“Tự hoại” sẽ thành “tự hại”

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:20, 07/10/2015

Thời gian qua, hoạt động xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng phát triển rất nhanh chóng.

Từ thành thị đến nông thôn, nhà ở được xây dựng khang trang, hiện đại. Nếu như trước đây khi xây dựng nhà ở, người ta chỉ chú ý đến chỗ ở là chính, thì hiện nay các công trình phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh... lại rất được quan tâm. Hàng loạt khu vệ sinh công cộng ở các thành phố cũng không còn. Ðội quân chuyên thu gom phân ở thành phố đem về quê làm phân bón cũng bị xóa sổ. Thay cho các hố xí công cộng là công trình vệ sinh khép kín tự hoại ngay trong nhà ở của mỗi gia đình. Việc thay đổi này đối với thành phố là cần thiết và hợp lý. Vì ở thành phố có quy hoạch, tất cả nước thải đều được thoát ra bên ngoài theo hệ thống chung đưa đến nơi xử lý. Còn ở nông thôn, những năm trước đây đa phần các gia đình đều xây dựng hố xí hai ngăn, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có thêm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Hiện nay, ở nông thôn mặc dù vẫn rất cần phân bón cho cây trồng, đất không đến nỗi quá thiếu, hệ thống thoát nước thải không có nhưng người dân vẫn đua nhau xây dựng công trình tự hoại như ở thành phố.  

Công trình vệ sinh tự hoại giúp sinh hoạt gia đình tiện lợi hơn. Nhưng công trình tự hoại chỉ phù hợp khi nó được kết nối với hệ thống thoát và xử lý nước thải một cách đồng bộ. Còn đối với vùng nông thôn do đặc thù nhà cửa xây dựng không theo quy hoạch, ao hồ bị san lấp rất khó có thể xây dựng được hệ thống thoát nước thải đồng bộ. Vậy thì nước thải trong các gia đình sẽ chảy về đâu? Tập trung và xử lý như thế nào?

Ở những vùng nông thôn có nhiều ao hồ, gần sông ngòi, khi xây dựng các công trình vệ sinh theo kiểu tự hoại, nước thải từ các hộ cứ tự do đổ thẳng vào ao hồ, sông ngòi theo quy luật "nước chảy chỗ trũng”, không ai quản lý. Kết quả là nhiều vùng nông thôn hiện nay ao hồ đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Còn đa số các gia đình ở những vị trí không có chỗ thoát nước thì đành phải xử lý tự hoại theo kiểu đào hố chôn “tự thấm". Hậu quả là đất trong hầm tự hoại sau một thời gian sử dụng bão hòa nước, nước không có lối thoát sẽ “tức nước vỡ bờ” thấm lên các khe nứt ngay trong khuôn viên nhà ở. Lúc này rõ ràng công trình “tự hoại” lại biến thành "tự hại”.    

Bây giờ mà bàn tới chuyện xây dựng “hố xí hai ngăn” như ngày xưa thì khó có ai chấp nhận mặc dù công trình này đối với nông thôn xem ra vẫn còn có nhiều ưu điểm. Ðiều cơ bản là làm sao có được mô hình nhà vệ sinh phù hợp với điều kiện cho từng vùng nông thôn để tận dụng nguồn phân bón hữu cơ giá trị, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường lâu dài.

Chuyện tưởng là nhỏ nhưng không nhỏ chút nào. Nông thôn vốn là vùng quê yên bình, môi trường trong sạch giờ đây đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền và nhất là các ngành chức năng như môi trường, xây dựng, khoa học... cần sớm vào cuộc để tìm ra lời giải cho bài toán không hề đơn giản này.

VĂN QUÝ(Gia Lộc)