Xác định rõ khâu đột phá trong cải cách hành chính
Tin tức - Ngày đăng : 07:48, 05/10/2015
Năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã có sự cải thiện tích cực khi tăng cả điểm số và thứ hạng, với điểm số tổng hợp đạt 58,63 điểm, tăng 2,26 điểm, tăng 10 bậc lên xếp thứ 31 trong cả nước và tăng 3 bậc lên xếp thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Chất lượng điều hành cũng đã chuyển từ nhóm trung bình năm 2013 lên nhóm khá trên bản đồ PCI của cả nước. Đây là thứ hạng tốt nhất của tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây (kể từ năm 2009). Điều này phản ánh những cố gắng của chính quyền trong việc tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Điều đó cũng thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bước sang nhiệm kỳ mới 2015-2020, quyết tâm trên tiếp tục được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thể hiện rõ trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với nhiều mục tiêu nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới nền hành chính công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch"; tập trung xây dựng và thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa" tại UBND các cấp trong tỉnh; triển khai thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp theo các Nghị định của Chính phủ; tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác cải cách tài chính công...
Tuy nhiên, với khá nhiều mục tiêu được đề ra, nhưng dự thảo mới chỉ nêu các mục tiêu chung chung, chưa có mục tiêu nào được chọn là bước đột phá nhằm tạo chuyển biến trong CCHC. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chưa đề xuất được các nhóm giải pháp căn bản, mang dấu ấn riêng của tỉnh để định hướng cho công tác CCHC trong nhiệm kỳ tới.
Từ kinh nghiệm cải cách TTHC mạnh mẽ của một số ngành thuế, hải quan trong thời gian vừa qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ nền hành chính công. Trong đó, tỉnh nên chọn một khâu đột phá, hoặc đối với từng quy trình nên chọn một khâu quan trọng để cải cách triệt để. Ví dụ, nên tập trung tạo chuyển biến hoàn toàn trong cải cách TTHC để thu hút đầu tư; hoặc áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong các giao dịch tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cho nhân dân... Cùng với chọn các khâu, các bước đột phá, tỉnh nên có giải pháp CCHC đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua các giải pháp đầu tư tập trung, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ...
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng đã đề ra một mục tiêu tiến bộ trong đẩy mạnh CCHC là xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC ở phạm vi cơ quan, đơn vị. Đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công và hiệu quả của công tác CCHC. Do đó, bên cạnh mục tiêu, tỉnh nên quy định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành đối với nhiệm vụ CCHC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể. Kết quả thực hiện CCHC nên là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu bộ phận, cơ quan, đơn vị.
NGUYỄN THANH HÀ
(phường Ngọc Châu, TP Hải Dương)