Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Môi trường - Ngày đăng : 15:18, 14/09/2015
Nhiều tuyến đường ở TP Quảng Ngãi ngập chìm trong nước - Ảnh: Trần Mai |
Cụ thể, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 18g40 ngày 14-9 vị trí tâm bão số 3 đã đi vào phía trong đảo Lý Sơn và vùng tâm bão đang đổ bộ vào đất liền giữa Quảng Nam- Quảng Ngãi.
Thời điểm này ở đảo Lý Sơn ghi nhận được gió mạnh đầu cấp 8 (17m/giây), giật cấp 9 (20m/giây). Vùng gió mạnh và mưa lớn được ghi nhận tập trung ở phía Bắc của cơn bão (từ phía Bắc Quảng Ngãi trở ra Đà Nẵng)
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 14- 9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc - 109,2 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Thời điểm đó, hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to.
Như vậy, trong tối 14-9 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 4g ngày 15-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ vĩ Bắc- 107,7 độ kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
* Quảng Ngãi: Hơn 200 khách du lịch kẹt ở đảo Lý Sơn
Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều 14-9 tỉnh Quảng Ngãi còn 690 phương tiện với hơn 5.600 lao động vẫn còn đang hoạt động trên biển. Tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão.
Nhà bà Phạm Thị Tha ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi đang bị nước đe dọa - Ảnh: Trần Mai |
Tại huyện Lý Sơn vẫn còn khoảng 200 hành khách mắc kẹt do ảnh hưởng của bão số 3, tàu khách phải ngừng hoạt động.
* Thừa Thiên - Huế: Hơn 1.900 tàu cá đã vào bờ trú ẩn an toàn
Chiều 14-9, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã liên lạc và kêu gọi được hơn 1.950 tàu cá vào bờ trú ẩn an toàn.
“Tất cả các tàu cá với hơn 10.800 ngư dân của Thừa Thiên - Huế đã vào trú ẩn an toàn tại các âu thuyền trong tỉnh. Bộ đội biên phòng cấm tàu thuyền ra khơi. Hiện không còn tàu thuyền đánh bắt trên khu vực vùng biển Thừa Thiên - Huế” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đến chiều tối 14-9, Thừa Thiên - Huế vẫn có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được tại trạm Khe Tre là hơn 200mm, Thượng Nhật 170 mm, Kim Long 100mm, mực nước các sông đang ở mực báo động 1. Vùng ven biển Thừa Thiên-Huế có gió giật cấp 8, trong đất liền tại trạm Huế sức gió đo được giật cấp 6, có mưa to và giông, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
* Quảng Nam: Miền núi mưa trắng trời
Mưa trắng trời ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trưa 14-9 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG. |
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước từ đêm 13 đến chiều 14-9 mưa liên tục không ngừng.
Tại xã Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My) từ 10g sáng đã có mưa lớn. Tại công trường thi công cầu Trà Leng, do mực nước sông Leng lên nên nhiều công nhân phải di dời lán trại lên cao.
Trong khi đó, tuyến đường nối từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My có nhiều đoạn nước lên cao khiên xe cộ hạn chế qua lại tại các khe.
Tại hai khe Bản của xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My) dòng nước đục ngầu đã ngập trên cầu chừng 20cm trên mặt cầu vào lúc 12g15 khiến nhiều xe cộ không qua lại được.
Đến 17g, mưa lớn tiếp tục trút xuống Quảng Nam. Ngoài trời mây bao phủ dày đặc, đã bắt đầu xuất hiện gió giật mạnh.
Ghi nhận của PV, tại TP Tam Kỳ, ngoài đường dần vắng bóng các phương tiện lưu thông, các nhà dân đóng kín cửa chờ đợi. Nhiều trường học, trung tâm thương mại, cửa hàng cũng đã đóng cửa. Một số người dân đến tiệm tạp hóa mua mì gói, đèn cầy dự trữ.
