi vào tình trạng “án binh bất động” hoặc vẫn nằm trên giấy. Trong khi đó, các xã đều không có nhà văn hóa thiếu nhi, những buổi sinh hoạt phải tổ chức tại sân trường, nhà văn hóa thôn chật chội, nóng bức vì số lượng trẻ em quá đông. Do cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu cộng với cơ chế hoạt động hè mấy năm nay thường “khoán” trắng cho Đoàn Thanh niên địa phương tự lo liệu trong khi tổ chức này đang gặp khó khăn do lực lượng cán bộ đoàn mỏng và nguồn kinh phí quá hạn hẹp. Từ đó dẫn đến việc tổ chức, mời các chuyên gia, cộng tác viên, người có chuyên môn dạy hát múa, học vẽ, cầu lông, bóng bàn, học bơi... bị hạn chế rất nhiều hoặc không tổ chức. Vì vậy, việc mở rộng các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, kỹ năng sống, tổ chức trại hè, đi tham quan di tích lịch sử, đổi mới tủ sách và các hình thức vui chơi có thu thêm lệ phí không phù hợp với thu nhập thấp của nhiều gia đình nông dân hiện nay. Trong khi đó, số ít điểm vui chơi có dăm ba chiếc đu quay thì đã hoen gỉ, vài thứ đồ nhựa, cầu trượt, trẻ chỉ nô đùa vài phút đã chán. Còn một số nơi, tuy có sân đình, sân nhà văn hóa hay bãi đất trống nhưng thường bị chiếm dụng thành nơi bày bán cây cảnh, quán bia hơi, làm cho trẻ khó có cơ hội tìm thấy nơi vui chơi. Chính vì thế, thay vì cho các em vui chơi, giải trí, nhiều bậc phụ huynh lại tính cho con đi học hè hay cho trẻ chơi điện tử... Một số gia đình muốn con không vướng vào các tệ nạn xã hội thường khuyến khích trẻ phụ giúp việc đồng áng. Ngoài phụ giúp gia đình, có nhiều trẻ thường ra đồng bãi, đến các mương máng, sông mò cua, bắt ốc, chăn trâu bò... rồi dẫn đến sao nhãng, ít tham gia các hoạt động hè ở địa phương. Mặt khác, nông thôn có nhiều ao hồ, mương máng, nếu gia đình chủ quan để con em tự ý ra những nơi đó tắm rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.
Để duy trì hoạt động hè cho trẻ em nông thôn, Đoàn Thanh niên cần phát huy tinh thần trách nhiệm. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Tổ chức đoàn cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và nhà trường tạo ra các hoạt động sinh hoạt hè phong phú, bổ ích, mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng, nhất là các bậc cha mẹ cần cộng tác toàn diện với Đoàn Thanh niên để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục và tạo điều kiện cho con trẻ tham gia sinh hoạt hè, giúp chúng không bị cuốn hút vào các trò chơi vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm.
THANH VÂN (Chí Linh)