"Vác tù và" vì sự học

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:01, 31/07/2015

Những đóng góp của họ là điểm tựa quan trọng để thế hệ trẻ thêm vững tin trên hành trình lĩnh hội tri thức...



Công ty TNHH Bánh đậu xanh Gia Bảo và đại diện Hội Khuyến học tỉnh trao
học bổng cho học sinh nghèo hiếu học

Phụ cấp công việc thấp, thậm chí không có gì nhưng những cán bộ và người làm công tác khuyến học vẫn vui vẻ gắn bó với công việc của mình. Mong mỏi lớn nhất của họ là truyền giữ được lòng ham mê học hành cho các thế hệ sau.

Tâm huyết với sự học


Hơn mười năm nay, ngày mưa cũng như ngày nắng, hôm nào ông Đặng Quang Thuần, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gia Lộc cũng lóc cóc đạp xe hơn 10 km từ nhà tới văn phòng hội. Tự nhận mình là người thuộc “lớp người cũ” chỉ biết đi xe đạp, ông không để khó khăn này cản trở bước chân mình. Từng là hiệu trưởng một trường tiểu học, được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, khi nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu nghĩ về sự nghiệp giáo dục. Ông là người hăng hái tham gia hoạt động trong Hội Khuyến học ngay từ những ngày đầu thành lập và vẫn gắn bó với công việc ấy cho đến tận bây giờ. Mặc dù Hội Khuyến học còn nhiều khó khăn bởi kinh phí hoạt động chỉ có 15 triệu đồng/năm, thiếu thốn về cơ sở vật chất và thiết bị, song ông đã tích cực vận động các xã, các dòng họ trong huyện xây dựng quỹ khuyến học với số tiền luôn đứng thứ hạng cao trong tỉnh và có các hoạt động khuyến học, khuyến tài sôi nổi. Ông cho biết tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình là những tiêu chí ông đặt ra cho bản thân khi tham gia công tác khuyến học, là bí quyết để ông hoàn thành tốt công việc chỉ nhiều trách nhiệm mà ít quyền lợi này.

Đó là chân dung của một cán bộ khuyến học rất điển hình luôn hết lòng với việc học của con em. Tham gia hoạt động khuyến học mang tính chất tự nguyện nên hoạt động có được người dân hưởng ứng hay không phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết của đội ngũ cán bộ khuyến học. Có một điều dễ nhận thấy là ở nơi nào có đội ngũ cán bộ khuyến học nhiệt tình, tâm huyết thì ở nơi đó phong trào khuyến học phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Trong các nhiệm vụ của công tác khuyến học, khó khăn nhất là xây dựng nguồn quỹ hoạt động. Nguồn quỹ nhiều thì mới có điều kiện tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài như trao thưởng cho học sinh có kết quả học tập tốt, tổ chức đi tham quan về nguồn, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học... Nguồn quỹ này phần lớn là do các Hội, Chi hội Khuyến học vận động nhân dân đóng góp. Cán bộ khuyến học có uy tín, nhiệt tình và gương mẫu, tổ chức được các hoạt động thiết thực thì mới khiến người dân vui vẻ đóng góp. Và ở mỗi địa phương, cán bộ khuyến học lại phải chịu khó tìm ra phương thức vận động phù hợp với điều kiện sống của nhân dân, tình hình phát triển kinh tế chung của địa phương.

Huyện Thanh Miện vốn thuần nông nhưng luôn là địa phương có số quỹ khuyến học cao nhất tỉnh. Kết quả đó là nhờ vào sự tận tâm của đội ngũ cán bộ khuyến học như ông Vũ Hồng Nguyễn (Chủ tịch Hội Khuyến học huyện), ông Bùi Công Tráng (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện)... Các lãnh đạo hội đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương để tác động đến những người con quê hương đi làm ăn xa và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ phong trào khuyến học. Các cán bộ khuyến học còn đến từng cơ quan, đơn vị kêu gọi sự quan tâm tới việc học của con em trong huyện; đồng thời, chứng minh bằng những việc làm thiết thực. Số quỹ của huyện hội được đem gửi tiết kiệm, chỉ lấy lãi để hoạt động, còn gốc được bảo toàn, tạo cơ sở vững chắc cho nguồn vốn. Sự nhiệt tình của cán bộ khuyến học, tính hiệu quả của phong trào đã thuyết phục được nhiều cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ không chỉ một lần.

Ở cấp xã, cán bộ khuyến học lại có những vất vả, khó khăn riêng. Việc vận động quỹ ở cấp này khó vì người dân thường ủng hộ trực tiếp cho ban khuyến học dòng họ. Các cơ quan, đơn vị lớn thì ủng hộ cho cấp cao hơn. Do vậy cán bộ khuyến học phải gần gũi và sâu sát với từng dòng họ, từng tổ liên gia thì mới động viên được phong trào phát triển. Ông Phạm Quang Đối, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã hướng dẫn, động viên 5 dòng họ trong phường xây dựng điểm dòng họ học tập. Khi các ban khuyến học có hoạt động ông đều tham gia góp ý cách tổ chức và rút kinh nghiệm để hoạt động ngày càng thiết thực hơn.

Hiện nay, trợ cấp cho cán bộ khuyến học đều ở mức rất khiêm tốn, chỉ từ 0,15 tới 1,15 hệ số phụ cấp theo lương tối thiểu cho các chức danh Chủ tịch hội, Phó Chủ tịch hội các cấp. Do đó, các cán bộ khuyến học chủ yếu làm việc với tâm huyết, quyết tâm xây dựng xã hội học tập vì sự phát triển của những thế hệ tương lai.

Niềm vui


Công việc khá vất vả, khó khăn, nhất là đối với những cán bộ khuyến học đã cao tuổi, trợ cấp lại ít ỏi, nhưng họ có nguồn động viên lớn lao từ những thành quả thu được trong quá trình hoạt động. Ông Bùi Công Tráng luôn hồ hởi khi nhắc đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhờ sự trợ giúp của Hội Khuyến học nên vẫn được tới trường và có nhiều tiến bộ. Như trường hợp em Nguyễn Văn Hiếu ở xã Lam Sơn mồ côi cha mẹ, được Hội Khuyến học và nhà trường quan tâm giúp đỡ đã từ học sinh học lực trung bình vươn lên khá giỏi, thi đỗ vào Trường THPT Thanh Miện I. Hội còn vận động các cá nhân, tổ chức tài trợ lâu dài cho một số  học sinh nghèo hiếu học, giúp các em yên tâm tới trường.

Ông Lưu Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thị xã Chí Linh đầy tự hào khi giới thiệu danh sách các học sinh của thị xã thi đỗ đại học, cao đẳng, đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hằng năm. Với quan niệm làm khuyến học phải khuyến khích và theo dõi cả quá trình phát triển, hằng năm, ông Sửu đều thống kê chi tiết về các học sinh đạt thành tích cao cho đến khi các em tìm được việc làm. Bảng danh sách ngày một dài hơn là niềm vui lớn lao ông nhận được bởi kết quả đó có sự đóng góp một phần công sức của phong trào khuyến học do ông và các cán bộ khác dày công gây dựng.

Các cán bộ khuyến học thường là người lớn tuổi, có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học. Những đóng góp của họ không chỉ dừng lại ở việc trao phần thưởng động viên mà còn là điểm tựa tinh thần quan trọng để thế hệ trẻ không cảm thấy cô đơn trên hành trình lĩnh hội tri thức.

LAM ANH