Chồng không có tinh trùng, vợ sinh 2 con kháu khỉnh
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:21, 29/07/2015
4 năm qua ước mơ có 1 mụn con lúc nào cũng hiện hữu trong gia đình chị. Chị vẫn mơ được có con trong những giấc ngủ chập chờn. Anh vẫn cần mẫn làm việc tích góp từng đồng để phục vụ việc điều trị ròng rã suốt 4 năm.
Chặng đường nhọc nhằn chữa vô sinh
Chiều muộn, tôi nhận được điện thoại từ một bác sĩ quen, anh Tạ Việt Cường, khoa Hiếm muộn bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Anh cùng kíp mổ vừa hoàn thành xong ca mổ đẻ cho chị Thắm, ca đặc biệt vợ mang thai từ chồng không có tinh trùng”.
Từ đầu dây bên kia, tôi cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc đến tột cùng của anh. Tôi cúp máy, nghẹn lại trong cổ họng. Tôi cũng mừng lây với niềm vui của các y bác sĩ và vợ chồng nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện.
Tôi gặp vợ chồng anh Mạc Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Thắm từ ngày chị còn mang bầu tháng thứ 4. Những ngày tháng ấy, hàng tuần đều đặn anh chị bắt xe khách từ Hải Dương lên Bệnh viện phụ sản Hà Nội thăm khám.
Nhiều khi đi xa quá mệt, chị nôn thốc nôn tháo phải ngồi nghỉ mãi mới vào viện được. Khám xong lại tức tốc về nhà cho kịp giờ làm chiều.
Những ngày tháng chữa hiếm muộn với vợ chồng anh chị là những ngày gian khổ không thể nào quên. Lương công nhân ba cọc ba đồng, có những tháng hai vợ chồng chóng mặt vì không xoay sở kịp tiền để theo.
Uống thuốc Đông y và chữa liên tục kết quả vẫn bằng là con số 0. Nhiều người kháo nhau ở Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hưng Yên … có chỗ chữa hiếm muộn tốt, chị cũng lóc cóc thuê xe lên dò địa chỉ và bốc thuốc điều trị.
Anh Dũng, chồng chị là con trai duy nhất trong nhà nên sự sốt ruột càng nhân lên gấp bội. Ông bà nội ngoại “thèm”cháu bồng cháu bế nhưng vì thương con nên cũng không dám giục giã.
Anh và chị đều là công nhân thu nhập không cao, triền miên những năm tháng qua số tiền tích góp được đều dốc hết vào thuốc thang chữa. Hạnh phúc gia đình có khi rạn nứt, cuộc sống bế tắc chỉ xoay quanh chuyện có mụn con.
Những ngày dầm mưa dãi nắng đi chữa bệnh, mua thuốc cả hai vợ chồng vẫn ôm nhau khóc vì tủi thân tuyệt vọng. Hai vợ chồng buồn, nhiều tối cứ lặng lẽ ngồi bên nhau chẳng nói chẳng rằng.
Những năm tháng chạy vạy khắp nơi, tìm thầy lang, tìm bệnh viện với chị giờ nhớ lại như nỗi ám ảnh. Có những lúc chị sợ và muốn né tránh ký ức kinh hoàng của gần 50 tháng ấy.
Kết quả siêu âm thai của chị Thắm tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Hoàng Anh)
Món quà "kỳ diệu" từ sự kiên trì
Năm 2014 vợ chồng chị Thắm đến viện phụ sản Hà Nội và tiến hành nộp hồ sơ, làm các xét nghiệm. Anh Dũng được các bác sỹ ở phòng khám Nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát hiện bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Thực ra, căn bệnh này rất phổ biến ở các trường hợp nam giới vô sinh, nhưng trường hợp của anh Dũng là một trường hợp nặng khi hai tinh hoàn của anh đã giảm khả năng sinh tinh đến mức rất thấp đến nỗi được coi là không có tinh trùng.
Các bác sĩ giải thích, để điều trị cho anh có thể làm vi phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh giãn để giúp phục hồi phần nào khả năng sinh tinh nhưng khả năng thành công rất thấp.
Tháng 6-2014 các bác sĩ tiến hành làm phẫu thuật cho anh Dũng. Mổ xong anh chị lại tiếp tục cuộc hành trình đi về giữa Hải Dương và Hà Nội để kiểm tra xét nghiệm tinh dịch đồ 3 tháng 1 lần.
Bác sỹ Tạ Việt Cường người trực tiếp phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh giãn cho anh Dũng nhận định sau mổ tinh hoàn của anh Dũng đã hồi phục một vài ống sinh tinh để sản sinh ra tinh trùng nên đã chỉ định cho anh chị làm TESE -ISCI.
