Từ "Huyền thoại Nguyệt Hồ" đến "Tình khúc Nguyệt Hồ"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 17:22, 16/08/2015


Trong một bài viết trên báo "Văn nghệ trẻ" số ra 15-10-1996 với tiêu đề "Tôi đã sống hết mình", nhạc sĩ Trần Thanh Tùng cho biết: Trong 6-7 năm trở lại đây, anh đã sáng tác 4 ca khúc nổi tiếng: "Nơi em về làm dâu", "Nỗi nhớ quê hương", "Khao khát mỏng manh" và "Tình khúc Nguyệt Hồ". Trong đó, "Tình khúc Nguyệt Hồ" do ca sĩ Thanh Hằng thể hiện được phát nhiều lần trên hệ FM của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều thính giả yêu thích đã viết thư hỏi về sự tích hồ Bán Nguyệt và sự ra đời của ca khúc đó.

Hồ Bán Nguyệt có dáng hình nửa vầng trăng nằm ngay trung tâm TP Hưng Yên. Hồ có từ trước thời thành lập tỉnh Hưng Yên (năm 1831), rộng khoảng 4.000 m2, phía tây nam giáp đê sông Hồng, phía đông bắc kề ngay TP Hưng Yên. Nơi đây, lúc sinh thời cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã từng sang dự thi vịnh Kiều. Tác giả phần lời "Tình khúc Nguyệt Hồ" là nhà thơ Nguyễn Khắc Hào. Khi viết bài thơ này, Nguyễn Khắc Hào đang là Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Hưng Yên. Anh đặt tên cho bài thơ là "Huyền thoại Nguyệt Hồ". Khi viết xong, Nguyễn Khắc Hào gửi tặng nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải bản thảo bài thơ. Thấy hay, nhà thơ Phạm Khải đã gửi cho báo Đại Đoàn Kết và đăng số 16-9-1994. Tình cờ đọc bài thơ in trên báo, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng đã rung cảm thật sự, tuy chưa biết tác giả của bài thơ ở đâu và chưa từng đặt chân đến hồ Bán Nguyệt, song qua những vần thơ đầy xúc cảm về Phố Hiến, về Nguyệt Hồ, nhạc sĩ Thanh Tùng đã tưởng tượng và "vẽ" ngay những nốt nhạc đầu tiên về sự tích Nguyệt Hồ, ngỡ như nhạc sĩ đã từng đặt chân đến Phố Hiến, đến Nguyệt Hồ từ lâu. Quả thật, thơ có hồn thì âm nhạc có cánh. Khi "Tình khúc Nguyệt Hồ" được phát lần đầu tiên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam do ca sĩ Thanh Hằng thể hiện được nhiều thính giả yêu thích, lúc đó Trần Thanh Tùng mới có dịp về Hưng Yên thăm hồ Bán Nguyệt mơ mộng, huyền ảo. Hai đồng tác giả được gặp nhau...

LÊ HỒNG THIỆN