Dịch vụ xe khách phát triển
Thị trường - Ngày đăng : 08:16, 16/07/2015
Sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Tân Việt hiện có hơn 90 xe khách hoạt động
Rất khó để có thể hẹn gặp được một chủ xe khách nhất là ngày cuối tuần bởi đặc thù công việc của họ là thường xuyên di chuyển trên những tuyến đường. Sau bao lần hẹn tôi mới gặp được anh Vũ Xuân Hiển, chủ nhà xe Đạo Đường, trong khoảng thời gian ngắn ngủi xen giữa 2 chuyến đi. Anh Hiển cho biết: "Công việc của chúng tôi yêu cầu độ chính xác về thời gian rất cao, để khách chờ lâu coi như là mất khách". Theo anh Hiển, trước kia anh đi làm ăn xa, thường xuyên phải di chuyển bằng xe khách. Nhận thấy nhu cầu đi lại của bà con trong xã ngày một tăng cao, năm 2007, anh quyết định đi học lái xe và vay thêm 200 triệu đồng để mua một chiếc xe Mercedes 16 chỗ ngồi. Lúc đầu, anh chạy tuyến Thanh Hà - Hà Nội vì đây là tuyến ngắn, có nhiều người đi học, đi làm. Mặc dù đã tính toán kỹ trước khi thực hiện nhưng 2 năm đầu anh bị thua lỗ do là xe mới nên ít khách, không cạnh tranh được với các nhà xe khác. Để thu hút khách hàng, anh Hiển giảm giá cước, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa đón khách tận nhà. Dần dần, anh có nhiều khách quen hơn. Năm 2009, do lượng khách nhiều nên anh phải đổi từ xe 16 chỗ lên 30 chỗ và sắp tới là 45 chỗ. Bên cạnh tuyến Thanh Hà - Hà Nội, anh còn đầu tư thêm một đầu xe đi tuyến Thanh Hà - Lạng Sơn. Xe tuyến này không chỉ chở khách mà còn chở hàng. Hiện tại, gia đình anh thuê 4 người làm với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng anh thu lãi từ 25-35 triệu đồng.
Giống như anh Hiển, anh Bùi Duy Cam cũng nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân địa phương trên tuyến Thanh Hà - Phú Thọ nên đã đầu tư một xe Hyundai 30 chỗ ngồi. Anh Cam cho biết: "Tân Việt có nhiều gia đình kinh doanh tàu thuyền chở hàng, chủ yếu lấy hàng từ Việt Trì (Phú Thọ) nên lượng khách tại xã đi tới điểm này rất đông. Mặc dù hiện tại dịch vụ xe khách phải cạnh tranh rất mạnh nhưng do làm lâu năm nên tôi có nhiều khách quen. Sắp tới, tôi sẽ mua thêm một xe nữa để tăng số chuyến trong ngày". Không chỉ chở khách cố định theo chuyến, anh Cam còn nhận chở khách theo hợp đồng. Anh cho biết, kinh tế ngày càng phát triển nên nhu cầu đi du lịch của người dân ngày một tăng. Mỗi ngày, anh nhận được từ 1 - 2 hợp đồng xe du lịch. Nhờ nhạy bén trong kinh doanh nên doanh thu hằng năm của gia đình anh đạt từ 250-300 triệu đồng.
Hiện nay, Tân Việt có 2 HTX vận tải xe khách với hơn 70 đầu xe. Ngoài ra, trong xã còn có hơn 20 xe hoạt động tự do. Các xe khách ở Tân Việt hoạt động chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Hằng năm, 2 HTX đạt lợi nhuận ước tính gần 3 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho gần 80 người dân trong xã. Ông Trịnh Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt cho biết: "Mấy năm trở lại đây, dịch vụ xe khách trong xã phát triển mạnh. Có nhiều hộ mở rộng kinh doanh, nhiều hộ mới làm. Mặc dù lúc đầu có nhiều khó khăn về vốn nhưng hiện tại các hộ kinh doanh dịch vụ xe khách trong xã đều khá giả. Hai HTX mặc dù hoạt động độc lập nhưng thường xuyên trao đổi với nhau về giá cước, giúp đỡ nhau trên các tuyến đường. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển loại hình dịch vụ này, xã cũng hỗ trợ và hướng dẫn bà con trong các thủ tục vay vốn".
Dịch vụ vận tải thủy - bộ là thế mạnh của xã Tân Việt. Trong đó, dịch vụ vận tải hành khách đang ngày càng chiếm ưu thế bởi so với dịch vụ vận tải đường thủy thì số vốn người dân bỏ ra thấp hơn. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững ngành nghề này, người dân cần có phương hướng phù hợp để tránh thiệt hại khi mà mức độ cạnh tranh ngày một cao.
MƠ NGUYỄN