Con dâu lười
Đời sống - Ngày đăng : 12:19, 05/10/2015
Con trai chuẩn bị cưới vợ, bà Thảo mừng thầm: Có con dâu ắt sẽ có thêm người đỡ đần sớm tối.
Ông Thư, chồng bà cũng mừng lắm, mừng vì con trai trưởng thành, lấy được người mình yêu, mừng vì bà Thảo sẽ có người chợ búa, cơm nước thay. Từ ngày cô con gái lớn đi lấy chồng, mọi việc nội trợ trong nhà đều đến tay bà. Gần đây cái bệnh đau xương đau khớp cứ hành hạ bất thường khiến bà Thảo hay than thở, cáu bẳn vô cớ mà những việc lặt vặt trong nhà thì bà vẫn không thể không động vào.
Khi Ngọc mới về làm dâu, bà Thảo giữ ý lắm. Bà chỉ sợ mình nói gì không phải sẽ làm con dâu phật ý, rồi nghĩ mẹ chồng khó tính, thành ra mẹ con ác cảm với nhau. Nghĩ Ngọc cũng như con gái mình, chân ướt chân ráo về nhà người lạ ở, sinh hoạt chưa quen, giờ giấc và khẩu vị chưa hợp, chồng lại vắng nhà nên bà để cô được thoải mái chứ không bắt phải thế này phải thế kia. Ngọc lại tưởng bố mẹ chồng dễ tính nên cứ sống theo sở thích của mình. Hằng ngày, khi mặt trời chiếu vào cửa sổ thì cô mới tỉnh giấc. Thấy con dâu ngủ dậy muộn, bà Thảo không dám đánh thức. Ông bà rủ nhau đi bộ tập thể dục rồi quay về nấu ăn sáng mà Ngọc vẫn chưa dậy. Bà lấy lồng bàn đậy lại phần con dâu nhưng con dâu cũng không ăn. Sau vài lần như thế, bà Thảo không để phần Ngọc nữa bởi bà biết cô không thích ăn sáng ở nhà mà chỉ thích ra quán để ăn cho tiện.
Công việc của Ngọc khá nhàn nhã, chỉ làm giờ hành chính, cơ quan cách nhà có vài cây số nhưng nhiều buổi trưa cô không thích về nhà mà ở lại ăn cơm hộp với mấy chị nhà xa và tán chuyện. Cô không bận tâm đến việc bố mẹ chồng ăn uống thế nào. Thậm chí, bà Thảo cơm nước tinh tươm, hai ông bà ngồi chờ thì con dâu mới gọi điện về báo cắt cơm đột xuất. Ông bà chỉ biết nhìn nhau, thở dài. Bà Thảo chắc mẩm con dâu sẽ về sớm nấu hộ bữa cơm tối nhưng nhiều hôm, rời cơ quan là Thảo tạt chỗ này một tí, rẽ chỗ kia một tí, khi thì mua sắm quần áo, khi vào quán gội đầu, lúc thì tạt về nhà đẻ hay cùng bạn bè đi uống cà phê... thành ra bà Thảo vẫn phải vào bếp.
Từ ngày có Ngọc về, bà Thảo còn phải tranh thủ thời gian buổi tối để giặt quần áo bởi bà không nhanh tay thu gom, phân loại cái nào giặt tay, cái nào giặt máy thì Ngọc sẽ tống hết vào máy giặt. Sau khi cái áo dài nhung của bà bị bợt vì Ngọc cho vào máy, bà tiếc đứt ruột. Bà góp ý thì Ngọc thản nhiên: “Mẹ ơi, thời nay cái gì cũng dùng máy móc cho tiện, để giải phóng sức lao động mà, nếu quần áo hỏng thì may cái mới”. Thế là, mặc dù có con dâu nhưng bà Thảo vẫn phải kiêm việc đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, còn ông Thư kiêm việc lau nhà, quét sân. Lâu dần ông bà nhận thấy con dâu mình lười nhưng muốn chấn chỉnh cũng ngại. Ông bà cũng không dám phàn nàn với con trai vì sợ con không yên lòng khi công tác ở xa. Bà Thảo hy vọng khi có con, Ngọc sẽ thay đổi tâm tính.
Nào ngờ, từ khi sinh con, cái tính lười của Ngọc vẫn không hề thuyên giảm. Chồng được nghỉ phép ngày nào là ngày đó Ngọc trút hết việc chăm con cho chồng. Ban đêm, hễ con khóc, đòi ăn là Ngọc đánh thức chồng dậy pha sữa. Thương vợ, sợ vợ mất ngủ sẽ mệt mỏi nên chồng Ngọc thức ôm con cho vợ ngủ, nếu không dỗ được con nín thì anh lại bế sang cho mẹ. Con Ngọc cai sữa cũng là lúc nó “cai mẹ” luôn. Bà Thảo trở thành “bà mọn” vì bà vừa phải cho cháu ăn, vừa phải tắm rửa và cho cháu ngủ. Ngọc cứ vô tư như thời còn son rỗi.
Hôm nay không hiểu trái gió, trở trời thế nào mà bà Thảo thấy hai đầu gối của mình đau buốt không nhấc nổi chân. Ông Thư lo lắng quá gọi điện cho Ngọc về đưa bà Thảo đi viện nhưng Ngọc bảo: “Con đang dở làm tóc, làm xong con sẽ về ngay”. Ông đành gọi điện cho con gái. Nhìn cảnh mẹ nằm viện mà vẫn phải đút cho cháu ăn, ôm cháu vào lòng ru ngủ, con gái bà Thảo xót ruột, trách mẹ: “Mẹ chỉ tự mình làm khổ mình thôi. Người ta có con dâu thì được nhàn hạ, đằng này...”. Bà Thảo năn nỉ: “Thôi! Mẹ xin con! Nói khẽ chứ kẻo người ta nghe thấy lại cười cho. Bao giờ ra viện mẹ sẽ không ôm đồm mọi việc nữa”. Bây giờ bà Thảo mới nghiệm ra rằng cái sự lười và ỷ lại của con dâu một phần cũng do mình. Giá như ông bà đừng quá nuông chiều con dâu thì có lẽ Ngọc đã chăm chỉ và đảm đang hơn.
TRẦN THỊ LÀNH