"Nhập khẩu" mô hình sản xuất hiện đại về quê

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:17, 13/08/2015

Từ một người đi làm nhiều nghề, phiêu bạt khắp nơi, giờ đây anh Huấn đã bước đầu khẳng định thành công khi chọn chính quê hương mình là nơi làm ăn ổn định, lâu dài...


LTS: Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV, từ số báo này, báo Hải Dương đăng loạt bài "Những tấm gương điển hình tiên tiến". Từng bài viết sẽ khắc họa sâu về tập thể hay cá nhân tiêu biểu của Hải Dương trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.




Máy cày công suất lớn giúp gia đình anh Huấn phát huy hiệu quả cao trong khâu làm đất


Thông tin về một nông dân ở vùng xa nhất huyện Bình Giang đã đầu tư tiền tỷ để mua sắm máy móc, trang thiết bị đồng bộ, làm dịch vụ nông nghiệp trọn gói cho bà con khiến chúng tôi tò mò.

Đó là anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang, xã Thái Dương. Người nông dân có dáng người to đậm, chất phác ấy vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình. Anh giới thiệu cho chúng tôi chiếc máy làm đất của Nhật Bản, công suất 45,8 mã lực, được anh mua với giá 325 triệu đồng từ năm 2012. Đó là loại máy làm đất cỡ lớn, chạy rất khỏe, một ngày làm bằng mấy chục máy cày dắt tay. Anh Huấn cho biết thôn Kinh Trang đã có trên 55 máy cày dắt tay, nhưng giờ đây nhiều nhà không sử dụng được do đồng đất sau dồn điền, đổi thửa rộng mênh mông, máy gặt đập liên hợp đã tạo thành rãnh sâu trên ruộng khi thu hoạch, các ruộng còn để gốc rạ dài từ 20-30 cm nên máy cày dắt tay công suất nhỏ không giúi nổi gốc rạ xuống bùn. Mặt ruộng gập ghềnh cũng khiến máy nhỏ "đầu hàng". Vì thế, xu hướng sử dụng máy cày công suất cỡ trung và cỡ lớn là phù hợp và hiệu quả hơn cả. Rồi anh Huấn lại đưa chúng tôi xem chiếc máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA của Nhật Bản, mua 285 triệu đồng từ năm 2013. Máy này nếu lúa đứng cây, 1 ngày có thể gặt từ 8-10 mẫu, đóng bao ngay trên máy, khối lượng công việc đạt tương đương với gần 100 lao động làm việc cật lực. Cũng như các hộ có máy nông nghiệp khác, công gặt bằng máy gặt đập liên hợp 1 sào là 130.000 đồng, trong khi nếu thuê gặt tay và tuốt lúa mất tới 280.000 đồng/sào. Công làm đất thuê lao động thủ công là 220.000 đồng/sào, nay làm máy chỉ còn từ 120.000 - 130.000 đồng. Gia đình anh còn làm dịch vụ chở lúa về tận nhà với giá 10.000 đồng/sào. Giá rẻ, hàng trăm hộ trong thôn đã tin tưởng thuê dịch vụ của gia đình anh. Từ năm 2013, anh Huấn còn mua 1 chiếc máy cấy bằng mạ khay loại nhỏ. Để có thể cấy bằng máy, anh đi khắp nơi học bằng được cách làm mạ khay. Gia đình anh đã dành 700 m2 đất, có hệ thống phun mưa tự động để mạ khay phát triển tốt nhất.  Anh nhận làm dịch vụ cấy cho bà con với giá mỗi sào 250.000 đồng (cả tiền giống). Có ý tưởng từ nhiều năm trước nên gia đình anh Huấn đã tích tụ dần ruộng đất để giờ đây xây dựng một vùng rộng 11 mẫu chuyên sản xuất lúa nếp giống là nếp Nhung, nếp Đài Loan.

