Phòng chống bệnh giun sán trong trường học
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:10, 15/09/2015
Trong số này, có 4 triệu trẻ ở các trường mầm non, 6 triệu trẻ là học sinh tiểu học và 19 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh giun truyền qua đất do ba loại giun tròn gồm: giun đũa, giun móc và giun tóc gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội và vệ sinh kém.
Bên cạnh đó, các bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn cũng là một trong những bệnh rất phổ biến, chủ yếu là sán lá gan, sán phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, mèo... Đây là một loại bệnh mà hiện nay Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi do liên quan chặt chẽ với tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc gia cầm, các yếu tố về sinh thái và vệ sinh môi trường khó thay đổi của người dân. Riêng ở trẻ nhỏ hầu hết đều có giun. Nguyên nhân do trẻ vệ sinh kém, không được chăm sóc chu đáo, trẻ ham chơi, tay không sạch mút vào miệng, ngậm đồ chơi bám bụi bẩn, tay bẩn cầm bánh kẹo, ăn thức ăn không được nấu chín… Mặt khác, do ruồi nhặng bám vào chỗ bẩn, phân rác, rồi lại bám vào thức ăn mang theo trứng giun, từ đó trứng giun sẽ dễ dàng chui vào ruột trẻ và sinh sản rất nhanh. Có nhiều loại giun sán, nhưng trẻ thường hay bị giun đũa và giun kim. Ngoài ra, còn có nhiều loại khác như sán lá, sán dây và các loại giun chỉ, giun móc cũng có thể mắc ở trẻ con, nhưng ít hơn.
Các trường hợp này khi nhiễm bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính, dẫn đến các tác động nhiều mặt về sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. Có thể bệnh sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, học hành giảm sút... nhiều khi có biến chứng đe dọa tính mạng.
Biểu hiện chung của bệnh giun sán
Thông thường biểu hiện bệnh giun sán ở trẻ là tùy thuộc vào từng loại giun, sán khác nhau, tùy vào tỷ lệ và mức độ nhiễm bệnh trên cá nhân đó, vào giai đoạn gây nhiễm của giun sán là ấu trùng hay con trưởng thành, vào thể bệnh cũng như cơ quan liên quan. Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh giun sán là bệnh lý đường tiêu hóa không đặc hiệu, có thể đau bụng không điển hình, từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa thường là phân lỏng hoặc không tạo thành khuôn, thiếu máu thiếu sắt, móng tay biến dạng, kém ăn hay buồn nôn, nôn ra thức ăn, có khi nôn ra cả giun đằng miệng. Trường hợp giun nhiều có thể gây tắc ruột, giun di chuyển có thể vào ống mật gây tắc, sỏi… Ngoài ra, có thể gặp phản ứng ngứa, mề đay, suy nhược cơ thể… Đôi khi giun sán gây các biến chứng thủng ruột, tắc ruột, viêm đường ruột, đường mật…
Điều trị
Vì trẻ em có thể bị mắc nhiều loại nên phải thử phân xem nhiễm loại giun nào để chọn thuốc thích hợp, có tác dụng tốt nhất. Nên tẩy đúng lúc và chú ý liều lượng dùng phù hợp với từng nhóm tuổi. Tốt nhất cứ 6 tháng, chậm nhất là 12 tháng nên tẩy giun một lần.
Đối với các em đã tẩy giun rồi mà vẫn còn xanh xao, yếu, kém ăn, cần phải kiểm tra xem có nhiễm loại giun sán gì khác nữa không, hoặc có thể trẻ bị bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng, sơ nhiễm lao... để chữa trị cho đúng hướng. Thuốc điều trị phải có sự tư vấn, hướng dẫn của thầy thuốc.
Phòng ngừa
Để đề phòng bệnh giun sán, điều quan trọng là phải giữ gìn vệ sinh thân thể; vệ sinh ăn uống, thực hiện ăn chín, uống chín; không để trẻ lê la dưới đất; vệ sinh tay chân sạch sẽ, cắt ngắn móng tay, không đi chân đất. Quần áo của người mắc giun nên thay thường xuyên, ngâm nước sôi hoặc phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun. Phân của trẻ có giun cũng cần phải được xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thường xuyên rửa tay cho mình và cho trẻ bằng nước sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Đối với trường học, tổ chức chương trình tẩy giun hằng năm cho học sinh.
(Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh)