Ứng xử sau mùa thi

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:43, 24/07/2015

Bậc làm cha mẹ, anh chị... cần có cánh ứng xử đúng đắn đối với kết quả học tập, nhất là kết quả thi vào các trường cao đẳng, đại học của các em học sinh.

Ở đây tôi muốn nói đến cách ứng xử của bậc làm cha mẹ, anh chị, của những người lớn tuổi với kết quả học tập, nhất là kết quả thi vào các trường cao đẳng, đại học của các em học sinh vừa hoàn thành chương trình giáo dục THPT. Ứng xử ấy, trước tiên về mặt nguyên tắc là ứng xử giữa con người với con người, cần phải có văn hóa, trên cơ sở tôn trọng nhân cách, năng lực, trình độ, cũng như khả năng học tập của từng em, phải tôn trọng sự lựa chọn, cả những thành công hay thất bại của từng em.

Vấn đề này cần thiết được bàn khi các trường đang chuẩn bị công bố kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đầu vào các trường cao đẳng, đại học năm 2015. Nó là một định hướng, nhưng đồng thời cũng là một khuyến cáo không thừa chút nào. Bởi bài học từ những kết cục xót xa, kể cả cái chết đau thương đã có của những năm trước, mà nguyên nhân chính do bậc làm cha mẹ, anh chị, người lớn xung quanh không có được sự ứng xử đúng với con em mình.

Ứng xử không đơn thuần là việc người này tỏ thái độ với người kia ra sao, vừa lòng hay không vừa lòng, mà đó là một nghệ thuật sống, nhất là với các em học sinh đang trong độ tuổi có những diễn biến tâm sinh lý hết sức phức tạp. Theo đó, ứng xử với mỗi thành công của các em, mà cụ thể là thành công sau kỳ thi vừa qua, cần thiết phải bằng những lời động viên, khích lệ hợp lý, bằng những hành động như tặng quà, tổ chức liên hoan, khao mừng... hợp với hoàn cảnh. Tránh những lời khen thái quá dễ đưa các em đến thói tự cao tự đại; tránh tặng quà có giá trị cao chưa cần thiết hoặc quá với khả năng tài chính của gia đình; tránh tổ chức liên hoan quá đình đám theo lối tạo danh, sĩ diện cho gia đình. Nếu có thưởng các em bằng những chuyến đi chơi cùng gia đình, bạn bè, thì cần thiết phải có sự định hướng và quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các em xả hơi một cách “thả phanh”, “tẹt ga” quá chớn… hậu quả sẽ khôn lường. Cha mẹ nên hướng chuẩn bị cho các em về tâm thế sẵn sàng với cuộc sống mới tự lập và xa gia đình, trang bị cho các em những kinh nghiệm sống để vượt qua những khó khăn phía trước, nhất là với các em ở nông thôn, các em gái lần đầu lên thành thị... Cần giúp các em thấy được thành công ấy đáng trân trọng nhưng mới là bước đầu, cần phát huy. Đồng thời phải giáo dục các em nhận thức được rằng kết quả đó ngoài sự nỗ lực của bản thân còn là sự ủng hộ, lo toan, chăm sóc, giúp đỡ của gia đình, người thân, bạn bè, các em phải biết trân trọng nó, lấy đó làm cơ sở để cố gắng vươn lên, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong cuộc đời phía trước.

Ngược lại, ứng xử với mỗi thất bại là điều mà các bậc phụ huynh, anh chị càng cần phải chú trọng, khéo léo hơn, từng câu từ và hành động phải trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết tâm lý lứa tuổi. Bởi nếu không sẽ làm tổn thương tâm lý các em vốn dễ bị kích động và dẫn đến hành vi không chuẩn, khó kiểm soát. Có nhiều cách khác nhau tùy tính cách từng em, nhưng chung nhất là nên gần gũi động viên, chia sẻ, giúp các em giải tỏa tâm lý căng thẳng. Có thể gợi ý để các em đến những nơi tĩnh tại, tránh những hình phạt, bóng gió chê trách. Tuyệt đối không được dùng những từ ngữ có tính chất đay nghiến hay có ý so bì với đứa này, bạn kia... Trên thực tế, lựa chọn học trung cấp nghề, học để trở thành công nhân hay lao động tự do đều là những hướng tốt cần định hướng các em, miễn là lao động có ích, không phạm pháp.
Ứng xử với các em sau mỗi thành công hay thất bại của kỳ thi là một nghệ thuật, có tính tâm lý xã hội sâu sắc. Không ai nói hay, nhưng cần thiết phải quan tâm, ngẫm nghĩ để có cách ứng xử với con mình một cách tốt nhất. Bởi nếu không khéo vui sẽ rất dễ thành buồn, thành công rất dễ lại trở thành bại lụi. Cổ nhân đã nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chúng ta nên học lời răn dạy đó của cha ông ta, đó cũng là phương châm sống, ứng xử và hành xử cần thiết với các em lúc này.


BÙI VĂN MẠNH (Chí Linh)