Đi thuyền trên kênh Cầu Chùa
Du lịch - Ngày đăng : 14:45, 17/08/2015
Một chiếc thuyền du lịch lớn đưa chúng tôi đi dọc theo sông Tiền để ngắm nhìn các cồn với tên gọi: Long, Ly , Quy, Phụng…
Du khách nước ngoài chiếm lượng lớn trong hành trình tham quan Cầu Chùa
Kênh Cầu Chùa nằm lọt ở giữa Cồn Phụng, thuộc xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành (Bến Tre), giữa mênh mông sông nước của sông Tiền Giang, bờ bên này là Bến Tre, bờ bên kia là TP Mỹ Tho.
Điểm khởi hành chuyến nhàn du trên sông Tiền, chúng tôi được đón ở bến phà Rạch Miễu (cũ), tại đây một chiếc thuyền du lịch lớn đưa chúng tôi đi dọc theo sông Tiền để ngắm nhìn các cồn với tên gọi: Long, Ly , Quy, Phụng…
Điểm tham quan đầu tiên của tour du lịch miền sông nước ở Bến Tre là vào nơi sản xuất kẹo dừa. Bến Tre được biết đến là xứ dừa, kẹo dừa Bến Tre với gần 100 nhãn hiệu đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Việc chứng kiến công đoạn chế biến kẹo dừa, sau đó mua một ít đem về làm quà cho bạn bè là điều thú vị. Bên cạnh đó, bánh tráng Bến Tre cũng là thương hiệu nổi tiếng. Du khách có thể học cách tráng bánh và sau đó ăn chiếc bánh tráng đầu tay của mình vẫn còn nóng hổi bên cạnh cơ sở sản xuất kẹo dừa.
Du khách đều thích thú xem chế biến kẹo dừa và mua về làm quà khi tham gia hành trình này
Riêng tôi nôn nóng được lên chiếc thuyền gỗ đợi sẵn ngay bến sông để dạo chơi trên kênh Cầu Chùa. Gọi là kênh Cầu Chùa bởi trước kia có một chiếc cầu xi măng nối liền hai bên dòng kênh cho nhân dân đi lại. Chiếc cầu này do các nhà sư của một ngôi chùa nhỏ ở đây quyên góp xây dựng. Kênh Cầu Chùa nhỏ như thế nhưng có tới 62 chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc thuyền có thể chở 5 khách. Tất nhiên là khách ngồi trên những tấm gỗ đã đặt sẵn và phải ngồi thật vững vàng kẻo lọt xuống kênh. Mỗi chiếc thuyền gỗ được một người phụ nữ Bến Tre dùng hai mái chèo chèo đưa khách dọc theo con kênh. Chị Lành năm nay 37 tuổi, làm nghề chèo thuyền đưa khách trên kênh Cầu Chùa này đã 7 năm. Chị quen cả từng ngọn dừa nước, từng con đường nhỏ quanh kênh. Chị Trinh thì trẻ hơn, năm nay 32 tuổi, là người cầm chèo chèo thuyền đưa chúng tôi ra cửa sông. Chị bảo cuộc hành trình đi trên kênh Cầu Chùa chỉ 2 km là ra cửa sông, mỗi chuyến như vậy được bên du lịch trả 15.000 đồng. Nếu xoay vòng một ngày 5 chuyến thì được 75.000 đồng. Trên thuyền có thêm mái chèo phụ, khách có thể cầm mái chèo cũng chèo thuyền để đi giữa cánh rừng dừa nước xanh tươi. Bề ngang kênh Cầu Chùa chỉ chừng 10 m. Dọc theo hai bên kênh chỉ có dừa nước và cây bần. Dừa nước ở đây cắm rễ xuống lớp bùn phù sa, vươn cao lên 6-7 m, làm thành vòm cung xanh che giấu con kênh.
Cứ thế, những chiếc thuyền nối đuôi nhau đưa khách trên dòng kênh như đi trong một địa đạo. Rồi cửa biển lộ ra, ánh sáng chói chang ở phía trước. Ngay chỗ đó có một bến thuyền đang đợi phục vụ du khách.
Kênh Cầu Chùa ngút ngát màu xanh của những rặng dừa nước
Trong cuộc hành trình tham quan miệt vườn của du khách, cảm giác tuyệt vời nhất chính là đi thuyền trên kênh Cầu Chùa. Đó là một cảm giác thỏa lòng cùng sông nước, đi giữa những dãy dừa nước cao che khuất cả ánh nắng mặt trời.
Để đến Bến Tre, khách đi theo đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có tổng chiều dài 62 km, vào TP Mỹ Tho, rẽ phải khoảng 2 km là gặp cầu Rạch Miễu. Qua cầu Rạch Miễu là đến địa phận Bến Tre, đi khoảng 12 km tới trung tâm TP Bến Tre. Giá tour là 480.000 đồng/ người (bao gồm ăn trưa tại Cồn Phụng), nếu đi 10 người trở lên chỉ còn 380.000 đồng/người. |
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG