Làm dịu nỗi đau chiến tranh
Việc tử tế - Ngày đăng : 13:17, 10/08/2015
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của những người bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) để lại vẫn còn dai dẳng mãi, rất cần sự sẻ chia của toàn xã hội.
Bác Lê Văn Duyên (bên trái) đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Về thăm gia đình ông Lê Văn Duyên ở xã Đồng Lạc (Nam Sách), chúng tôi cảm thấy cuộc sống của gia đình có hai người bị nhiễm chất độc da cam này đã nhen nhóm niềm vui sau bao năm khó khăn, vất vả. Chỉ cho chúng tôi xem hai con bò được Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh và Hội cấp xã hỗ trợ kinh phí mua, ông Duyên vui vẻ bảo: "Trong lúc khó khăn, chưa biết làm gì để thoát nghèo, gia đình tôi may mắn được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tặng 5 triệu đồng và Hội NNCĐDC xã cho vay 5 triệu đồng không lấy lãi để mua bò cái. Đến nay, bò đã đẻ được 4 con bê đực, bán được khoảng 60 triệu đồng, còn 1 con bê cái, tôi để gây giống. Nhờ thế gia đình tôi đã thoát nghèo và tương lai cũng có thêm thu nhập".
Sau 7 năm chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 ở Đà Nẵng, ông Duyên trở về quê hương và lập gia đình như bao thanh niên khác. Không ngờ mang trong mình CĐDC, vợ chồng ông sinh được 4 người con thì có 2 người bị nhiễm, trong đó 1 người đã chết ngay khi chào đời. Là người con trai thứ 2 bị nhiễm CĐDC, anh Lê Văn Dũng bị liệt 2 chân. Gia đình đã chạy chữa khắp nơi đến suy kiệt kinh tế nhưng bệnh của anh cũng không hề thuyên giảm. Chấp nhận người con trai dứt ruột đẻ ra bị nhiễm CĐDC, ông bà đã động viên tinh thần, dìu dắt con và được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, anh Dũng hiện đã có niềm tin vào cuộc sống. Ngày ngày anh tự ngồi xe lăn đi bán tăm. Cuộc sống của gia đình ông Duyên dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của xã hội đã phần nào vơi bớt những vất vả.
“Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, câu nói ấy quả không sai đối với gia đình nạn nhân Đỗ Hữu Thái ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà). Người chiến sĩ lái xe tăng ấy có 2 năm nằm vùng chiến đấu ở khu vực rừng Thượng Lào, Trung Lào, là nơi bị rải chất độc hóa học khiến cả cánh rừng săng lẻ bị cháy rụi hết lá. Vậy mà khi trở về, ông không nghĩ rằng bản thân đã bị nhiễm CĐDC. Đến khi vợ chồng ông sinh được hai người con trai thì cả hai đều bị bệnh, ông mới nhận ra rằng tàn phá của chất độc ấy còn đau đớn hơn gấp trăm vạn lần so với những vết thương chiến tranh mà ông từng chứng kiến. Người con trai đầu năm nay vừa tròn 40 tuổi nhưng chỉ như đứa trẻ lên 10. Người con trai thứ hai là anh Đỗ Văn Cường lúc đầu vẫn nhanh nhẹn, bình thường như những thanh niên khác. Anh cũng lập gia đình và có hai người con, 1 trai, 1 gái. Nhưng vài năm nay, anh bỗng phát bệnh động kinh, liệt nửa người, tay co quắp. Vợ anh chỉ làm phụ may với đồng lương ít ỏi nên mọi gánh nặng đều dồn lên vai ông bà. Người con gái lớn sinh ra trước khi ông Thái vào chiến trường nên may mắn không bị nhiễm CĐDC, nhưng mới năm ngoái cũng ra đi vì căn bệnh ung thư máu. Dù ông đã gần 80 tuổi, bà gần 70 tuổi nhưng gánh nặng cuộc sống vẫn đè lên vai khi phải vừa chăm con, vừa chăm cháu.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Thái, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã đã tích cực vận động ông tham gia các hoạt động của địa phương để vơi bớt nỗi đau tinh thần. Dù cuộc sống còn quá nhiều khó khăn nhưng ông bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... Bên cạnh đó, các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh đã kịp thời quan tâm, chia sẻ, động viên gia đình ông. Năm 2014, các nhà tài trợ đã hỗ trợ 15 triệu đồng giúp ông sửa lại căn nhà. Hiện nay, ông và hai người con trai đã được hưởng trợ cấp dành cho nạn nhân da cam, giúp trang trải một phần cuộc sống.
Theo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, hiện tỉnh ta có 6.797 nạn nhân da cam được hưởng chế độ trợ cấp. Trong đó, 4.808 người là nạn nhân trực tiếp, 1.989 người là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3; có hơn 1.400 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên, thậm chí có gia đình có tới 6 người bị ảnh hưởng. Trên 400 nạn nhân đã qua đời, hàng trăm người đang vật lộn với các bệnh hiểm nghèo. Phần lớn gia đình các nạn nhân nhiễm CĐDC đều đã và đang phải sống trong nghèo khó và bệnh tật, rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng.
Chung tay chia sẻ
Thời gian qua, ngoài thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, tỉnh ta đã triển khai nhiều phong trào và hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như: ''Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn”, "Vì NNCĐDC", “Lá lành đùm lá rách”... Đặc biệt, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân. 5 năm qua, Tỉnh hội đã vận động và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ với số tiền mặt và hàng hóa trị giá trên 4,6 tỷ đồng. Đồng hành cùng chương trình phải kể đến các đơn vị tiêu biểu như: Agribank Hải Dương, Văn phòng Bolzano (Italya), Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam, Công ty CP Đông Nam dược Nguyễn Thiệu... Nhiều hội cấp huyện cũng vận động được nguồn quỹ từ 200-300 triệu đồng, hội cấp xã từ 7-20 triệu đồng. Số tiền này đã trợ giúp, tặng quà cho hơn 10.000 lượt nạn nhân, trị giá trên 5,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ làm 75 ngôi nhà, trợ giúp khó khăn cho 144 người, cấp học bổng cho 60 cháu, tặng xe lăn, tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ tiền viện phí cho hàng trăm lượt nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tặng hàng nghìn phần quà cho các gia đình vào dịp lễ, Tết… Ngoài ra, hội cơ sở còn trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ nhiều nạn nhân khi đau ốm. Những hoạt động ấy đã phần nào giảm bớt khó khăn, trợ giúp các NNCĐDC và gia đình họ, tạo niềm hy vọng, cơ hội làm việc để họ tự nuôi sống bản thân.
Vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng thực tế những NNCĐDC/dioxin vẫn đang hằng ngày phải đối diện với nỗi đau về thể xác, tinh thần và đặc biệt khó khăn trong cuộc mưu sinh. Hơn ai hết họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ thường xuyên của toàn xã hội. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt khó, quên đi những mất mát thiệt thòi để hòa nhập cộng đồng.
MINH HẠNH