Cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương các cấp tỉnh, huyện

Tư vấn - Ngày đăng : 06:42, 09/07/2015

Tất cả các Sở Công thương chỉ được có tối đa 3 Phó Giám đốc. Phó Giám đốc Sở Công thương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 14-8-2015, thay vì cho phép Sở Công thương TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được có tối đa 4 Phó Giám đốc như trước, thông tư quy định tất cả các Sở Công thương chỉ được có tối đa 3 Phó Giám đốc; Phó Giám đốc Sở Công thương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Về tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch - tài chính - tổng hợp, Phòng Quản lý thương mại... Sở Công thương có thể tổ chức thêm Phòng Quản lý năng lượng, Phòng Quản lý đầu tư và hợp tác quốc tế hoặc Phòng Quản lý xuất nhập khẩu. Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại (chỉ thành lập khi không có Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Về biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của sở được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.

Trên đây là những nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV do liên Bộ Công thương, Nội vụ ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28-5-2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14-8-2015.