Nhà bốn gian
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:49, 12/09/2015
Minh họa: VĂN HÀ
Đã quá giờ ăn tối lâu rồi mà thằng Viên lại về muộn. Xiêm sốt ruột đi ra đi vào. Chiếc điện thoại lại báo có tin nhắn. Vì đợi Viên về mà cô có thể bị trễ giờ hẹn đi chơi với anh bạn mới quen. Cu Giao ngồi trực bên mâm cơm, tay đã cầm quyển sách lên đọc bài. Mẹ thì vẫn ngồi ở một góc giường đang rì rầm bàn bạc điều gì đó với anh Cả.
Từ ngày bố mất, rồi mẹ bị ốm ở bệnh viện về, Xiêm ít khi thấy nhà mình to tiếng như xưa. Hình như ai cũng nói nhẹ đi, bước chân vào nhà rón rén hơn, đến thằng Giao cũng cười nói ý tứ, hiếm khi cương cổ lên cãi lại Xiêm như trước, còn thằng Viên thì nếu không tăng ca sẽ đi làm về sớm hơn, anh Cả không mày tao với các em nữa.
Nhà Xiêm có hai gian với một cái chái thò lên hiên được xây từ khi bố mẹ mới lấy nhau, hẹp vanh vanh. Chứa sáu người ra vào chỉ trực đập đầu vào nhau. Cái chái thò ra đó mẹ kê hòm thóc, mấy hòm quần áo, chạn bát và một hộp giấy đựng sách vở của Giao. Chiếc bàn học bốn chân của Giao mỗi tối lại di động lên giường để nó học ở trên đó. Gian bên trái nhà kê hai cái giường hai bên, chỗ giữa nhà là cái bàn kê chiếc ti vi mà mấy năm trước anh Cả tích góp tậu được. Gian bên phải kê cái giường của mẹ. Trước kia Xiêm vẫn sang ngủ với mẹ nhưng từ khi mẹ đổ bệnh, khó ngủ, mẹ bảo cô sang nằm với cu Giao, công việc bù đầu ngủ nhiều mới có sức đi làm được.
Xiêm nhớ cảm giác cái ngày mới lẫm chẫm biết đi, Xiêm đi ẩn quanh trong nhà để anh Cả tìm mà như hai anh em đang chơi trú ẩn trong rừng, cô nấp sau màn gió, hay sau mỗi bao thóc, cánh cửa mà anh trai mãi vẫn chưa tìm ra, có lần phải nhắm mắt xin chịu. Thế mà sau có mấy năm, Xiêm lớn lên, mẹ có thêm hai thằng em, cô thấy nhà mình sao mà bé thế, chỗ nào cũng thấy quần áo với sách vở, đến để đôi giày đôi dép vào gầm giường cũng chạm nồi niêu, khoai sắn. Có mấy tấm ảnh lưu niệm bạn gửi tặng Xiêm cũng không biết để chỗ nào đành đút vào túi gối đầu giường. Bây giờ có bạn mới quen, muốn về nhà chơi cô cũng khất lần vì ngại. Cô đành hẹn người ta ra quán nước đầu làng. Giờ hẹn đã tới mà cô thì vẫn chưa được ăn cơm. Xiêm sốt ruột:
- Thôi cả nhà mình ăn cơm trước đi, biết đâu mà đợi nó. Mọi lần có thế đâu?
- Hôm nay cuối tuần, Viên hẹn về ăn cơm cùng rồi - anh Cả bảo.
- Giao có đói không?
- Dạ, cứ đợi anh Viên đi.
Giao không nói là nó cũng đang đói, người đi không bực bằng người trực mâm cơm, nhưng nó có quyển sách để đánh tan cái sự cồn cào đang dấy lên trong bụng. Anh Cả đi xây mệt là thế còn chịu được huống hồ nó chỉ có đi học, với lại lúc nấu cơm, Giao đã vội vét đáy nồi được ít cháy lót dạ dày rồi. Mọi lần anh Cả và mẹ không bắt mọi người trực cơm thế này, chắc là hôm nay thứ bảy, có món canh cá với thịt rang, nên muốn đợi cả nhà về cùng ăn cho vui. Anh Cả đã nói thì chỉ có mà thực hiện.
