Đưa chính sách BHXH, BHYT gần người lao động hơn

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:04, 28/07/2015

Ngày 28-7, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đãtổ chức lễ ký quy chế phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2015-2020.

Qua 3 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam (từ năm 2012 đến nay), hai cơ quan đã phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đặc biệt, trước những tình huống nảy sinh trong thực tiễn, hai ngành đã chủ động phối hợp hiệu quả tìm giải pháp khắc phục, giải quyết, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về BHXH, BHYT, hai bên đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại 7 tỉnh, dự kiến trong năm 2015 sẽ kiểm tra tại 2 tỉnh.

Năm 2014, hai ngành thực hiện chương trình phối hợp kiểm tra với Bộ LĐTB&XH tại 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Nam và Long An; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH tại 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang; đề nghị thu quỹ BHXH số tiền nợ 7,8 tỉ đồng; phối hợp với Thanh tra Chính phủ thanh tra BHXH tại 60 DN trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố với số tiền thu nợ BHXH lên đến hàng chục tỉ đồng…

Đặc biệt, tháng 3-2015, trước tình hình công nhân, lao động ở một số DN ngừng việc để bày tỏ sự không đồng tình với Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp hiệu quả, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, giúp người lao động hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH, đồng thời đề xuất với Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép người lao động được quyền lựa chọn tiếp tục chế độ BHXH một lần hoặc bảo lưu để hưởng chế độ hưu trí.

Bản quy chế phối hợp công tác giữa hai ngành giai đoạn 2015-2020 đã bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là Điều 10, Chương II quy định về phối hợp trong việc thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động; BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo BHXH các cấp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với tổ chức Công đoàn cùng cấp trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH và tham gia tố tụng tại tòa án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Quy chế cũng đề cập đến sự phối hợp như trên ở cấp BHXH và LĐLĐ các tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam (tại Điều 22, Chương III). Ngoài ra, hai bên còn bổ sung nội dung phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện…

BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng kiến nghị, đề xuất bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh: Tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động. Đồng thời, hai cơ quan cùng nghiên cứu để đề xuất giải pháp xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản; khoanh nợ BHXH cho những DN thực sự khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và DN.


Theo VGP