Ban quản lý các công trình công cộng TP Tam Kỳ tiếp tục tăng cường lực lượng cắt cành cây xanh trên nhiều tuyến phố.
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng triển khai mọi biện pháp phòng, chống bão số 3.
Ngoài ra, yêu cầu các tàu thuyền chủ động neo đậu, chèn dây để chống bão. Người dân không được chủ quan, chủ động chèn chống nhà cửa, giảm thiểu thiệt hại khi Quảng Nam là địa phương bão trực tiếp đổ bộ vào.
Theo báo cáo nhanh Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến 14g ngày 14-9, Quảng Nam còn 107 tàu với 2.683 lao động đang hoạt động trên biển.
Phố cổ Hội An khẩn trương ứng phó với bão
Đến chiều 14-9, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), trời tiếp tục trút cơn mưa nặng hạt và gió bắt đầu mạnh dần lên. Để ứng phó với bão, cơ quan Phòng chống lụt bão Quảng Nam đã huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm hạn chế thiệt hại tối đa khi bão đổ bộ vào đất liền.
15g chiều, dọc tuyến đường biển An Bàng - Cửa Đại, gió giật mạnh tầm cấp 6, cấp 7 kèm theo mưa to và sóng biển mạnh. Nhiều cây xanh 2 bên đường và cây cảnh trước các khách sạn, resort bị gió quật bật gốc nằm ngả nghiêng.
Từ sáng sớm, không ít hộ dân sinh sống ven biển (thuộc 2 phường Cẩm An và Cửa Đại) nơm nớp lo sợ vì mái nhà lợp bằng tôn cứ tung bay phấp phới mỗi khi có gió biển ập vào.
Để giúp bà con yên tâm chống chọi với bão, chính quyền 2 phường đã tổ chức họp khẩn và ngay lập tức bắt tay trợ sức người dân chằng chống nhà cửa.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (Trưởng Ban chỉ huy PCLB TP), cho biết: “Mùa mưa bão nào, các chiến sĩ đến từ đơn vị Quân khu 5 cũng về các phường ven biển của Hội An giúp dân chống bão. Đến thời điểm hiện tại, công tác chằng chống nhà cửa ở khu vực biển gần như hoàn tất. Thành phố đang tổ chức di dời một số hộ dân thuộc diện đặc biệt nguy hiểm về nơi tránh bão an toàn”.
Nhân viên các khu resort, khách sạn vô cát chắn sóng - Ảnh: Thanh Ba |
Khách sạn, resort hối hả kè bờ biển
16g chiều, tại các resort, khách sạn đóng trên địa bàn phường Cửa Đại vẫn có rất đông nhân viên tập trung ở khu vực bờ kè và hối hả kè cát chắn sóng. Hàng trăm bao cát lớn nhỏ đã được chất đống như bức tường thành nhằm hạn chế sức công phá của sóng biển đang ngày một dữ tợn.
Mặc cho nước biển vỗ dồn dập vào bờ bắn tung tóe, những nhân viên của khách sạn Sunrise, Golden Sand vẫn cặm cụi xúc cát vào bao và dùng xe kéo vận chuyển đến sát vách bờ kè để ngăn nước biển khoét sâu.
Ngoài ra, để hạn chế sóng gió tàn phá bờ kè, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ven biển đã cho dựng các hàng rào sắt nhằm mục đích gia cố cho bờ kè. Thậm chí, hàng nghìn khối đá loại lớn cũng đã được vận chuyển đến để tăng cường sự chắc chắn cho những đoạn bờ kè nguy hiểm, có nguy cơ bị sóng biển quật sập.
Công ty môi trường công cộng TP Hội An ra quân phát quang cây - Ảnh: Thanh Ba |
Riêng đoạn bờ kè dài hơn 100 mét bên khách sạn Fusion thi công dang dở, hàng chục công nhân của Công ty xây dựng Toàn Cầu đang khẩn trương dùng các nắp đậy bằng bê tông phủ lên thành kè.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, nói: “Việc bảo vệ bờ kè sẽ giảm thiểu thiệt hại rất nhiều sau khi bão càn quét. Chúng tôi sẽ tiếp tục trực chiến 24/24 nhằm tiếp sức các doanh nghiệp vững tin chống bão”.