Tiếng xe máy đỗ ở cổng. Chắc là bạn anh Viên đã đèo anh ấy về. Anh Viên láu táu vậy nhưng cũng quyết chí lắm, có thể anh cố làm thêm để dành tiền mua xe. Một đêm học ôn về khuya, Giao đạp xe loạng choạng thế nào đâm ngay xuống cái ao bèo đầu ngõ, anh Viên chạy ra lôi cả người và xe lên, múc nước giếng cho nó tắm rồi động viên nó: “Cố học giỏi vào, sau này anh mà mua được xe máy, tối anh rỗi, sẽ chở mày đi học thêm cho đỡ khổ”. Nghĩ đến điều này, Giao thấy chuyện mình ngồi đợi cơm anh thật quá nhỏ bé.
Ðợi Viên tắm xong, cả nhà cùng ngồi vào ăn cơm. Viên gắp cho mẹ miếng cá riêu thật nạc:
- Con mời mẹ.
- Sao con về muộn thế, thứ bảy mà lại tăng ca à?
Viên thấy mẹ mấy bữa nay có vẻ yếu hơn, lại nghe Giao nói thuốc sắc mẹ cũng uống được ít. Mẹ vẫn dặn Viên nếu thấy yếu thì phải giữ sức khỏe, không nên cố, chẳng may hoa mắt chóng mặt mà máy nó đi vào tay cho thì còn khổ hơn. Nhưng những đợt xuất hàng thế này, tăng ca thêm một tiếng là thêm bằng nửa ngày lương nên Viên lại cố. Mỗi tối về nhà đều đã quá bữa, nếu chỉ có một mình thì chỉ nhoáng nhoàng hai phút là Viên đã ăn xong cơm rồi chui nhanh lên giường để ngủ. Còn những hôm anh Cả hẹn trước để đợi cơm, Viên ngồi cùng cả nhà ăn thấy ngon miệng hơn nhiều.
- Cá ở đâu mà ngon mẹ nhỉ?
Viên không trả lời mẹ mà hỏi một câu khác. Giao nhanh nhảu:
- Bác Tuân hôm nay kéo cá cho đó.
- Giá như ngày xưa thì có mà suốt ngày được ăn cá. Ðồng sông mênh mông, anh Cả mà xách giỏ đi thì về lúc nào cũng đầy tôm cua cá.
- Ừ, Cả có cái tài làm nhạy nhảy.
- Nhạy nhảy là gì anh Cả?
- Ðó là đêm đến anh với anh Cả đi ra bờ sông, chỗ sát mép nước, dùng bùn xoa mịn đi, xoa khắp dọc mép bờ, rồi xoáy sâu ở giữa bằng thật nhiều bùn. Sau những cơn mưa rào, cá hay đi ăn đêm, thường vọt lên bờ, thế là rơi vào nhạy nhảy, chỉ có nước giẫy giụa trong bùn không ra được. Sáng sớm hôm sau chỉ việc mang giỏ ra bắt.
- Sướng nhỉ? Hồi ấy sông đồng còn lắm cá chứ không như bây giờ.
- Ừ, ngày đó còn bé hơn mày, suốt ngày hai anh em ở ngoài đồng.
Anh Cả ngồi nghe tụi em nói chuyện bắt cá bằng nhạy nhảy, nhớ lại một lần đi bắt cá ở sông Lươn, đang bắt cá vào giỏ thì nghe tiếng quát thất thanh: “Sao anh dám cướp cá của tôi”. Ngẩng lên, một con bé dáng gầy tong teo, đen thui, đang chắp tay mạng sườn, vênh mặt lên thách thức. “Sao lại là cá của cô? Ðây là cá trong bẫy của tôi chứ?”. “Ai bảo anh bẫy chèn lên bẫy của tôi, không nhìn thấy cành tre phủ lên trên à, tôi đã làm bẫy trước anh”. Cả lúc ấy mới để ý thấy ngay bên cạnh cũng có một cái nhạy nhảy với cành tre đánh dấu để bên, Cả vốn ít nói nên lúng túng. “Anh phải chia đôi cá cho tôi nếu không thì đừng có mà …”. “Ðừng có mà gì?”, chẳng lẽ con bé này muốn đánh nhau - Cả nghĩ. “Ðừng có mà là… con trai”. Nhiều khi lý lẽ yếu mềm nhất lại trở thành sức chiến đấu mạnh mẽ nhất. Bữa đó Cả phải chia đôi cá.
