Văn Diệm bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:15, 12/07/2015

Thôn Văn Diệm, xã Hưng Thái (Ninh Giang) có nhiều cách làm hay để bảo vệ môi trường. Thôn có 5 xóm với 810 hộ dân.



100% các xóm của thôn Văn Diệm đều có tổ thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường


Trước đây, do chưa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên ý thức người dân trong bảo vệ môi trường còn hạn chế. Người dân chỉ chú ý dọn vệ sinh trong gia đình mà chưa quan tâm đến đường làng, ngõ xóm. Điều này khiến những nơi công cộng của thôn bị bẩn, ô nhiễm. Trong mỗi gia đình cũng chưa có hố rác mà người dân chỉ để rác ở góc vườn, khi đầy họ mang ra đốt gây ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng trên, anh Nguyễn Đức Minh, Trưởng thôn Văn Diệm (lúc đó là Phó Trưởng thôn) đã nhận trách nhiệm xây dựng mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở xóm 3. Anh Minh đã tích cực phối hợp với đại diện các tổ chức, đoàn thể đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc thu gom rác thải. Nhân dân trong thôn đều nhất trí cao với việc thành lập tổ thu gom. 2 người dân trong xóm tự nguyện nhận trách nhiệm thu gom rác. Tháng 10-2007, mô hình tự quản thu gom rác thải của xóm 3 được thành lập. Việc thu gom rác được thực hiện 2 buổi/tuần, mỗi khẩu chỉ nộp phí 1.000 đồng/tháng. UBND xã tạo điều kiện cấp cho xóm 3 một khu đất trống làm bãi chôn lấp rác tập trung.

Sau 1 năm hoạt động, tổ thu gom rác thải của xóm 3 phát huy hiệu quả rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, không còn tình trạng người dân đốt rác làm khói bay mù mịt. Từ mô hình ở xóm 3, nhiều xóm khác trong thôn cũng học tập làm theo và thành lập được các tổ thu gom rác. Đến năm 2008, cả 5 xóm của thôn Văn Diệm đều có tổ thu gom rác thải. Xác định việc thu gom rác toàn thôn cần có quy chế rõ ràng thì mới hoạt động bền vững được nên lãnh đạo thôn đã họp bàn với nhân dân xây dựng quy chế hoạt động cho tổ thu gom rác thải. Mỗi xóm cử ra từ 1-2 người làm công tác thu gom và 2 ngày sẽ thu gom 1 lần. Việc thu gom được thực hiện đến từng hộ gia đình thay vì chỉ đến đầu ngõ như trước đây. Mỗi khẩu nộp 1.500 đồng tiền phí mỗi tháng. Ngoài ra, UBND xã Hưng Thái cho phép thôn mở rộng bãi rác lên 5.000 m2.

Với kết quả đạt được, tháng 10-2010, thôn Văn Diệm được MTTQ tỉnh chọn làm điểm để xây dựng mô hình tự quản về môi trường. MTTQ đã hỗ trợ 1 phần kinh phí và thôn Văn Diệm cũng trích kinh phí mua cho mỗi thôn 1 chiếc xe chở rác và trang bị bảo hộ lao động cho người thu gom. Từ năm 2014, phí rác thải được tăng lên 2.000 đồng/khẩu. Điều này đã góp phần tăng thu nhập của người thu gom, giúp họ gắn bó hơn với công việc. Đến nay, 100% rác thải trong thôn được thu gom và chôn lấp đúng nơi quy định. Nơi công cộng của thôn cũng được dọn dẹp sạch sẽ, cây cối trồng ở những nơi này luôn được chăm sóc chu đáo.

Một trong những vấn đề của các địa phương khác là rác thải sau khi được tập kết ra bãi rác thường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến dân cư. Tuy nhiên, ở thôn Văn Diệm tình trạng đó không xảy ra. Thôn đã giao cho ông Trần Công Min ở xóm 1 chịu trách nhiệm xử lý sau chôn lấp. Cứ khoảng 200 m2 bãi rác đầy, ông Min lại san phẳng, sau đó mua đất đổ lên trên với độ dày từ 20-30 cm và trồng cây lên trên đó. Từ khi được thôn giao đến nay, ông Min đã san lấp được 3.000 m2, trồng các loại cây đu đủ, thanh long, chuối, bí đỏ... Việc này làm cho bãi rác không còn mùi hôi thối mà ông Min lại có thêm thu nhập.

Những việc làm trên của cán bộ và nhân dân thôn Văn Diệm đã được nhiều nơi trong và ngoài xã đến học tập. Anh Nguyễn Đức Minh cho biết: Sự đồng tình của người dân chính là tiêu chí quan trọng để chúng tôi đánh giá hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường của thôn. Điều đó thể hiện bằng việc 100% số hộ trong thôn đóng tiền phí môi trường đúng quy định. Những ngày dọn vệ sinh công cộng, nhân dân tham gia rất đông, có cả người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi phấn khởi vì mô hình này được nhân dân ủng hộ.

PV