* Đà Nẵng: Phong tỏa, cấm đường qua cầu Thuận Phước
Bất chấp mưa gió, lực lượng vũ trang vẫn đưa tàu thuyền lên bờ - Ảnh: Đoàn Cường |
Đến khoảng 15g chiều 14-9, bất chấp mưa to, gió lớn, các lực lượng quân đội, công an, dân phòng đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã đưa hơn 200 tàu, thuyền lên bờ tránh bão. Dọc theo tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp… các tàu thuyền được để khá gọn gàng.
15g, hơn 20 chiến sĩ của các lực lượng vũ trang đã di chuyển chiếc tàu cuối cùng từ bãi biển Mân Thái lên bờ an toàn.
Có mặt tại bờ biển trên đường Hoàng Sa, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết: “Lực lượng gồm hải quân, bộ đội, công an và người dân đã dầm mưa suốt từ sáng đến chiều để di chuyển tàu, thuyền lên bờ an toàn. Do không khí khẩn trương nên anh em làm việc cả buổi trưa cho đến chiều thì hoàn tất”.
Cũng trong chiều cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đi thực tế khu vực di chuyển tàu thuyền lên bờ ở Mân Thái (Sơn Trà). Ông Thơ đánh giá cao việc địa phương khẩn trương đưa tàu thuyền đến nơi an toàn.
Cũng trong chiều nay, theo ghi nhận của PV, dọc theo vịnh Mân Quang, âu thuyền Thọ Quang, tàu, thuyền đều đã được neo an toàn. Chiều cùng ngày, thành phố Đà Nẵng đã cho phong tỏa, cấm đường qua cầu Thuận Phước do gió to, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Chiếc tàu cuối cùng đã được đưa lên bờ vào chiều 14-9 - Ảnh: Đoàn Cường |
Chiều 14-9, TP Đà Nẵng đã cho đóng đường qua cầu Thuận Phước - Ảnh: Đoàn Cường |
Trưa 14-9, tại TP Đà Nẵng có gió giật mạnh, mưa to - Ảnh: Đoàn Cường |
Đến trưa 14-9 mưa to, gió lớn vẫn tiếp tục diễn ra khiến việc đi lại, chi chuyển về nhà sau giờ tan tầm của người dân gặp nhiều khó khăn. Cây xanh ở nhiều tuyến đường gãy đổ.
Ghi nhận tại một số tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng…nhiều cây xanh gãy đổ xuống đường. Một số cây nằm chắn ra giữa lòng đường khiến xe cộ không thể di chuyển. Nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà dân được chằng chống.
Tại một số trường học, các phụ huynh đã được thông báo qua hệ thống tin nhắn để đưa con em về nhà ngay trong buổi sáng.
Đến thời điểm này, bên ngoài đường đã vắng bóng người, hầu hết nhà cửa người dân được đóng chặt.
Tại âu thuyền Thọ Quang, trên sông Phú Lộc… ngư dân đang khẩn trương gia cố, neo lại tàu thuyền. Nhiều tuyến đường hiện rất ít người qua lại do gió quá mạnh.
Một cây xanh gãy đổ trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng được nhiều người dọn dẹp để việc lưu thông xe cộ thuận lợi - Ảnh: Phan Thành |
Nhiều người di chuyển rất khó khăn bởi mưa rất to, gió lớn trên đường Bạch Đằng - Ảnh: Phan Thành |
Nhiều tuyến phố gió mạnh đã giật tung gốc cây - Ảnh: Đoàn Cường |
Trên đường Yên Khê nhiều cây cối đã bị ngã đổ - Ảnh: Đoàn Cường |
Ngư dân Đà Nẵng neo đậu lại tàu thuyền tránh bão - Ảnh: Đoàn Cường |
Theo Tuổi trẻ