Không dừng lại ở các dịch vụ đó, anh Huấn còn đưa chúng tôi tới khu nhà khung thép lợp tôn rộng trên 160 m2. Trong đó có lò sấy công nghệ mới không khói rộng trên 84m2, có thể sấy 40 tấn lúa một mẻ. Thóc gặt từ đồng về được trải đều trên lò sấy. Với công nghệ có bản quyền của một ông chủ ở tỉnh Long An chuyển giao, thóc nếp sau 24 giờ đã khô, còn thóc tẻ chỉ mất 12 giờ. Các gia đình chỉ việc bảo quản trong thùng, không phải phơi nhiều ngày như trước. Lò sấy này có thể sấy khô nhiều loại nông sản với số lượng lớn. Từ nhiều vụ qua, gia đình anh Huấn nhận hợp đồng dịch vụ trọn gói cho các hộ với diện tích hơn 30 ha, bao gồm làm đất, cung cấp mạ, cấy lúa, gặt, vận chuyển, sấy khô thóc với giá dịch vụ 550.000 đồng/sào.

Từ năm 2014, xã Thái Dương thực hiện dồn ô, đổi thửa, đồng ruộng phẳng phiu, đường giao thông rộng rãi từ đồng về nhà nên máy móc của gia đình anh Huấn càng thỏa sức tung hoành. Vì thế giá dịch vụ cũng hạ từ 15-20% so với trước. Trừ các khoản chi phí, các gia đình cấy lúa đặc sản vẫn còn lãi từ 700.000- 800.000 đồng/sào/vụ. Gia đình anh Huấn đang vận động bà con trong thôn cùng nhau liên kết góp ruộng để sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Đến vụ, các gia đình chỉ việc nhận thóc đã khô về với lượng thóc trên đầu sào như các gia đình đang sản xuất hiện nay.

Tính ra, từ năm 2012 đến nay, gia đình anh Huấn đã đầu tư gần 3 tỷ đồng mua 1 máy làm đất cỡ lớn, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cấy, 1 xe công nông, 1 lò sấy khô nông sản... Hiện nay, gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Vào mùa vụ có tới 20 lao động phục vụ thu hoạch, sấy thóc. Với cách làm dịch vụ đồng bộ, hiệu quả, đến nay gia đình đã trả hết nợ ngân hàng, dự kiến 3 năm nữa sẽ thu hồi toàn bộ vốn đầu tư. Từ một người đi làm nhiều nghề, phiêu bạt khắp nơi, giờ đây anh Huấn đã bước đầu khẳng định thành công khi chọn chính quê hương mình là nơi làm ăn ổn định, lâu dài.

Ý tưởng làm dịch vụ nông nghiệp trọn gói như hiện nay của anh Huấn nảy sinh sau 2 lần đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, thấy máy nông nghiệp chạy trên đồng ruộng nước bạn rất ấn tượng. Về địa phương, ý tưởng của anh được chính quyền xã và mọi người ủng hộ. Từ cách làm của anh Huấn, 2 năm trở lại đây, các hộ trong xã đã mua 11 máy gặt đập liên hợp, 15 máy cày công suất tầm trung và tầm lớn, 1 máy cấy làm dịch vụ cho toàn xã và các vùng lân cận. Anh Huấn còn hướng cho con sang Nhật Bản học cách sản xuất nông nghiệp của nước bạn để về áp dụng vào đồng đất quê nhà.

Thái Dương là xã vùng sâu vùng xa của huyện, trước đây cấy lúa không hiệu quả, nhiều người dân muốn bỏ ruộng. Nhưng giờ đây đất ruộng đã thành đất quý, là tư liệu sản xuất để làm giàu cho những ai dám nghĩ dám làm như anh Bùi Văn Huấn.

Bình Giang là một trong những huyện đi đầu trong công tác dồn ô đổi thửa. Mô hình dịch vụ tổng hợp như gia đình anh Huấn cần được nhân rộng hơn nữa.

TRẦN TUẤN