"Cây dứa dựa cây đa"
Đời sống - Ngày đăng : 10:07, 03/08/2015
Ông Vang vốn là công nhân nhà nước về hưu nên đời sống có phần tươm tất hơn nhiều người trong xóm ngoài làng.
Cái sự ăn ở của vợ chồng ông thì không ai chê vào đâu được. Ông bà sống cởi mở, chan hòa và nhân ái với tất cả mọi người. Khi có quà bánh, ông bà đều chia cho lũ trẻ con trong xóm. Vì thế bọn chúng yêu quý ông bà chẳng khác nào ông bà của chúng. Nhà ông luôn sạch sẽ, cái sân gạch rộng rãi, râm mát cả ngày lúc nào cũng là điểm vui chơi lý tưởng của bọn trẻ. Ngày hè nóng bức, buổi trưa ông bà không ngủ mà mắc võng, kê chõng tre dưới gốc mít sum suê cành lá cùng ôn chuyện “ngày xưa”. Thấy vậy, nhiều người trong xóm gọi nhau quây quần bên ông bà để cùng tận hưởng không khí trong lành mát mẻ chỉ riêng nhà ông mới có. Ai cũng bảo đến nhà ông mà cứ như được nghỉ chân ở một khu du lịch sinh thái.
Ấy vậy mà cơ sự xảy ra, bà Vang bỗng dưng bị tai biến mạch máu não, ra đi đột ngột khiến ngôi nhà trở nên lạnh lẽo. Các con đều đã lập gia đình và đã ra ở riêng nên nhà chỉ còn mình ông Vang cô quạnh, buồn rầu. Từ sau hôm ấy, ông Vang ít nói hẳn, lại thường xuyên đóng cổng nên xóm giềng cũng ít lui tới. Lũ trẻ buồn thiu vì không kiếm đâu ra một cái sân gạch vừa rộng vừa sạch, lại mát rượi từ sáng đến tối như cái sân nhà ông Vang để mà được tha hồ vui chơi, bày biện.
Ngày tháng dần qua, nỗi đau buồn cũng dần nguôi ngoai, ông Vang tươi tỉnh hẳn lên. Ông lại xởi lởi với mọi người, cánh cổng nhà ông lại mở rộng hằng ngày chào đón bọn trẻ và những người hàng xóm. Ông đã bảy mươi tuổi nhưng nước da vẫn đỏ hồng, cơ thể tráng kiện nhờ siêng năng tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Sáng sáng, ông mặc áo may ô trắng, quần soóc trắng sơ vin và tập thể dục ở sân nhà văn hóa thôn, nom ông còn bảnh hơn cả mấy chú thanh niên luộm thuộm. Nhưng có một sự kiện khiến ai nấy bất ngờ và thường mang ra bàn luận. Đó là việc ông muốn lấy vợ hai. Người ta truyền miệng nhau câu chuyện ông Vang “ngỏ lời” bà Vẻ hôm đi lễ chùa. Bữa ấy, chùa A. khánh thành nhà thờ mẫu, tổ chức cỗ chay tạ ơn công đức của cả làng và chư khách thập phương. Khỏi phải nói, ông Vang rất tích cực ủng hộ hoạt động này vì lúc còn sống, bà Vang là người năng đi lễ chùa tụng kinh niệm Phật. Còn bà Vẻ vốn cũng năng đi chùa, nay vì vướng víu hai cháu nội còn nhỏ, bố mẹ chúng đi làm từ sáng đến tối mới về đón con nên bà xin nghỉ, chỉ lên chùa vào mùng một, hôm rằm và những khi cần thiết.
Ăn cỗ xong, ông Vang tới chỗ bà Vẻ đang uống nước chuẩn bị ra về. Ông đưa gói phần của mình vào tay bà Vẻ rồi nói: “Em mang về cho các cháu! Một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần. Chúng thụ lộc cho hay ăn chóng lớn…”. Bà Vẻ đón gói phần và không quên cảm ơn ông. Nhấp ngụm trà nóng, ông khẽ khàng thủ thỉ: “Em về ở với anh nhé!”. Bà Vẻ giật thót mình vì quá bất ngờ. Sợ mọi người chú ý, bà bông đùa: “Cái nhà ông này, già rồi còn đùa vậy…”. Nhưng ông nghiêm nét mặt, đáp: “Vì già rồi nên anh mới nói thật, ai đâu dám đùa chuyện này hả em? Ông nhà em cũng mất hơn chục năm nay, con cái em đã phương trưởng. Em về ở với anh coi như mình góp gạo thổi cơm chung, cây dứa dựa cây đa lúc bóng xế chiều tà. Như thế, con cái mình cũng đỡ vất vả hơn”. Bà Vẻ đỏ bừng mặt giống như cái thuở ngày xưa khi lần đầu tiên ông Vẻ ngỏ lời cưới bà. Bà ngập ngừng, bối rối trong giây lát rồi cố lấy lại bình tĩnh: “Em còn các cháu anh ạ! Với lại, chuyện này chưa từng có xưa nay ở làng mình…”. Ông Vang tỏ ra thông hiểu nỗi lòng bà Vẻ: “Chắc em còn nghi ngại và lo sợ sẽ bị dân làng dị nghị. Nhưng xã hội tân tiến, hiện đại rồi em ạ, việc này cũng là bình thường thôi. Vợ anh và chồng em dưới suối vàng chắc cũng mong chúng ta sống tốt, khỏe mạnh để an hưởng tuổi già. Em cứ suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời anh nhé…”.
Bà Vẻ không dám nói chuyện này với các con nhưng suốt nhiều ngày bà trong tâm trạng bồn chồn, đứng ngồi không yên. Bà còn đang không biết sẽ phải trình bày thế nào cho ông Vang hiểu thì ông đã gọi điện thoại đến. Hôm đó là chủ nhật, vợ chồng các con bà đều được nghỉ. Bà ngần ngừ không nghe điện. Có ai đó “bắn tin” nên con dâu bà biết được chuyện và kể cho chồng nghe. Thì ra, họ đã bí mật hội ý với nhau nên hôm nay đều quây quần ở đây để “có ý kiến” với mẹ. Đầu tiên là con trai, rồi đến con gái, con dâu, con rể đều nói ủng hộ và tôn trọng quyết định của bà. Nhìn các con, các cháu, bà rơm rớm nước mắt: “Mẹ già rồi, làm vậy người ta cười cho. Với lại còn các cháu…”. “Không sao đâu mẹ! Xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều rồi. Ở nông thôn thì ít chứ chuyện này ở các thành phố cũng thường thấy. Chú Vang là người tốt. Mẹ về ở với chú ấy thì chúng con cũng yên tâm. Tất nhiên là chúng con luôn yêu quý và phụng dưỡng mẹ. Còn các cháu, chúng con vẫn cần gửi ông bà trông giúp… Nhưng nếu mẹ không thích thì cũng không ai ép buộc được”. Hai tiếng “ông bà” nghe thật ấm cúng. Quả là bọn trẻ bây giờ suy nghĩ “thoáng” hơn rồi. Điều đó trái hẳn với suy nghĩ và lo lắng của bà.
Ít lâu sau, bà Vẻ đã trở thành bà Vang. Hai ông bà giờ đây vừa là vợ chồng vừa là đôi bạn già nương tựa vào nhau, đầm ấm và vui vầy cùng con cháu đôi bên. Người trong làng cũng không còn bàn luận chuyện ông Vang lấy vợ nữa. Cuộc sống bình yên nơi thôn dã lại êm đềm trôi đi…
ÐỖ YẾN