Chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa
Tin tức - Ngày đăng : 08:36, 14/08/2015
Để có cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã phải chuẩn bị kỹ càng, toàn diện và chu đáo từ nhiều năm trước...
Bức tranh tái hiện Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào ngày 16-8-1945 để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, khắp nơi trong cả nước đã nổi dậy với nhiều cuộc bạo động, khởi nghĩa, lập căn cứ chống Pháp do các sĩ phu, các nhà chỉ huy quân sự, các nhà yêu nước, nông dân… lãnh đạo. Thế nhưng các cuộc bạo động và khởi nghĩa đều đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Ý tưởng giành độc lập để vua Nam làm chủ nước Nam đã lỗi thời. Sự mơ màng về một nước Việt Nam độc lập theo chế độ dân chủ tư sản đã tỏ ra không thực tế vì chưa xuất hiện giai cấp tư sản trong xã hội Việt Nam. Tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước nói trên chỉ được khắc phục từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cách mạng vô sản và xây dựng được Đảng Cộng sản Việt Nam gánh trách nhiệm lãnh đạo cách mạng vào đầu năm 1930. Đảng Cộng sản Việt Nam có Chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, xác định rõ mục tiêu đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân, hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng đòi giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Các cuộc bạo động cách mạng, cao trào cách mạng liên tiếp nổ ra ở cả ba miền: Trung, Nam, Bắc như Cao trào Xô-viết ở Nghệ An, Hà Tĩnh (năm 1930-1931), Cao trào dân chủ (năm 1936-1939), cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (năm 1940), cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940)… Các cuộc bạo động và cao trào cách mạng này đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước và là những cuộc tập dượt cho cuộc Tổng khởi nghĩa sau này.
Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc tại Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng (Cao Bằng), xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng cách mạng, đào tạo đội ngũ cán bộ và phát động phong trào quần chúng. Kết quả của công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn vững chắc khẳng định chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh là đúng đắn và kịp thời. Vì vậy Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (năm 1941) đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, tạo ra bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Từ cuối năm 1941, nhiều nơi trong cả nước thành lập đội vũ trang cách mạng. Năm 1943, hình thành căn cứ địa liên hoàn nối liền Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Yên… Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.
Ngày 13-8-1945, quân Nhật hàng Đồng minh, Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng công bố Mệnh lệnh khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: "Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!". Cũng trong ngày này, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Trên cơ sở phân tích tình hình, hội nghị quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa; đề ra những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong công tác đối nội, đối ngoại sẽ thi hành sau khi giành được chính quyền. Hội nghị thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16-8-1945. Hơn 60 đại biểu thay mặt cho ba miền: Bắc, Trung, Nam; kiều bào ở nước ngoài, các đảng phái, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo, tiêu biểu cho ý chí thống nhất của toàn dân tộc về dự Đại hội. Đại hội đã ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam... Khắp nơi, quần chúng hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa đã đồng loạt nổi dậy.
Chỉ trong vòng 2 tuần, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi trong phạm vi cả nước. Thế nhưng để có hai tuần này, Đảng ta và Bác Hồ đã phải chuẩn bị công phu trong rất nhiều năm về chủ trương, đường lối, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng. Sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối của Đảng trên cơ sở bám sát sự vận động của tình thế cách mạng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta, góp phần trực tiếp vào thắng lợi quan trọng của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Thông qua từng cao trào cách mạng cụ thể, Đảng ta đã tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp, tạo dựng lực lượng cách mạng, tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đặc biệt, từ năm 1941, với việc thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (sau này là Mặt trận Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng có tên chung là “Hội cứu quốc” như: “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”… Đảng đã thực sự trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tinh thần ái quốc của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bồi dưỡng và phát huy cao độ sức mạnh to lớn của lực lượng chính trị trong chuẩn bị và thực hành Tổng khởi nghĩa.
Từ những nhân tố vũ trang nhỏ lẻ ban đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã từng bước xây dựng các đội du kích, tiền thân của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu giành chính quyền trong những ngày Tổng khởi nghĩa sau này.
Bên cạnh xây dựng lực lượng vũ trang, quá trình chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta còn luôn nhấn mạnh việc chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa.
70 năm qua, nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta không chỉ tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, về Bác Hồ vĩ đại mà còn thấm thía bài học sâu sắc từ cuộc Tổng khởi nghĩa này, trong đó có bài học về việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.
Ths. LƯƠNG THANH NGHỊ