Người trẻ mê thiết kế thời trang
Đời sống - Ngày đăng : 08:37, 15/09/2015
Năng động, phát huy được khả năng sáng tạo, nhiều cơ hội nghề nghiệp là những ưu điểm khiến nhiều bạn trẻ chọn nghề thiết kế thời trang.
Các nhà thiết kế tại Công ty TNHH Hòa Tiến thảo luận, đưa ra ý tưởng cho bộ sưu tập mới
Bước đầu phát triển
Những năm gần đây, thị trường may mặc tại Hải Dương đã đón nhận sự xuất hiện của nhiều hãng thời trang Việt Nam có tên tuổi. Vì vậy, người tiêu dùng đã biết đến thời trang thiết kế (TTTK). Chị Nguyễn Thị Huyền ở phố Minh Khai (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi thường mua và đặt hàng TTTK vì kiểu dáng độc đáo, đẹp và chất lượng bảo đảm, khác với hàng sản xuất hàng loạt thường có nhiều chi tiết lỗi, giá cả cũng không quá đắt".
Tạo nên những sản phẩm TTTK được nhiều khách hàng ưa chuộng này là công sức của những nhà thiết kế (NTK) thời trang. Theo chị Nguyễn Kim Thanh, Giám đốc sản xuất của nhãn hàng thời trang công sở YODY (Công ty TNHH Hòa Tiến), công ty có Phòng Thiết kế với 5 NTK và 2 thợ may mẫu, đều là những người chưa tới 30 tuổi. Các NTK sẽ đưa ra ý tưởng thiết kế cho các bộ sưu tập được công ty tung ra theo tháng, mang phong cách trẻ trung, năng động. Bạn Vũ Thị Hồng Nhung sinh năm 1990, NTK trẻ nhất của công ty cho biết: "Công việc của chúng tôi đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ, liên tục cập nhật xu thế mới, am hiểu xu hướng thị trường. Vì vậy, mỗi NTK của công ty không chỉ làm việc trong phòng vẽ mà còn tham gia bán hàng, nghiên cứu thị trường hằng tuần… Những công việc này giúp chúng tôi tiếp xúc và hiểu khách hàng, công việc kinh doanh hơn để lên ý tưởng cho mỗi bộ sưu tập mới". Theo bạn Nhung, mỗi tháng, Phòng Thiết kế sẽ đưa ra khoảng 200 ý tưởng, sau đó Ban Giám đốc công ty sẽ sàng lọc ra 20 mẫu tốt nhất để sản xuất và đưa ra thị trường. Từ những hiểu biết về khách hàng, về xu hướng thời trang mới, NTK được tự do sáng tạo với cảm hứng cá nhân. Khi mỗi thiết kế được chọn lựa để sản xuất, những NTK đều cảm thấy tự hào.
Chị Lê Thị Cẩm Hường ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết năm 2004, chị tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và theo đuổi nghề thiết kế đến nay. Hướng tới xây dựng nhãn hàng thời trang Zenda Poll cho riêng mình, chị đã hợp tác với các đơn vị như Trường Mầm non Sao Mai, Trường Mầm non song ngữ Việt Anh, Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương)… để thiết kế trang phục cho các bé trong các sự kiện do trường tổ chức. Khoảng 2 năm nay, chị thường nhận được đơn đặt hàng của khách với yêu cầu thiết kế trang phục dành cho những dịp sinh nhật, tổ chức lễ cưới hay các sự kiện trang trọng. “Với các đầm, váy yêu cầu thiết kế riêng, tôi thường tính công cao hơn một chút so với mức giá may chung. Ví dụ giá đầm, váy thông thường là 200.000 - 300.000 đồng/cái, thì đầm, váy tôi thiết kế ở mức 400.000 đồng/cái. Mức giá này gần như không tính công thiết kế, nhưng cách làm này đã giúp khách hàng dần quen với hàng thiết kế và nhận ra sự khác biệt về chất lượng so với hàng chợ hay hàng được sản xuất hàng loạt”, chị Hường nói.
Nhiều cơ hội nghề nghiệp
Chị Đoàn Anh Thư, một NTK tại Hải Dương cho biết các NTK thời trang hiện nay chủ yếu là những người học chuyên ngành thiết kế thời trang tại các trường chuyên nghiệp, số ít học các chuyên ngành liên quan đến vẽ, mỹ thuật, may và các chuyên ngành khác. Sinh viên sẽ được học một số môn học mỹ thuật và học vẽ, thành phần màu và khuôn dạng, các kỹ thuật cắt, trang trí, dựng kiểu. Ra trường, nhiều bạn đã lựa chọn làm việc tại những doanh nghiệp dệt may hay mở các cửa hàng tư vấn, định hướng may đo cho khách hàng. Vẽ đẹp và cắt may tốt chỉ là điều kiện cần để bắt đầu một công việc của NTK thời trang. Sống được với nghề cần sự sáng tạo, nền tảng kiến thức văn hóa và xã hội… để thổi hồn vào những bộ trang phục mình thiết kế. Công việc này mang lại thu nhập đủ để các bạn trẻ “sống được” bằng đam mê của mình. Ở Hải Dương, các NTK làm việc trong các doanh nghiệp có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Rất nhiều chủ nhân của các thương hiệu thời trang lớn vốn là NTK, sau quá trình làm việc tại các doanh nghiệp, nhãn hàng thời trang lớn, học hỏi được kinh nghiệm về thiết kế, nghiên cứu thị trường, kinh doanh… đã thành lập nhãn hàng thời trang của riêng mình.
Đam mê công việc thiết kế, nhiều bạn trẻ đã quyết tâm đi du học để hiện thực hoá giấc mơ của mình. Bạn Nguyễn Thị Huyền Vui quê xã Gia Lương (Gia Lộc) đang học ngành thiết kế thời trang tại Trường Đại học Quốc tế Hàn Quốc cho biết: “Trước đây, mình học Khoa Thiết kế thời trang tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau 3 năm làm việc trong ngành thiết kế, mình quyết định đi du học để được đào tạo về thời trang một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sau khi về nước, mình dự định mở nhãn hiệu thời trang riêng. Thời gian này, mình đang làm thêm bằng nghề thiết kế để trang trải một phần chi phí du học. Tuy con đường còn rất dài nhưng mình sẽ theo đuổi đam mê đến cùng”.
Ngày nay, khi nhu cầu và trình độ văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ của người dân được nâng cao thì nghề thiết kế thời trang càng khẳng định vị trí là môn nghệ thuật ứng dụng, đưa những sản phẩm thời trang đầy tính sáng tạo vào cuộc sống, góp thêm "hương sắc" cho đời.
VIỆT QUỲNH