Cơ hội mới cho một học sinh giỏi
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 04:01, 06/10/2015
Thí sinh Đỗ Tuấn Cường (ở xã Nam Hồng, Nam Sách) đạt 27,5 điểm nhưng không được nhận vào Học viện An ninh nhân dân vì không đủ tiêu chuẩn chính trị...
Cường cùng cô giáo và bạn bè ngày tốt nghiệp THPT
Cả gia đình suy sụp
Ông Đỗ Huy Thung, bố Cường làm nghề nông, chỉ cấy vài sào lúa, cộng thêm nghề phụ sửa chữa đồng hồ. Bà Trần Thị Hường, mẹ Cường là nhân viên Trạm Y tế xã Nam Hồng. Thu nhập của 2 vợ chồng chẳng đáng là bao khi các con đang tuổi ăn tuổi học. Anh trai lớn của Cường năm nay đã học năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng. Nếu Cường học một trường đại học không có trợ cấp của Nhà nước như anh mình thì một khoản chi phí lớn hằng tháng của 2 anh em sẽ không biết trông chờ vào đâu. "Tôi tính sơ sơ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, sinh hoạt phí, rồi học phí của 2 đứa nó trên đất Thủ đô thì ít cũng phải 3,5 triệu - 4 triệu đồng/tháng. Nếu Cường mà trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân (HVANND) thì chúng tôi bớt đi một gánh nặng kinh tế. Hơn nữa sau này ra trường cũng đỡ phải lo việc làm cho cháu", ông Thung phân trần. Vì vậy mà vợ chồng ông đã định hướng cho con nộp hồ sơ vào trường này.
Là một học sinh giỏi và ngoan, Cường nghe theo lời bố mẹ. Em luôn cố gắng học tập và rèn luyện để có thể thực hiện ước mơ thi đỗ vào HVANND.
Ngày 27-8, giấy báo nhập học của HVANND gửi về tận nhà. Nhưng chỉ vài ngày sau, gia đình em lại nhận được thông báo của công an địa phương về lý lịch của gia đình không đủ tiêu chuẩn chính trị để vào học trường này. Niềm vui đỗ đại học của Cường vừa nhen nhóm đã bị dập tắt. "Em như từ trên đỉnh cao rơi xuống vực vậy", Cường buồn bã.
Ông Đỗ Huy Thung nói: "Chưa hoàn cảnh nào khiến tôi phải rơi nước mắt nhưng lần này tôi thực sự thấy ân hận và thương con". Chán nản, Cường đã tìm đến bạn bè, thầy cô chia sẻ ý định lên Hà Nội làm gia sư, sau Tết sẽ về ôn thi lại mặc dù biết thi lại sẽ kéo theo nhiều vấn đề.
Nói về em Đỗ Tuấn Cường cậu học trò cưng của mình, cô Nguyễn Thị Hài, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của em nhận xét: "Cường là học sinh giỏi toàn diện, luôn đứng tốp đầu của lớp, là học sinh giỏi tỉnh môn toán từ năm lớp 9 đến lớp 12. Em rất ngoan, thường giúp đỡ bạn bè, thích tham gia các phong trào tập thể". Ông Nguyễn Hữu Nhuận, hàng xóm của Cường cũng khen: "Cường ngoan mà chịu khó học lắm. Cái phòng học của nó cứ thắp điện cả đêm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy bố mẹ cháu phải nhắc nhở nó về chuyện học hành cả".
Dù đủ điểm trúng tuyển nhưng không đủ điều kiện chính trị, Cường vẫn không được xét vào Học viện An ninh nhân dân |
Cơ hội thứ hai
Sau bao đêm không ngủ, ông Thung nghĩ: Nếu vào được HVANND thì gia đình sẽ giảm bớt một phần chi phí cho con, lại không lo "đầu ra". Nhưng mình phải tuân thủ pháp luật và các quy định của ngành. Hơn nữa, các trường đại học vẫn đang tiếp tục tuyển các đợt nguyện vọng bổ sung, nghĩa là vẫn còn cơ hội cho con. Trước thực tế không thể thay đổi được, ông Thung đã bàn với vợ con rồi chủ động lên HVANND báo cáo sự việc và xin rút hồ sơ chuyển Cường sang xét tuyển ở trường khác. Hành trình đi từ cơ quan này đến cơ quan khác, từ trường này đến trường khác, thậm chí lên cả Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) rất vất vả. Nhưng lúc đó sức mạnh tinh thần đã khiến hai bố con quên mệt. Với cách làm việc cởi mở, không bỏ phí nhân tài, Bộ GDĐT cũng như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo điều kiện hết mức cho Cường được vào học chuyên ngành tự động hóa. Đến đây Cường và gia đình như trút bỏ được gánh nặng đeo bám hàng tháng trời. Mọi sinh hoạt lại dần trở về quỹ đạo. Bố mẹ Cường vẫn đồng hành cùng em trên con đường mới với lời dặn dò: "Vào học trường nào không quan trọng. Vì nếu con có trí tuệ, đạo đức thực sự thì đi đâu, làm gì cũng là cống hiến cho xã hội. Lúc nào cũng phải là một người bản lĩnh, tự tin". Hiện nay Cường đã nhập học được vài ngày và đang bắt đầu hòa nhập với cuộc sống của một tân sinh viên.
Những năm trước, các trường trong ngành công an điều tra lý lịch thí sinh trước khi thi nhưng năm nay thí sinh nộp hồ sơ vào các trường rồi mới điều tra lý lịch. Điều đó khiến cho nhiều thí sinh và gia đình không nắm rõ các quy định hoặc không nắm rõ hết lý lịch của chính gia đình mình sẽ gặp nhiều bất lợi. Không được xét tuyển vào HVANND là điều nuối tiếc, nhưng vào Trường Đại học Bách khoa học tập lại là một cơ hội mới đối với Cường. Và tôi tin vào điều mà cha mẹ em đã dặn em: chỉ cần có tài, có đức thì dù đi đâu, làm gì, chắc chắn cũng sẽ là người có ích cho xã hội.
HÀ ĐAN