Nỗi lo "mất mùa trong nhà"

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:06, 27/07/2015

Hiện nay, việc bảo quản nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch gặp không ít khó khăn khiến nông dân không chỉ lo mất mùa ngoài đồng mà còn lo "mất mùa trong nhà".


Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi bán ra thị trường. Hiện nay, việc bảo quản nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch gặp không ít khó khăn khiến nông dân không chỉ lo mất mùa ngoài đồng mà còn lo "mất mùa trong nhà".





Vì chưa áp dụng công nghệ bảo quản nên mỗi khi thu hoạch ngô, nông dân thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong (Thanh Miện)
lại phấp phỏng lo trời mưa, ngô bị mốc


Thiếu công nghệ

Đưa tôi xuống thăm vựa ngô lớn nhất của huyện Thanh Miện ở thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bùi Hữu Tiếp bảo: "Nông dân Đồng Chấm bây giờ chỉ mong trời nắng, bởi nếu mưa ngô không kịp thu hoạch sẽ bị mốc, bán mất giá. Cũng tầm này năm ngoái, nông dân vừa thu hoạch ngô về nhà, trời đổ mưa tầm tã. Chúng tôi xuống thăm thấy bà con phơi ngô la liệt trong nhà nhưng ngô vẫn bị mốc. Nhiều gia đình đã phải đổ bỏ hàng chục thúng ngô".

Người trồng hành ở 2 huyện Nam Sách, Kinh Môn cũng gặp không ít khó khăn khi bảo quản hành củ. Mỗi năm huyện Nam Sách trồng khoảng 1.600 ha hành củ, sản lượng ước đạt hơn 30.000 tấn. Nông dân đã chú ý đến việc phòng trừ dịch bệnh, phun thuốc BenlatC 0,2% vào đất, xử lý củ giống bằng thuốc Newkasuran BTN 0,3%, phun thuốc phòng bệnh khô đầu lá, sương mai bằng các loại thuốc Rhidomil 72MZ, Tilt super 300 EC, Boocdo 1% để giảm thiệt hại do sâu bệnh gây cho củ hành tươi, đồng thời dễ bảo quản hơn khi để khô. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Sách băn khoăn: "Việc bảo quản hành khô không dễ do thiếu công nghệ bảo quản tiên tiến. Hiện nay để bảo quản hành nông dân cũng chỉ biết phơi nắng hoặc sấy bằng lò than trong những ngày mưa. Biện pháp này cũng không hiệu quả bởi trong quá trình bảo quản hành hay bị bệnh thối nhũn. Nhiều gia đình phải vứt đi một nửa số hành".

“Mặc dù nông dân chúng tôi đã được ngân hàng hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm nhưng số tiền quá lớn nên không dám đầu tư”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh, mỗi năm tỉnh ta trồng khoảng 30.000 ha rau màu các loại. Nhờ lựa chọn các giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất các loại rau màu đạt cao. Tuy nhiên, nhiều thời điểm mặc dù được mùa nông sản nhưng nông dân vẫn không vui bởi nông sản bị xuống mã hoặc giảm chất lượng sau khi thu hoạch. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng trồng trọt (Sở NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, bảo quản nông sản (BQNS) sau thu hoạch là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân đa phần vẫn BQNS theo cách thủ công, đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu. Hệ thống kho dự trữ lương thực, kho lạnh để bảo quản rau, củ, quả và thủy sản ở tỉnh ta còn thiếu, không bảo đảm điều kiện kỹ thuật. Đến thời điểm này, các công nghệ bảo quản tiên tiến như: làm đông nhanh (Cas), bao gói khí điều biến (MAP), bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ, bằng các chế phẩm hấp thụ hoặc ức chế quá trình sinh tổng hợp Ethylene mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được đưa vào sử dụng.

Nông dân chưa mặn mà



Hiện nay, phần lớn nông sản, nhất là các loại rau chưa được áp dụng các biện pháp bảo quản hiện đại


BQNS tốt sẽ giúp nông dân bán được với giá cao hơn, tránh bị tư thương ép giá nhưng nông dân nhiều nơi trong tỉnh vẫn muốn "ăn xổi", chưa quan tâm đến việc BQNS để tránh cung vượt cầu. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 6, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho biết: "Cà rốt được thu hoạch tư thương đến mua là tôi bán ngay chứ mang về bảo quản làm gì cho mất công". Ông Lê Văn Ngấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho rằng do BQNS kém nên có thời điểm cà rốt Đức Chính phải đổ cho bò ăn vì giá bán quá thấp nhưng chỉ vài tháng sau đó giá cà rốt tăng nhưng cả xã không còn củ cà rốt nào để bán.


Nguyên nhân khiến nông dân chưa quan tâm đến việc BQNS sau thu hoạch do kinh phí đầu tư cho máy móc hoặc công nghệ bảo quản còn cao. Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn An Dật, xã Thái Tân (Nam Sách) lý giải: "Nông dân chúng tôi cũng muốn mua thiết bị để sơ chế, bảo quản cà rốt nhưng ngặt nỗi để mua được một bộ thiết bị này phải đầu tư ít nhất 300 triệu đồng. Mặc dù nông dân chúng tôi đã được ngân hàng hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm nhưng số tiền quá lớn nên không dám đầu tư. Hơn nữa, cà rốt nếu được bảo quản tốt cũng khó cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc giá rẻ đang tràn ngập trên thị trường".



Sơ chế, bảo quản vải thiều trong kho lạnh tại nhà máy của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại dịch vụ Rồng Đỏ tại xã Việt Hồng, Thanh Hà


Để mua được máy móc phục vụ BQNS, ngoài rào cản do chi phí cao, còn một lý do là thời gian vận hành không liên tục nên khó thu hồi vốn. Thời gian qua, tỉnh ta đã tiến hành dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Tuy nhiên, các vùng này mới chỉ được thực hiện đối với cây lúa, còn với những loại rau màu sản xuất vẫn manh mún. Diện tích trồng rau màu tập trung theo mô hình cánh đồng lớn không nhiều nên việc các hộ dân sẵn sàng đầu tư vài chục đến vài trăm triệu đồng để mua thiết bị  BQNS không dễ dàng.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để giải bài toán BQNS sau thu hoạch, cách tốt nhất là nông dân liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đứng ra cung ứng máy móc BQNS cho nông dân. Trong mối liên hệ này, nông dân và doanh nghiệp phải ký hợp đồng rõ ràng để hài hòa lợi ích hai phía.

Tỉnh Hải Dương đã hình thành các vùng trọng điểm trồng cà rốt ở Nam Sách, vải ở Thanh Hà, Chí Linh, ngô ở Thanh Miện, Bình Giang, hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách... nhưng ở đây vẫn chưa nhiều nhà máy sơ chế, BQNS. Việc các địa phương tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy bảo quản, sơ chế nông sản ngay tại vùng nguyên liệu sẽ giúp nông dân vơi bớt nỗi lo "mất mùa trong nhà".

Tháng 6 vừa qua, tỉnh ta đã ký bản hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, Australia, Malaysia, Israel đưa các ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ cho nhân dân sản xuất và bảo quản nông sản, nhất là những công nghệ có thể giúp nông sản tỉnh ta đạt tiêu chuẩn và có thể xuất khẩu ngay trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Đây là cơ hội giúp nông dân tỉnh ta tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường khu vực và thế giới.


 HẢI MINH