Chính phủ Việt Nam những ngày đầu độc lập

Tin tức - Ngày đăng : 21:09, 02/09/2015

Khởi nghĩa toàn quốc thắng lợi. Ngày 2-9-1945 Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Chiến tranh thế giới lần thứ II như cơn lốc làm biến đổi số mệnh của hàng triệu triệu con người, tạo cơ hội khách quan cho các dân tộc thuộc địa vùng lên giải phóng khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Ở Việt Nam điều kiện cách mạng chín muồi, ngày 16 - 8 - 1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân với hơn 60 đại biểu họp ở Tân Trào đã ra lời hiệu triệu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và 13 Ủy viên: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh),Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.




Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M.Mu-tê ký bản Tạm ước Việt- Pháp ngày 14-9-1946

Rồi đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, 12 ngày sau (28-8-1945) Ủy ban Dân tộc giải phóng  tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời. Nhiều vị Ủy viên tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ và mời thêm một số nhân sĩ tham gia, tiêu biểu rộng rãi cho Mặt trận dân tộc thống nhất, đủ sức gánh vác công việc quốc gia.

Khởi nghĩa toàn quốc thắng lợi. Ngày 2-9-1945 Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Sắc lệnh có đoạn: "Để thi hành điều thứ 6 trong Sắc lệnh số 14 ngày 8 tháng 9 năm 1945 về Quốc dân đại hội, nay lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ủy ban này gồm có 7 ông sau đây:

- Hồ Chí Minh
- Vĩnh Thụy
- Đặng Thai Mai
- Vũ Trọng Khánh
- Lê Văn Hiến
- Nguyễn Lương Bằng
- Đặng Xuân Khu

 Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau (23-9-1945), núp dưới bóng quân Đồng minh, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình đó, nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung đối phó với bọn xâm lược nước ngoài, ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời được cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời có sự tham gia của một số đại biểu trong Việt Quốc và Việt Cách với nhiệm vụ tổ chức thật tốt cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc đã được quyết định vào ngày 6-1-1946, và thống nhất các lực lượng vũ trang.

Thành phần Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và các bộ trưởng: Võ Nguyên Giáp (Bộ Nội vụ); Trần Huy Liệu (Bộ Tuyên truyền cổ động); Chu Văn Tấn (Bộ Quốc phòng); Dương Đức Hiền (Bộ Thanh niên); Nguyễn Tường Long (Bộ Quốc dân kinh tế); Nguyễn Văn Tố (Bộ Cứu tế xã hội); Vũ Trọng Khánh (Bộ Tư pháp); Trương Đình Tri (Bộ Y tế); Đào Trọng Kim (Bộ Giao thông công chính); Lê Văn Hiến (Bộ Lao động); Phạm Văn Đồng (Bộ Tài chính); Vũ Đình Hòe (Bộ Quốc gia giáo dục); Cù Huy Cận (Bộ Canh nông); và Bộ trưởng không bộ Nguyễn Văn Xuân.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày mồng 6-1-1946, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu Quốc hội.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất, quyết định bổ sung (không phải bầu) thêm 70 người ở  hải ngoại là người của Việt Quốc và Việt Cách. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội cũng bầu Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đây là một chính phủ hợp pháp, có đầy đủ uy tín và hiệu lực để điều hành đất nước về cả nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, thực hiện kháng chiến và kiến quốc, giữ vững quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và một số bộ trưởng như: Nguyễn Tường Tam (Bộ Ngoại giao); Huỳnh Thúc Kháng (Bộ Nội vụ); Chu Bá Phượng (Bộ Kinh tế); Lê Văn Hiến (Bộ Tài chính); Phan Anh (Bộ Quốc phòng); Trương Đình Tri (Bộ Xã hội kiêm y tế, cứu tế và lao động); Đặng Thai Mai (Bộ Giáo dục; Vũ Đình Hoè (Bộ Tư pháp); Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính); Bồ Xuân Luật (Bộ Canh nông); Đoàn Cố vấn tối cao, Cố vấn Vĩnh Thuỵ; Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp…

Chỉ 4 ngày sau, sáng 6-3-1946, tại Hà Nội có phiên họp quan trọng của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội nhất trí tán thành ký Hiệp định Sơ bộ 6-3, ủy quyền cho phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu ký với đại diện Chính phủ Pháp.
Xin trích nguyên văn một phần Biên bản đặc biệt quan trọng này:

"Hội đồng Chính phủ Việt Nam, Tối cao Cố vấn đoàn đoàn trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc, trong phiên họp ngày 6-3-1946 , sau khi nghe Cụ Chủ tịch báo cáo tình hình ngoại giao, sau khi hỏi ý kiến của toàn thể.

1-Nghị quyết tán thành ký hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, theo những điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế cho quân đội Trung Hoa (nguyên văn đính theo sau).

2- Ủy quyền cho ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thay mặt cho Hội đồng Chính phủ, cùng Cụ Chủ tịch Chính phủ ký hiệp định trên với đại biểu Pháp.

3- Nghị quyết này do toàn thể Hội đồng, Ủy ban Kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội cộng đồng phụ trách trước quốc dân".

Cuối biên bản là phần ký tên. Tất cả có 17 chức danh được dự họp, nhưng chỉ có 13 người ký tên.

Đầu tiên là chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó chức danh Phó Chủ tịch để trống, tiếp theo chữ ký của Cố vấn đoàn đoàn trưởng, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến. Có chữ ký của các vị  Bộ trưởng: Nội vụ, Quốc phòng, Kinh tế, Giáo dục, Xã hội kiêm y tế, cứu tế và lao động, Tư pháp, Giao thông công chính, Thư ký Hội đồng Chính phủ. 3 bộ trưởng: Ngoại giao, Tài chính, Canh nông ghi là vắng mặt.

Theo đó, từ ngày 6 - 7 đến 13-9-1946 phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã tham sự cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Phông-ten-nơ-blô (Pháp). Vì được Mỹ ủng hộ, nên Pháp ngoan cố và trắng trợn xóa bỏ Hiệp định Sơ bộ, nên cuộc đàm phán không đạt kết quả.

Do thắng lợi của Tổng tuyển cử mồng 6-1-1946, từ ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp đã lên đường sang thăm nước Pháp. Những ngày ở đây, Người đã gặp gỡ kiều bào ta và tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Pháp. Người tranh thủ trình bày rõ quan điểm của Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà yêu nước và công luận đối với sự nghiệp chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập của Việt Nam. Và để tỏ thiện chí hòa bình, tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị lực lượng cho một cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Bởi Người biết trước: "Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”.


KHÚC HÀ LINH