Còn nhiều việc phải làm
Kinh tế - Ngày đăng : 10:29, 31/07/2015
Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất đang là thách thức với Kẻ Sặt khi thời gian hoạch định không còn nhiều.
Đường phố Kẻ Sặt hầu như là nhà ống với đường hẹp
Thiếu nhiều tiêu chí
Thị trấn Kẻ Sặt là đô thị đầu tiên nằm trong chuỗi đô thị của tỉnh gần Thủ đô Hà Nội. Xuất phát điểm là đô thị cổ với Giáo xứ Kẻ Sặt được hình thành từ năm 1630. Giờ đây, thị trấn Kẻ Sặt là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông của huyện Bình Giang với các vùng lân cận. Thị trấn này có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía tây tỉnh Hải Dương và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Theo Quyết định số 3155/QĐ-UBND ngày 15-11-2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh ta sẽ xây dựng thị trấn Kẻ Sặt trở thành đô thị loại IV trước năm 2020.
Thị trấn Kẻ Sặt hiện là đô thị loại V theo Quyết định số 3244/QĐ-UBND ngày 14-9-2009 của UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kẻ Sặt tới năm 2020. Theo quy hoạch, diện tích thị trấn được mở rộng lên 731 ha, gồm 75,4 ha đất thị trấn hiện hữu, 206,3 ha đất thuộc xã Tráng Liệt, 107,4 ha đất của xã Vĩnh Tuy, 92,8 ha đất của xã Vĩnh Hồng, 79,3 ha đất của xã Tân Hồng, 169,7 ha của xã Thúc Kháng. Đánh giá theo 49 tiêu chí của đô thị loại IV, đến hết năm 2014, thị trấn Kẻ Sặt mới đạt 69,6 điểm trong thang điểm 100. Trong đó có 24 trong tổng số 49 chỉ tiêu đạt điểm tối đa, 2 chỉ tiêu đạt trung bình và 8 chỉ tiêu đạt điểm tối thiểu, cần được đầu tư, tiếp tục phát triển. 15 trong tổng số 49 chỉ tiêu chưa đạt thể hiện những mặt còn yếu của đô thị Kẻ Sặt, cần tập trung các giải pháp khắc phục, trong đó chủ yếu là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như thiếu công viên cây xanh, nhà thi đấu thể thao đa năng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, siêu thị, công trình giao thông, hệ thống xử lý nước thải... Theo ông Vũ Quang Đáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang thì đô thị hiện nay còn thiếu nhiều tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và cần nhiều kinh phí để làm.
Khó huy động kinh phí
Để nâng cấp thị trấn Kẻ Sặt lên đô thị loại IV và thành lập thị xã Kẻ Sặt thuộc tỉnh, từ nay đến năm 2020 huyện Bình Giang phải khắc phục các chỉ tiêu còn yếu và thiếu. Theo đó, về quy mô diện tích, tới năm 2020 có thể được mở rộng gần 10 lần ra các xã lân cận. Cần tạo sức hút tăng dân số cơ học cho đô thị để có dân số nội thị trên 25.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%, duy trì lao động phi nông nghiệp trên 95%. Về phát triển hạ tầng xã hội của đô thị, thị trấn cần hoàn thành các dự án khu dân cư (KDC) như: KDC sau Ban Chỉ huy quân sự huyện, KDC chợ dịch vụ và thương mại xã Tráng Liệt, khu nhà ở Bình Phú, KDC phía nam thị trấn Kẻ Sặt, khu đô thị thương mại phía tây thị trấn Kẻ Sặt, khu đô thị hành chính, dân cư, dịch vụ và KDC xã Tráng Liệt. Tiếp tục kêu gọi xây dựng các dự án dân cư để bảo đảm diện tích sàn nhà ở trung bình đến năm 2020 đạt 25m2/người, 100% là nhà kiên cố, bán kiên cố. Nâng cấp, cải tạo, xây dựng các cơ quan hành chính, công trình công cộng trên địa bàn. Nâng cấp cơ sở, trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang; đầu tư xây dựng mới một trường trung cấp chuyên nghiệp; hoàn thiện xây dựng nhà thi đấu đa năng huyện, đầu tư xây dựng 1 rạp chiếu phim, nâng cấp cải tạo các công trình thể thao hiện có. Về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đang được Trung ương quan tâm như nâng cấp mở rộng quốc lộ 38 qua địa bàn, xây dựng bến xe khách thị trấn, xây dựng cầu Sặt. Xây dựng cầu và tuyến nối đường 392 sang địa phận huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Đến năm 2020 nơi này phải đạt đầu mối giao thông cấp tiểu vùng; tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị đạt trên 17%. Về hệ thống cung cấp nước sạch sẽ xây dựng trạm tăng áp cho thị trấn công suất 1.500 m3/ngày đêm, xây dựng đường trục cấp nước D280 Kim Giang-Quán Gỏi để đến năm 2020 trên 95% số dân thị trấn được dùng nước sạch với mức 120 lít/người/ngày. Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cơ sở sản xuất phải trên 60% có hệ thống xử lý nước thải. Nâng cấp đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng đô thị, điện sản xuất, hệ thống bưu chính viễn thông. Đầu tư mở rộng diện tích công viên, cây xanh bảo đảm đạt 5 m2/người. Xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, thực hiện nghiêm Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bình Giang, để xây dựng, nâng cấp thị trấn Kẻ Sặt đủ tiêu chí lên loại IV, huyện cũng như các ngành chức năng đã đề ra các giải pháp và xác định lộ trình thực hiện. Ước tính tổng khái toán, Kẻ Sặt cần 2.300 tỷ đồng cho công tác này. Dự kiến ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện chỉ hỗ trợ được 1,8%, còn lại 98,2% là thị trấn và các đơn vị liên quan liên danh liên kết, kêu gọi vốn đầu tư và đóng góp của nhân dân. Để huy động được nguồn vốn lớn như vậy là thách thức lớn đối với huyện Bình Giang nói chung và thị trấn Kẻ Sặt nói riêng. Trong đó, các dự án, công trình xây dựng trước mắt cần khoảng 457 tỷ đồng. Các công trình triển khai dài hạn cần 1.869 tỷ đồng. Do vậy, nguồn vốn cần được huy động từ vốn ngân sách và xã hội hóa, kêu gọi đầu tư. Thực hiện xã hội hóa cao độ đối với các công trình, dự án với sự tham gia của các tổ chức, tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước theo các hình thức hợp tác công-tư… Tuy nhiên đến nay còn ít nhà đầu tư sẵn sàng chung tay xây dựng đô thị này. Trong năm 2015, huyện Bình Giang cùng các ngành chức năng sẽ lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kẻ Sặt mở rộng. Năm 2016, cơ quan chức năng tập trung lập, duyệt đề án công nhận đô thị thị trấn Kẻ Sặt mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn chỉnh tiêu chuẩn đô thị loại IV, thành lập thị xã trước năm 2020, tiếp tục phấn đấu đạt đô thị loại III trước năm 2030. Song để nâng cấp được Kẻ Sặt lên đô thị loại IV và thành lập thị xã, những năm tới rất cần sự chung tay của tỉnh và các bộ, ngành, Trung ương, cùng các nhà đầu tư cũng như phát huy tối đa nội lực của địa phương.
TRẦN TUẤN