Vai trò quan trọng của chi bộ trong xây dựng Đảng
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 06:29, 11/07/2015
Vì chi bộ là gốc rễ của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”.
Là sợi dây chuyền để gắn kết Đảng với quần chúng cho nên nếu chi bộ vững mạnh thì mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả. Trái lại, nếu chi bộ yếu kém thì sẽ không phát huy được tác dụng đối với quần chúng, mọi công việc sẽ diễn ra không theo ý muốn. Ngày nay, Đảng ta có hàng triệu đảng viên, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn. Thực tế này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng cũng như trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, nâng cao vai trò lãnh đạo, giữ được niềm tin đối với quần chúng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ.
Các chi bộ cần thường xuyên rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên vì đảng viên là người thay mặt cho Đảng đi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân, làm cho họ hiểu rõ và thực hiện. Có điều cần chú ý là trong một chi bộ thường có nhiều thế hệ đảng viên già, trẻ khác nhau. Mỗi thế hệ đều có những ưu điểm và hạn chế của mình, vì thế chi ủy cần khéo léo trong việc sử dụng các biện pháp giáo dục sao cho mỗi thế hệ đều phát huy được thế mạnh của mình để tạo nên sức mạnh chung của chi bộ.
Bồi dưỡng, phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở chi bộ. Không kết nạp được đảng viên mới sẽ dẫn tới tình trạng dậm chân tại chỗ, chi bộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cái mới vì thiếu lực lượng trẻ năng động, sáng tạo. Thực tế hiện nay cho thấy, ở một số chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Một mặt vì thiếu nguồn quần chúng bồi dưỡng, mặt khác quần chúng cũng không nhiệt tình, say sưa phấn đấu vào Đảng. Chính vì thế đã dẫn tới tình trạng coi nhẹ chất lượng khi xem xét kết nạp đảng viên, từ đó nảy sinh dư luận chi bộ “mời” người vào Đảng, chứ không phải quần chúng đến với Đảng bằng quyết tâm rèn luyện, phấn đấu của mình. Trong chi bộ cần có nhiều đảng viên để tạo ra khí thế mạnh mẽ trong khi triển khai các nhiệm vụ, nhưng cái quan trọng hơn là chất lượng đảng viên. Bác Hồ đã dặn: Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ. Khi giới thiệu họ vào Đảng thì phải hết sức cẩn thận.
Để làm tròn sứ mệnh là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, trong sinh hoạt của chi bộ phải thật sự mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết chặt chẽ, thường xuyên liên hệ mật thiết với quần chúng, tìm kiếm các biện pháp để phát huy trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì thế khi triển khai các nghị quyết của Đảng, chi bộ cần bàn bạc, giải thích cho quần chúng thông suốt chủ trương, tuyệt đối không được lạm quyền mệnh lệnh, gia trưởng, áp đặt. Cần nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị chứ không phải là một tổ chức hành chính.
Muốn có chi bộ mạnh, trước hết chi ủy phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải khiêm tốn học hỏi đảng viên, quần chúng, phải gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, mạnh dạn tiếp cận cái mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải thực hiện phương châm “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Thực tiễn cho thấy không ít đảng viên, kể cả cấp ủy viên vì mang nặng tư tưởng “dĩ hòa vi quý” hoặc suy nghĩ theo kiểu “hạt muối bỏ bể” cho nên không muốn phê bình, góp ý cho đồng chí của mình, dẫn đến triệt tiêu sự đấu tranh. Đó là dấu hiệu của sự thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên cần sớm được khắc phục.
Bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ta đã khẳng định: Vai trò, tác dụng của chi bộ cực kỳ quan trọng. Chi bộ mạnh tạo nên Đảng mạnh. Đảng ta vĩ đại như ngày nay cũng được bắt nguồn từ chi bộ đầu tiên.
TS. PHẠM TRUNG THANH(Bí thư Chi bộ khu 8, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương)