Ngăn ngừa dự án "bánh vẽ" từ gốc

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 11:25, 07/08/2015

Lúc đề nghị được cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số nhà đầu tư thường "vẽ" cho dự án với những mục tiêu "hoành tráng".


Nào là dự án sẽ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nào là tạo ra nhiều công ăn việc làm, sử dụng đất hiệu quả... Lúc khởi công dự án, doanh nghiệp cũng thường tổ chức rình rang, phát biểu đầy hứa hẹn. Nhưng chỉ một thời gian sau, cái dự án "bánh vẽ" (DABV) lộ ra. Sau khi được chứng nhận đầu tư, dự án không được triển khai, bỏ đất hoang hóa. Cơ quan quản lý nhà nước liên hệ với không ít chủ đầu tư nhưng họ "biệt tăm" hoặc chỉ nhận được câu trả lời rằng doanh nghiệp đang trong lúc khó khăn và tiếp tục hứa hão là sẽ khắc phục tình trạng này. DABV ở đây cần được hiểu là những dự án "treo", dự án không đầu tư xây dựng hoặc chậm đầu tư sau khi được chấp thuận, chứng nhận đầu tư.

Trong tháng 5 và tháng 6 năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cơ quan, địa phương liên quan đã rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mà không triển khai xây dựng theo tiến độ cam kết hoặc chậm tiến độ quá 12 tháng. Báo cáo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ những DABV. Theo đó, từ năm 2000 đến hết tháng 5-2015, UBND tỉnh đã chứng nhận hoặc chấp thuận đầu tư cho 1.283 dự án có nhu cầu sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, trong đó có 92 dự án không triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ so với quy định. 92 DABV này gồm có 78 dự án đầu tư trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài. Có khá nhiều điển hình cho những DABV với vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng đất lớn. Chẳng hạn, Công ty CP Kao Hùng có dự án xây dựng nhà máy sản xuất săm lốp, cao su kỹ thuật ở huyện Cẩm Giàng với tổng vốn đầu tư 222,2 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng 2,5 ha đất, tiến độ thực hiện dự án đến quý 3-2012 nhưng đến nay mới san lấp, xây dựng tường rào, 1 nhà xưởng nhưng không hoạt động. Dự án nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP Vinamit ở TP Hải Dương có vốn đầu tư 284,4 tỷ đồng, sử dụng 29,7 ha đất nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn không thực hiện dự án theo tiến độ quy định, phần lớn đất vẫn bỏ hoang hóa... Những DABV nêu trên mới chỉ tính ở những dự án có sử dụng đất ngoài các khu công nghiệp, chưa tính những DABV có sử dụng đất trong khu công nghiệp.

Vậy do đâu mà phát sinh các DABV? Về nguyên nhân khách quan có thể thấy chủ đầu tư gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, khó vay vốn ngân hàng, gặp nhiều vướng mắc do chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng chưa đồng bộ... Song những nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng này cũng nhiều. Đó là năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, nguồn vốn chủ yếu phải đi vay ngân hàng, khả năng thích ứng với thị trường còn hạn chế, đầu tư theo "phong trào". Cũng có cả nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan chức năng như chưa bố trí đủ quỹ đất sạch cho nhà đầu tư dẫn tới những vướng mắc về mặt bằng, việc thẩm định dự án trong một số trường hợp chưa kỹ lưỡng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh...

Những DABV giống như những "con sâu làm rầu nồi canh". Các dự án này chẳng những gây bức xúc dư luận và thiệt hại cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu tới môi trường thu hút đầu tư.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý DABV. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã 2 lần chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp để đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp giải quyết. Qua đó, nhiều dự án có những khó khăn, vướng mắc đã được cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời để dự án tiếp tục thực hiện. Nhiều dự án không thực hiện hoặc chậm triển khai thực hiện do chủ đầu tư thiếu quyết tâm, năng lực hạn chế đã bị thu hồi. Tuy nhiên, việc xử lý những DABV cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Trong 92 DABV nêu trên có 16 dự án đã được kiểm tra năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong các tồn tại.

Việc xử lý DABV chỉ là "phần ngọn". Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ khâu thu hút đầu tư đến bố trí đất đai, quản lý xây dựng... Nếu "phần gốc" không được chú trọng thì có khi chưa xử lý xong những DABV này thì nhiều DABV khác lại phát sinh. Vì thế, trước tiên, khâu thẩm định đầu tư phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tránh để lọt những dự án thiếu tính khả thi nhưng vẫn được chấp thuận đầu tư. Một điểm mới tiến bộ của Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) so với Luật Đầu tư 2005 là nhà đầu tư phải ký quỹ 1-3% vốn đầu tư của dự án để bảo đảm thực hiện dự án. Mong rằng cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định này để góp phần khắc phục DABV. Trong quá trình thực hiện một dự án cần có sự phối hợp đồng bộ, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành để ngăn ngừa DABV. Đặc biệt, cộng đồng dân cư ở nơi có dự án là một "kênh" quan trọng có thể giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện DABV. Giải pháp có thể là tạo điều kiện để các cơ quan đại diện cho dân như MTTQ, các đoàn thể được tham gia ý kiến vào quá trình thẩm định đầu tư, bố trí đất đai cho dự án. Những dự án lớn, sử dụng nhiều quỹ đất nên có sự tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân địa phương. Biện pháp cuối cùng để ngăn ngừa DABV mới là thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những chủ đầu tư không còn khả năng hoặc cố tình không thực hiện dự án. 


TUẤN NGUYÊN (Cẩm Giàng)