Chây ỳ nộp tiền thuê đất

Thị trường - Ngày đăng : 06:43, 01/08/2015

Thời gian qua, không ít tổ chức, cá nhân viện nhiều lý do để không nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.



Công ty Kinh doanh tổng hợp Nam Phong, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) vẫn nợ
gần 1 tỷ đồng tiền thuê đất


Nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài

Công ty TNHH Cao Cường, phường Cộng Hòa (Chí Linh) được cấp giấy chứng nhận kinh doanh từ năm 2003. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công ty vẫn chưa triển khai dự án, không thực hiện theo đúng giấy phép đã được cấp. Hiện tại, doanh nghiệp này cho thuê lại mặt bằng dưới hình thức hợp đồng liên danh với một doanh nghiệp khác mở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, ăn uống, giải khát... Đến hết tháng 6-2015, công ty này vẫn nợ 859,5 triệu đồng tiền thuê đất và 137,6 triệu đồng tiền phạt chậm nộp. Mặc dù Chi cục Thuế thị xã Chí Linh đã nhiều lần gửi thông báo, cưỡng chế tài khoản nhưng doanh nghiệp vẫn chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ngoài Công ty TNHH Cao Cường, trên địa bàn thị xã Chí Linh còn 13 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, trong đó nhiều doanh nghiệp nợ tới vài trăm triệu đồng như: Công ty TNHH một thành viên Bảo Khánh (nợ 289 triệu đồng), Công ty TNHH Thương mại và Chế biến lâm sản Hải Hà (nợ 255 triệu đồng), chi nhánh Công ty CP Phát triển nhà và sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh tại Hải Dương (nợ 363,7 triệu đồng), Công ty CP Minh Xuân (nợ 263,7 triệu đồng)...

Đến hết ngày 30 - 6, TP Hải Dương vẫn còn 16 cá nhân, doanh nghiệp nợ tiền thuê đất với tổng số tiền lên tới 7,8 tỷ đồng. Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn nợ 3,2 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp. Nhiều doanh nghiệp nợ lớn như Công ty CP Đức Minh nợ gần 2 tỷ đồng, Công ty Nam Phong nợ 899 triệu đồng, HTX Minh Khai nợ 632 triệu đồng, Công ty CP Phú Bình nợ 635 triệu đồng... Chi cục Thuế TP Hải Dương cũng nhiều lần thông báo, đôn đốc, thực hiện biện pháp mạnh là cưỡng chế tài khoản và hóa đơn nhưng các doanh nghiệp này vẫn chây ỳ, không nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Trên địa bàn các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc cũng có hàng chục tổ chức, cá nhân chây ỳ trong việc nộp tiền thuê đất với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng, thời gian nợ đọng kéo dài 3 - 4 năm như: Công ty TNHH Máy nông-ngư-cơ Việt Nhật (Bình Giang), Công ty TNHH Minh Trường Sinh (Cẩm Giàng), Công ty TNHH Phân lân vi sinh Hải Hà (Gia Lộc)...

Ngoài các tổ chức, cá nhân đã triển khai dự án nhưng chây ỳ, không nộp tiền thuê đất, toàn tỉnh còn 18 tổ chức, cá nhân thuê đất nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai dở dang vẫn đang nợ 11,7 tỷ đồng tiền thuê đất và 1,5 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp. Nhiều công ty gần chục năm không nộp tiền thuê đất như: Công ty CP An Thái ở cụm công nghiệp Việt Hòa (TP Hải Dương) nợ trên 7 năm, Công ty TNHH Thanh Hằng ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nợ trên 6 năm, Công ty TNHH một thành viên Đức Anh (Cẩm Giàng) nợ từ năm 2008...

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, đến hết ngày 30-6, toàn tỉnh có 1.190 tổ chức, cá nhân ngoài khu công nghiệp còn thuê đất, trong đó có 803 tổ chức và 387 cá nhân. Ngoài 18 dự án thuê đất nhưng chưa triển khai dự án nợ tiền thuê đất, còn 74 tổ chức, cá nhân thuê đất nhưng chây ỳ, không hợp tác với cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước số tiền còn nợ trên 25,5 tỷ đồng.

Đa dạng lý do


“Vì nhiều nguyên nhân, những dự án này chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng vẫn được chuyển nhượng khiến tình trạng nợ tiền thuê đất càng trở nên khó kiểm soát”.
Bên cạnh những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp không còn khả năng tài chính, nhiều tổ chức, cá nhân cố tình chây ỳ, không hợp tác với cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Một số doanh nghiệp được giao đất nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai dở dang rồi tìm cách chuyển nhượng dự án để kiếm lời. Vì nhiều nguyên nhân, những dự án này chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng vẫn được chuyển nhượng khiến tình trạng nợ tiền thuê đất càng trở nên khó kiểm soát. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lấy lý do tiền thuê đất quá cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn để không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Bên cạnh việc tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong chấp hành pháp luật về thuế, cơ quan chức năng cần sử dụng những biện pháp mạnh để các doanh nghiệp chấp hành nghiêm nghĩa vụ tài chính theo quy định, tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Với các trường hợp nợ đọng kéo dài, chây ỳ không nộp tiền thuê đất, cơ quan thuế tổ chức cưỡng chế nợ thuế bằng hình thức cưỡng chế thu tiền từ tài khoản và đình chỉ việc sử dụng hóa đơn. UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các dự án thuê đất nhưng chưa triển khai thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, vi phạm hợp đồng thuê đất để có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Khi cơ quan thuế đã sử dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định nhưng doanh nghiệp vẫn không hợp tác, cơ quan chức năng cần sử dụng biện pháp mạnh là thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc dừng triển khai dự án. Đối với những dự án thực hiện chuyển nhượng, cơ quan chức năng yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính mới được tiến hành chuyển nhượng. Nếu cần thiết, ngành thuế cần phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng công bố danh sách các tổ chức, cá nhân nợ tiền thuê đất để tạo áp lực, buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế.     


 VỊ THỦY