Thế mà năm ngoái, khi đến xây cho một nhà, Cả gặp lại con bé đó, là con chủ nhà, bây giờ đã cao lớn, mỡ màng, da dẻ trắng như ngó cần khiến Cả không khỏi nôn nao chóng mặt khi đứng trên giàn giáo mà nhìn thấy “con bé” ra rót nước hay dọn dẹp dưới chân công trình. Cả đi xây dễ như lúc trước đi làm nhạy nhảy, là tay dao chắc nhất đội nên những công đoạn khó nhất bao giờ cai cũng để dành chỗ cho Cả. Hôm nhà đó đổ mái, “con bé” dám tự động sang nhà Cả biếu thức ăn cho mẹ anh. Khi anh về, nghe mẹ kể và khen “con bé” anh mới biết. Mẹ anh có vẻ thích “con bé”. Mẹ hay hỏi thăm về “con bé”. Nhưng anh chối chẳng có gì.
Trong bữa cơm, mẹ đã nói tới chuyện anh Cả đã đến tuổi lập gia đình lâu rồi. Mấy đứa em háo hức đón nghe như thể Cả sắp làm chú rể đến nơi.
- Vậy nên, mẹ có bàn với anh Cả, nhà ta sẽ xây lại nhà. Hôm nay cả nhà mình cùng bàn về việc này.
- Xây nhà, thích quá!
Thằng Giao reo hò như vớ được vàng. Lần đầu tiên nó được họp bàn một việc hệ trọng. Nó bỏ phiếu tán thành ngay vì nó đang mơ ước có một góc học tập tử tế. Hai nữa, có chị dâu, nó sẽ không phải quét nhà, rửa bát nhiều như vậy nữa.
- Xây nhà xong là làm đám cưới cho anh Cả luôn nhé!
- Thế nhà mình định xây như thế nào ạ? - Viên thắc mắc.
- Mẹ vẫn thích một ngôi nhà ngói bốn gian, ba gian nhà ngoài, một gian buồng thò lên.
Bà mẹ nghĩ tới những lúc công to việc lớn thì ba gian nhà ngoài là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại, còn ngày thường sẽ kê hai giường hai đầu cho mấy anh em nó ngủ, gian giữa vẫn là kê cái tủ thờ tổ tiên và cha bọn trẻ. Hay như lúc làm đám cưới cho Cả, ba gian nhà đó sẽ là không gian đủ cho cả đại diện hai nhà trai gái ngồi nói chuyện. Rồi còn tính đến thằng Viên, còn con Xiêm cũng tới lúc có người ta đến thăm nhà, cứ thế này mãi sao được. Nếu chồng không ốm đau và mất có lẽ ông bà cũng đã xây được cái nhà bốn gian mà hai người đã dự tính từ lâu. Bản thân bà khi biết mình bị bệnh nặng, bà đã chủ động xin về nhà để chữa thuốc nam, bà không muốn số tiền vợ chồng con cái bà dành dụm lại bị tiêu tán hết vào căn bệnh không thể chữa được này. Bà muốn xây cho con cái một căn nhà trước khi ra đi. Một căn nhà bốn gian. Ba gian nhà ngoài và một gian trong có thể chia làm hai buồng. Hai gian buồng, gian buồng phía trên sẽ là phòng cưới cho vợ chồng trẻ. Còn một gian, cái Xiêm là con gái cũng cần có buồng riêng, không thể cứ ngủ cùng với thằng út mãi được. Rồi chúng sẽ lập gia đình, rồi sinh con đẻ cái, ngày trước khi bắt đầu cuộc sống, vợ chồng bà cũng từ một cái buồng nhỏ xíu, vách trát bùn…
- Còn ý anh Cả? Anh dự tính như thế nào?
- Dạ, con cũng nghĩ như thế. Nhà mình sẽ tận dụng những cái có sẵn; gạch cũ lót xuống móng, gỗ còn vẫn dùng trên mái, ngói cũ còn thiếu thì mua thêm. Bây giờ, mọi nhà hay đổ trần nên mua ngói cũng dễ. Ngày trước con có xây giúp nhà anh Bảy, nay anh ấy bảo sẽ giúp con xây nhà mình.
- Thế phá nhà ra, mình ở đâu?
- Mình dựng một cái lán ngoài vườn, đồ đạc gửi tạm hàng xóm.
Mọi việc đã thuận lợi. Mấy đứa em ngồi nghe anh vạch kế hoạch như nuốt từng lời. Ðúng là có anh làm thợ xây có khác, mọi việc cứ đâu vào đấy.
- Ngày mai con đưa mẹ đi rút sổ tiết kiệm. Của nhà mình mẹ gửi được ba mươi tư triệu. Mọi việc cứ giao cho con tính toán hết. Thiếu đâu lại vay mượn tiếp. Bác Tuân, chú Tú vẫn động viên mẹ thế.
- Mẹ yên tâm, tiền công thợ cuối năm này con được lĩnh cũng được thêm khoảng chục triệu nữa - Cả bảo.
- Con cũng tiết kiệm được sáu triệu.
Giao nghe anh Viên nói đoán ngay đó là tiền vốn riêng tăng ca của anh, chắc đây là món tiền anh định dành dụm mua xe máy. Xiêm cũng vào hòm cầm cái ví ra, đưa cho anh Cả sợi dây chuyền mới đeo có mấy lần bảo anh bán đi để xây nhà.
Có tiếng chuông điện thoại của cô kêu, anh Cả giục Xiêm nghe máy. Xiêm rành mạch nói với người đầu máy bên kia thông cảm, cô đang có việc bận không tới được rồi cúp máy.
- Con cũng có con lợn tiết kiệm, tiền mừng tuổi, tiền thưởng học sinh giỏi nữa… - Giao khoe.
Người mẹ lặng lẽ giấu hàng nước mắt đang trực vỡ òa, mỉm cười nhìn đàn con đang hào hứng chung tay giúp mẹ xây tổ ấm. Giao chạy như bay vào trong chái nhà bê ra một chú lợn. Sau tiếng đập “choang”, những tờ hai nghìn, năm nghìn rồi hai mươi nghìn, có cả tờ năm mươi nghìn cuộn tròn như chú sâu trong kén. Viên và Xiêm cùng giúp em vuốt lại những đồng tiền tiết kiệm cho phẳng, rồi đếm. Anh Cả không ngờ em út lại còn giữ được những đồng tiền hai trăm đồng từ những Tết xa xưa. Thằng nhỏ cứ bảo với các anh ăn quà rồi để các anh đỡ ăn vẹm tiền của nó. Thực ra nhiều khi nói dối cái này là để người ta thực hiện một dự định khác tốt đẹp hơn mà thôi. Cả cũng vẫn giấu mọi người, chưa sung vào “công quỹ” số tiền riêng ba triệu cũng do tiết kiệm mà có. Anh không muốn động đến số tiền đó vì đó là số tiền mà Cả dự định sẽ để dành riêng cho việc mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Người ta nói, bệnh xơ gan rất khó khỏi, hợp thuốc nam nào thì chữa thuốc đó. Cả đã đi lấy thuốc cho mẹ đến ông thầy thứ năm, thấy bụng mẹ có vẻ nhẹ đi, nhưng mẹ lại yếu hơn. Mấy đứa em thì cứ nghĩ là mẹ uống thuốc rồi sẽ khỏi nhưng đã có người nói với Cả việc chữa trị chỉ là để kéo dài cuộc sống của mẹ mà thôi. Cả đời mẹ đã khổ rồi, bây giờ Cả muốn xây cho mẹ một cái nhà mới rộng rãi để mẹ được ở những ngày cuối đời như người ta cho thỏa mong ước.
Trong khi mọi người đang tíu tít bàn chuyện, anh Cả ngồi im lặng, anh đang tưởng tượng ra cảnh ngôi nhà mới vừa xây xong, mẹ con tất bật chuyển nhà. Mẹ khỏe hẳn ra, đi lại nhanh nhẹn như xưa. Bác Tuấn, chú Tú, cánh bạn thợ của anh và các bạn của mấy đứa em, cả các ông bà hàng xóm đang đến uống nước chia vui với mấy mẹ con.
Truyện ngắn củaNGUYỄN THU HẰNG