Hai bài hát đồng hành cùng dân tộc
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 15:04, 01/09/2015
Ra đời từ máu lửa
Sinh thời, kể về việc viết “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao cho biết, năm 1944 có một thời điểm ông lâm vào tình trạng bi đát nặng nề. Ông ở nhờ trong căn gác hẹp số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Trong khi “hy vọng về cuộc sống bằng hội họa tại Hà Nội không thể thực hiện được” thì ông cũng chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút các tác phẩm thơ, truyện ngắn và những bản nhạc đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam. Hằng ngày ông phải nhờ mấy họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện để làm việc. Có những đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi vì rét quá. “Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm”. Giữa lúc đó, như định mệnh, ông gặp lại đồng chí Vũ Quý-người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của ông từ mấy năm trước và thường khuyến khích ông sáng tác những bài hát yêu nước. Sự kiện này đã quyết định cuộc đời của ông qua mấy câu đối thoại, mở đầu là đồng chí Vũ Quý: “Văn (cách gọi Văn Cao một cách thân mật) có thể thoát ly hoạt động được chưa?”. “Được”. “Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hằng tháng”.
Nhạc sĩ Văn Cao tác giả bài Tiến quân ca
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tác giả bài Diệt phát xít
Vận mệnh dân tộc, nguyện ước đồng bào thúc giục
Văn Cao lúc ấy chưa được gia nhập đội vũ trang nào, chưa gặp các chiến sĩ cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên ấy nên không thể biết họ hát như thế nào. Tuy nhiên, ông đã nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, để các chiến sĩ có thể hát được: “Đoàn quân Việt Minh đi/Chung lòng cứu nước/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. “Đoàn quân Việt Minh đi/Sao vàng phấp phới/Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Cả một đất nước đang chuyển mình. “Tiến lên cùng thét lên/Chí trai là đây nơi ước nguyền”.
Sau khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài Tiến quân ca, Nguyễn Đình Thi nói với Văn Cao (lúc này hai ông đang cùng hoạt động trong cơ quan văn hóa cứu quốc của Đảng) đầy lạc quan, tin tưởng: “Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?”. Thế là “Diệt phát xít” ra đời và còn được hoàn thành trước bài “Tiến quân ca”. “Không phải nhạc sĩ, chỉ biết âm nhạc ở trình độ sơ cấp nhưng do hoạt động đòi hỏi có bài hát để kêu gọi khởi nghĩa, nên tôi viết bài hát đó… Những bài hát thuở ấy sở dĩ có được ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng, có lẽ vì nó nói lên được nguyện ước của mọi người” - nhà văn Nguyễn Đình Thi đã trả lời phỏng vấn như vậy.
Cùng đi vào lịch sử dân tộc
Cuối năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao tự tay viết bài “Tiến quân ca” lên đá in trên trang văn nghệ đầu tiên của báo Độc lập. Một tháng sau, trên đường công tác qua phố Mai Hắc Đế (Hà Nội), ông chợt nghe tiếng đàn măng-đô-lin của một người đang tập đàn bài “Tiến quân ca” từ một căn gác vọng xuống. Ông dừng lại, xúc động hơn tất cả những lần tác phẩm của ông ra mắt ở các rạp hát trước đó. Ông cảm tưởng, những người cùng khổ mà ông đã gặp trên bước đường cùng khổ của chính ông, lúc này đang cầm súng và đang hát…
Ngày 17-8-1945, “Tiến quân ca” vang lên giữa cuộc mít tinh của công chúng Hà Nội tại Nhà hát Lớn trước lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được buông từ bao lơn nhà hát xuống. Ngày 19-8-1945, cũng tại đấy nhưng đông người hơn, trong không khí trang nghiêm đặc biệt, dàn đồng ca Thiếu nhi Tiền phong hát “Tiến quân ca” xúc động chào lá cờ đỏ sao vàng. Giọng của ông hòa vào hàng chục ngàn giọng hát cùng cất lên hào hùng, biểu thị sức mạnh và chiến thắng vinh quang của cách mạng. Trong hồi ký, Văn Cao đã viết: “Bài “Tiến quân ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó”.
Trong khi đó, chập tối 2-9-1945, khi đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào về đến Hà Nội, Nguyễn Đình Thi mới được nghe bài hát “Diệt phát xít” do ông sáng tác. Đêm đó, đêm đầu tiên của nền Cộng hòa dân chủ, các phố phường Hà Nội đều vang lên tiếng hát Tiến quân ca, Diệt phát xít... Ông xúc động khi được biết, trong cuộc mít tinh ngày 17-8-1945 ở Nhà hát Lớn thành phố, một thanh niên đã đứng lên hát bài “Diệt phát xít” trước hàng chục nghìn người…Và, bài “Diệt phát xít” đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc ta như thế đó.
Từ bao năm nay, vào mỗi lúc bình minh, bản nhạc “Tiến quân ca” vừa hùng tráng, vừa thân thuộc lại vang lên chào ngày mới trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và trước lá Quốc kỳ ở Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh an nghỉ, nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của dân tộc. Cũng từ bao năm nay, bản nhạc “Diệt phát xít” đã đồng hành cùng chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam một cách hào sảng và kiêu hãnh, ngày ngày đến với toàn dân, toàn quân ta và nhân loại toàn thế giới… Hai nhạc phẩm lịch sử ấy mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
PHẠM XƯỞNG