Khó tập hợp thanh niên thôn, khu dân cư
Xã hội - Ngày đăng : 12:22, 03/09/2015
Hiện nay, việc tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động đoàn ở nông thôn cũng như thành thị gặp rất nhiều khó khăn.
Đoàn "thưa quân"
Do nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa hoặc làm việc trong các doanh nghiệp nên việc huy động
thanh niên tham gia các hoạt động tại thôn, khu dân cư không dễ dàng
Phường Nhị Châu (TP Hải Dương) hiện có 245 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), nhưng số ĐVTN thường xuyên tham gia hoạt động tại địa phương chỉ có 51 người. Chúng tôi đến Chi đoàn khu 5, phường Nhị Châu mới thấy được hết những khó khăn của Chi đoàn "thưa quân". Hiện tại, chi đoàn chỉ quản lý 12 ĐVTN, chủ yếu là học sinh THPT và sinh viên. Những thanh niên đi làm ăn xa hoặc lao động tại địa phương, chi đoàn không quản lý được. Vì thế, khi chi đoàn hoặc đoàn phường có hoạt động, việc huy động ĐVTN tham gia khá khó khăn. Bạn Trần Thị Khánh Linh, Bí thư Chi đoàn khu 5 cho biết: "Sinh hoạt đoàn tại khu dân cư khó duy trì, chỉ có 1-2 người thường xuyên tham gia. Những đoàn viên khác bận học hoặc tham gia sinh hoạt đoàn tại trường, rất khó thu hút để tham gia tại địa phương. Sinh hoạt hè cũng chỉ có các em đội viên, rất ít đoàn viên. Nhiều khi chi đoàn tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư nhưng thưa quân nên khó thực hiện".
Nhiều thanh niên thường trú tại khu dân cư nhưng sinh hoạt đoàn tại nơi công tác, hoặc có nhiều thanh niên đã lập gia đình, tập trung làm kinh tế nên cũng không tha thiết với sinh hoạt đoàn tại khu dân cư. Không chỉ ít ĐVTN sinh hoạt tại khu dân cư, hiện nay thanh niên thường đi làm ăn xa, số lượng ĐVTN biến động theo từng năm nên rất khó quản lý, tập hợp. Anh Trần Bá Trọng, Phó Bí thư đoàn phường Nhị Châu cho biết: "Việc ít ĐVTN sinh hoạt tại cơ sở khiến cho công tác triển khai, tuyên truyền các hoạt động đoàn, chính sách pháp luật tổ chức chiến dịch tình nguyện tại phường rất khó khăn. Mỗi khi có hoạt động, đoàn phường phải phối hợp với đoàn phường Nguyễn Trãi, Ngọc Châu để cùng thực hiện thì mới có đủ ĐVTN".
Khó tập hợp ĐVTN vào sinh hoạt đoàn là tình trạng chung của nhiều địa phương. Ngoài những lý do khách quan như ĐVTN đi làm ăn xa hoặc đã xây dựng gia đình... thì các hoạt động đoàn chưa sôi nổi, thiếu hấp dẫn cũng là một nguyên nhân.
Thiếu hoạt động hấp dẫn
Hiện nay, hoạt động đoàn tại các địa phương còn qua chú trọng vào bề nổi, không đi vào chiều sâu, nhiều mô hình còn mang tính chất phong trào, chạy theo thành tích nên rất khó thu hút ĐVTN tham gia. Chị Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Đoàn xã Kim Xuyên (Kim Thành) cho biết: "Khoảng 4 năm trở lại đây, việc thu quỹ đoàn đối với ĐVTN trên địa bàn xã không duy trì được nữa. Khi nào đoàn xã tổ chức hoạt động như thăm, tặng quà Tết, Trung thu... thì mới vận động ĐVTN quyên góp. Sinh hoạt chi đoàn được tổ chức 2 tháng một lần nhưng cũng không đều đặn". Xã Kim Xuyên hiện có khoảng 800 ĐVTN, số sinh hoạt tại địa phương gần 400 người. Tuy nhiên, gần 400 ĐVTN này chủ yếu là đi làm tại các công ty gần nhà. Họ làm ca ngày, ca đêm, không có thời gian để tham gia các hoạt động của đoàn. Những buổi sinh hoạt đoàn tại thôn, khu dân cư chỉ sôi nổi dịp hè khi các ĐVTN đi học xa về, sau đó lại trầm lặng. Các hoạt động vì cộng đồng tại cơ sở còn hạn chế. Một số câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của đoàn cơ sở chưa phát huy được hết vai trò, khó kết nối được ĐVTN. Không có hoạt động nổi bật, thiếu sân chơi để tập hợp ĐVTN đã khiến cho phong trào đoàn ở nhiều địa phương đi xuống. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do thiếu kinh phí hoạt động. Mỗi năm đoàn xã chỉ được cấp 7-8 triệu đồng để tổ chức sinh hoạt là quá ít. Thiếu những hoạt động hấp dẫn nên ĐVTN đang thờ ơ với tổ chức đoàn.
Theo Tỉnh đoàn, để ĐVTN gắn bó với phong trào, trước hết cán bộ đoàn phải năng động, sáng tạo, đưa nhiều mô hình hay về địa phương để quy tụ, giúp đỡ ĐVTN làm kinh tế, vận động ĐVTN tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến hoạt động của đoàn thanh niên; tạo điều kiện để họ lập thân, lập nghiệp. Tổ chức đoàn tăng cường chăm lo đời sống tinh thần cho ĐVTN; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có những giải pháp thiết thực cải thiện tình hình thanh niên hiện nay, định hướng thanh niên vào những hoạt động có ích cho xã hội.
MINH NGUYỆT