Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Tin tức - Ngày đăng : 08:29, 26/07/2015

Với những cố gắng và thành tích đạt được, 15 năm liền Đảng bộ Trường Chính trị đạt trong sạch, vững mạnh.



Các lớp bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh đều theo phương châm "Lấy người học làm trung tâm"


Cách đây 52 năm, ngày 27-7-1963, Trường Đảng tỉnh và Trường Hành chính tỉnh sáp nhập. Sau nhiều lần đổi tên và chuyển địa điểm theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Trường Chính trị tỉnh được thành lập, xây dựng, phát triển và trưởng thành như ngày nay.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong tỉnh phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, điều hành. Để đáp ứng yêu cầu đó, Trường Chính trị thường xuyên bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trường mở rộng các loại hình và đối tượng cán bộ đào tạo phù hợp với thực tế, đào tạo theo chức danh, theo địa chỉ; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy tích cực theo phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Nhà trường tăng cường công tác quản lý học viên, coi trọng cả rèn luyện kiến thức kỹ năng với ý thức, tư cách của người học, lấy việc tự giác cầu thị trong học tập để đánh giá phân loại học viên.

Nhà trường đã tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, các trường, cơ quan Trung ương trong tổ chức triển khai giáo trình mới, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh để tăng cường đội ngũ giáo viên kiêm chức, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, kinh nghiệm giải quyết, xử lý các tình huống trong lãnh đạo, quản lý.

Nhà trường cũng chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ các khoa, phòng theo năng lực, sở trường để phát huy tiềm năng, thế mạnh chuyên môn. Đặc biệt, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường được coi trọng đúng mức. Hiện nay, trường có 58 cán bộ, viên chức, trong đó có 37 giảng viên kiêm nhiệm. 100% số giảng viên được đào tạo bài bản, có 2 giảng viên cao cấp, 11 giảng viên chính, 2 tiến sĩ, 27 thạc sĩ (1 người đang theo học nghiên cứu sinh), 4 người đang học cao học.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhà trường đã tổ chức được 662 lớp học cho 73.356 lượt học viên với nhiều hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Nhà trường đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh giao (bình quân 5 năm 2010 - 2014 đạt 120% kế hoạch).

Với những cố gắng và thành tích đạt được, 15 năm liền Đảng bộ Trường Chính trị đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2003, trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Năm 2013, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Trên 80 lượt cán bộ, viên chức nhà trường vinh dự đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao tặng.

Bước sang năm học 2015, chỉ tiêu kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ tăng lên (hệ đào tạo 150%, hệ bồi dưỡng 120%). Khung chương trình mới theo quyết định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ còn  1.076 tiết, giảm 684 tiết so với chương trình cũ. Thời lượng dành cho kỹ năng tăng lên, trong khi đội ngũ giảng viên có sự chênh lệch, nhiều giảng viên trẻ nhiệt tình tâm huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường chính trị còn nhiều bất cập, cơ chế quản lý theo mô hình sự nghiệp tự chủ một phần ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, phòng học, hội trường, nhà nghỉ được xây dựng từ thời bao cấp rất xập xệ, trang thiết bị đồ dùng lạc hậu. Đây là những thách thức rất lớn đối với nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trước yêu cầu đổi mới toàn diện hiện nay.

Với phương châm “Lấy Đảng ủy, Ban giám hiệu là trung tâm đoàn kết, lấy công việc là điểm tương đồng, lấy hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ”, Trường Chính trị tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, mở rộng loại hình, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để thực hiện mục tiêu đó, nhà trường đề ra một số giải pháp cơ bản. Đó là: Quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết, quy định của Trung ương, đặc biệt là Quy định 54 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận trong Đảng và Nghị quyết 32 ngày 28-5-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý”. Thường xuyên bám sát và tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ thường xuyên với các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh, Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trong xây dựng và triển khai kế hoạch công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho. Tăng cường phương pháp giảng dạy tích cực, áp dụng phương tiện hiện đại, chú trọng truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, gắn lý luận với thực tiễn. Đổi mới, nâng cao công tác quản lý học viên, nhất là khâu trên lớp, cho điểm học viên. Chủ động phối hợp với các trường ở Trung ương, các đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh để mở rộng quy mô, loại hình các lớp theo đối tượng, nhu cầu người học và theo phân cấp quản lý cán bộ. Trước hết phải hoàn thành tốt chỉ tiêu các lớp trong kế hoạch, gắn với mở rộng các lớp liên kết, lớp hoàn chỉnh theo Quy chế “miễn học, miễn thi”. Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức một số lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ, giảng viên của nhà trường. Chú trọng lựa chọn những giảng viên có phẩm chất, có năng lực giảng dạy, được đào tạo bài bản, đặc biệt là tâm huyết, say mê với nghề nghiệp, đồng thời tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, từng bước giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các bộ phận, các khoa, phòng theo cơ chế, mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần ngân sách, coi trọng chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn được giao.

Dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng với truyền thống 52 năm xây dựng và phát triển, với trí tuệ, dân chủ và đổi mới của tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên, chắc chắn Trường Chính trị tỉnh sẽ thu được những thành tích mới, thực sự xứng tầm là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao của tỉnh.

TS.LÊ XUÂN HUY, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh