Ông lão ăn xin
Các em viết - Ngày đăng : 07:41, 13/09/2015
Cứ mỗi sáng thức dậy, mở cửa hàng ra là hiện ngay trước mắt tôi một ông lão ăn xin bẩn thỉu. Lúc nào cũng vậy, người ông bốc lên một mùi hôi kinh khủng, khuôn mặt hốc hác, quần áo, tóc tai bơ phờ. Mỗi lần nhìn thấy ông là tôi bực lắm vì nhà tôi là nhà buôn bán, mở cửa ra chưa bán được gì mà đã thấy ông lão ăn xin thì tôi nghĩ là “hãm tài” lắm. Nghĩ vậy nên tôi thường hay xua tay đuổi: “Ông đi đi! Mới sáng giời ra đã xin với xỏ”. Một vài người hàng xóm thấy tôi cư xử như vậy thì dè bỉu, thốt ra mồm: “Trông con bé dễ thương, xinh xắn, có học mà không biết thương người”. Nhưng tôi mặc kệ họ vì ở cái thị trấn bé tí này, có biết bao cửa hàng tạp hóa. Gia đình tôi phải rất khó khăn mới có thể buôn bán có lời. Tôi chỉ quan tâm xem làm thế nào để có thể bán đắt hàng chứ còn những chuyện khác thì tôi không bận tâm.
Mặc dù lần nào ngồi trước cửa cũng bị tôi xua đuổi nhưng sáng sớm hôm sau ông lão lại xuất hiện ngay trước mắt tôi. Chính vì thế mà tôi càng bực tức và càng xua đuổi ông nhiều hơn. Mỗi lần như vậy, ông buồn bã nhìn tôi rồi lặng lẽ bỏ đi nhưng sáng hôm sau thì ông lại ngồi trước cửa nhà tôi khiến tôi phát cáu.
Mấy hôm nay mở cửa hàng cả ngày mà không thấy ông lão ăn xin kia đâu, tôi mừng lắm, tự nhủ từ nay tôi sẽ không phải nhìn thấy ông lão vào mỗi buổi sáng nữa rồi. Thế nhưng vài ngày không thấy ông, tôi lại cảm thấy bứt rứt trong lòng. Tôi bèn hỏi người bán hàng bên cạnh:
- Chị ơi ông lão ăn xin hay ngồi trước cửa nhà em đâu rồi ạ? Mấy hôm nay em không thấy ông ấy...
Thấy tôi hỏi vậy, chị bán hàng cong môi đỏng đảnh đáp:
- Úi giời vẽ chuyện. Lúc thấy ông ấy thì ra sức xua đuổi, bây giờ không thấy thì bày đặt hỏi thăm. Nói cho cô biết ông ấy biến mất rồi.
Vừa nghe đến câu “ông ấy biến mất rồi” lòng tôi bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả như có một luồng điện chạy qua người tôi vậy. Tôi giật mình, người như cứng đơ lại khi nghe tin đó. Lẽ nào ông ấy “mất” thật? Hay ông ấy đã được gia đình tìm thấy? Hay bị tôi xua đuổi nhiều nên ông không quay lại đây nữa? hàng chục câu hỏi cứ quay như chong chóng trong đầu tôi. Bất chợt tôi cảm thấy có lỗi với ông. Tôi nhìn lên camera của nhà mình và nghĩ: “Tôi sẽ xem lại những hình ảnh của ông qua nó”.
Nghĩ là làm, tôi chạy ngay vào nhà và mở máy lên xem. Hình ảnh của ông chầm chậm hiện ra, vẫn dáng người, mái tóc, khuôn mặt, bộ quần áo đó, tất cả hiện lên như ông đang đứng trước mắt tôi vậy. Tôi quan sát rất kỹ những hoạt động của ông và tôi đã rất bất ngờ khi thấy ông không chỉ mượn vỉa hè nhà tôi làm chỗ ngủ qua đêm mà còn âm thầm giúp đỡ gia đình tôi mà tôi nào hay biết. Thấy có người đi qua tiện tay ném rác trước cửa quán ông liền chạy đến mắng họ rồi nhặt rác cho vào thùng. Khi thấy mấy đứa trẻ tinh nghịch định vẽ bậy lên cửa thì ngay lập tức ông bật dậy đuổi ngay. Với bộ dạng rách rưới như ông cộng với việc ông thường giả điên để dọa bọn trẻ khiến chúng sợ mà bỏ đi. Có hôm, hai tên bịt mặt định cậy cửa nhà tôi ăn trộm thì ông bật dậy khua gậy đuổi làm chúng bỏ chạy… Cứ ngày qua ngày ông lặng lẽ ngủ ở vỉa hè trước nhà tôi như vậy mà không bao giờ ông xin xỏ thứ gì ở tôi. Càng xem tôi càng thấy thương ông lão. Không biết gia đình, con cháu ông ở đâu mà ông phải lang thang, vất vưởng thế này? Tôi tự trách bản thân mình sao mà ích kỷ, nhỏ nhen quá.
Đoạn camera cứ tiếp tục phát. Hình ảnh ông lão nằm co quắp ở vỉa hè khiến nước mắt tôi ứa ra từ lúc nào không hay. Tôi ân hận vì chưa bao giờ cho ông một thứ gì. Giá mà bây giờ ông xuất hiện trước cửa quán nhà tôi, chắc chắn tôi sẽ không cư xử như một kẻ vô cảm trong suốt những ngày qua.
NGUYỄN PHƯƠNG THẢO(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)