Anh chị quyết định nhờ cậy đến phương pháp hỗ trợ sinh sản và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để “tận dụng cơ hội” này vì sợ chờ đến khi anh đủ tinh trùng để có thể thụ thai tự nhiên thì chị lại rơi vào tình trạng “hết trứng” do tuổi tác.
Những gì đã trải qua có lẽ đều nằm ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng chị Thắm. Chỉ với 7 con tinh trùng có được từ người chồng, chị Thắm đã đậu được 3 thai. Cuối cùng theo lời khuyên của bác sĩ, chị giữ lại 2 thai để bảo đảm sự an toàn cho các thai nhi.
Đến tuần thứ 38, chị nhập viện trong tình trạng rất nặng nề nhưng 2 bé sức khỏe vẫn tốt. Các bác sĩ quyết định mổ bắt con để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Ca mổ đã thành công. Chị đã vượt cạn thành công trong nước mắt vì hạnh phúc. Lần đầu tiên trong suốt 5 năm qua chị nghẹn ngào khôn tả. ngay trên bàn mổ.
Nước mắt chị rơi ngay khi nghe bác sỹ thông báo hai con đã chào đời . Bé đầu 2,1 kg, bé sau 3,1 kg. Các con trộm vía đều khỏe mạnh. Cuộc sống những ngày này với cả anh và chị mới thực sự bắt đầu.
Niềm vui của anh Dũng khi được chăm sóc 2 con (Ảnh: Hoàng Anh)
Bác sĩ chia sẻ về ca hiếm muộn đặc biệt ở Hải Dương
Bác sĩ Tạ Việt Cường, người trực tiếp phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh và phẫu thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn cho anh Dũng để làm thụ tinh ống nghiệm, nhớ lại về ca điều trị hiếm muộn đặc biệt này:
Trường hợp vợ chồng Thắm – Dũng là ca đặc biệt nên cả khoa nhớ tên và hoàn cảnh.
Thường nam giới khi không có tinh trùng có thể phân làm 2 dạng, một dạng là không có tinh trùng do tắc nghẽn đường dẫn tinh và một dạng là không có tinh do tinh hoàn không sản sinh ra tinh trùng.
Trường hợp anh Dũng rơi vào dạng thứ hai không sinh tinh do suy tinh hoàn nguyên nhân do giãn tĩnh mạch tinh nặng.
Chẩn đoán được bệnh , anh Dũng đã được tư vấn nên mổ sinh thiết tinh hoàn và thắt tĩnh mạch tinh giãn vi phẫu để giúp tinh hoàn hồi phục một phần khả năng sinh tinh.
Sau 6 tháng anh Dũng đã quyết định đi làm thụ tinh ống nghiệm. Tỉ lệ thành công của những trường hợp như vậy cũng rất thấp chỉ khoảng 10%. Nhưng trường hợp này thật kỳ diệu ngoài sức mong đợi!
Chiều tối ngày thứ 2 tuần trước ( 2/7) kíp mổ bắt đầu tiến hành mổ cho sản phụ Thắm. Ca mổ diễn ra trong vòng 40 phút và may mắn mọi việc diễn ra suôn sẻ 2 bé gái lần lượt chào đời.
Bé lớn ra trước nặng 2,1 kg. Bé sau nặng 3,1 kg. Cả hai đều trộm vía khỏe mạnh. Cả kíp mổ chúc mừng sản phụ.
Bác sĩ Tạ Việt Cường cũng chia sẻ thêm, với những trường hợp hiếm muộn tương tự gia đình chị Thắm, anh Dũng trước đây khi không có tinh trùng mà thuộc dạng suy tinh hoàn thì chỉ có một cách duy nhất là đi xin tinh trùng.
Anh Dũng đã được phẫu thuật mở tinh hoàn lấy mẫu mô tinh hoàn tìm tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân hiếm muộn nam có thêm hy vọng và cơ hội có con .
Điều quan trọng nhất trong việc khám và điều trị vô sinh ở nam giới là phải chẩn đoán được chính xác bệnh nhân nằm trong nhóm nào theo phân loại quốc tế, và trong mỗi nhóm sẽ có những nguyên nhân khác nhau và cách điều trị khác nhau.
Nhóm tinh trùng ít, yếu, dị dạng có nguyên nhân khác, mà nhóm không có tinh trùng cũng có những nguyên nhân khác. Cũng có những nhóm là không có nguyên nhân rõ ràng.
Bác sĩ Cường lưu ý, đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn khi đi thăm khám phải kết hợp với tình trạng bệnh của người vợ để đưa ra được phương án tối ưu cho từng cặp vô sinh.
Theo Soha