Chuyển biến tích cực trong xử lý chất thải
Môi trường - Ngày đăng : 06:09, 11/10/2015
Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng)
Nâng công suất, chất lượng xử lý nước thải
Theo ông Phạm Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang, cả 3 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung của 3 khu công nghiệp (KCN) Nam Sách, Tân Trường và Phúc Điền đều sử dụng công nghệ và thiết bị của Đức với tổng đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Các nhà máy này được vận hành bởi 3 trạm trưởng đều là kỹ sư chuyên ngành môi trường và 15 công nhân vận hành được đào tạo đạt chuẩn. Nhà máy XLNT ở KCN Phúc Điền (Cẩm Giàng) đã nâng công suất xử lý từ 1.000 m3/ngày đêm thành 1.500 m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý của KCN này từ loại B (QCVN 40:2011/BTNMT) trước đây đến nay đã đạt tiêu chuẩn loại A theo yêu cầu do xả vào hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Vừa qua, nhà máy XLNT giai đoạn 2 đã đi vào hoạt động, nâng tổng công suất xử lý của cả 2 giai đoạn đạt 2.000 m3/ngày đêm. Việc XLNT được thực hiện theo quy trình chặt chẽ là nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt ở từng nhà máy được doanh nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn ở mức C trước khi đổ vào hệ thống đường ống nước thải chung của KCN, sau đó tiếp tục xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn mức A trước khi xả vào hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. KCN Nam Sách cũng đã có nhà máy XLNT tập trung công suất 3.000 m3/ngày đêm, xử lý nước thải đạt mức B.
Nhiều chủ đầu tư hạ tầng KCN khác cũng tích cực nâng cấp, cải tạo hệ thống XLNT hiện có nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng xử lý.
Trước đây, KCN Lai Vu (Kim Thành) có một nhà máy XLNT nhưng đầu tư dang dở vì những vướng mắc kéo dài liên quan đến khiếu kiện của người dân. Sau khi những khó khăn trong thu hút đầu tư từng bước được tháo gỡ và KCN này được bàn giao về tỉnh quản lý, Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu (chủ đầu tư hạ tầng) xác định cần sớm xây dựng hệ thống XLNT chung cho KCN. Hiện nay, công ty đang chuẩn bị đầu tư một nhà máy XLNT với tổng công suất 6.600 m3 nước thải/ngày đêm, dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Giai đoạn 1 của nhà máy có mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, công suất xử lý 2.000 m3/ngày đêm, gồm các hạng mục chính như ống thu gom, 2 trạm bơm trung chuyển, hệ thống XLNT gồm 9 cụm bể. Doanh nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ đưa nhà máy XLNT giai đoạn 1 vào hoạt động. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trong KCN Lai Vu cũng đã có hệ thống XLNT riêng đang hoạt động như Công ty TNHH Dệt Facific Crystal, Công ty TNHH May Tinh Lợi.
Năm 2013, Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài (chủ đầu tư hạ tầng của phân khu phía tây KCN Phú Thái, Kim Thành) đã đưa vào sử dụng nhà máy XLNT giai đoạn 1 với công suất xử lý 350 m3 nước thải/ngày đêm. Tháng 8 năm nay, công ty tiếp tục cải tạo nhà máy này nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu xử lý nước thải. Hiện nay, nước thải xả ra môi trường sau xử lý của KCN đạt mức A. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài cho biết: "Công ty đang tiếp tục đầu tư một nhà máy XLNT mới với mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, công suất xử lý 1.500 m3/ngày đêm, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp mới sẽ vào sản xuất, kinh doanh tại đây".
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trong số 10 KCN đã thành lập có 7 KCN cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 7 KCN này có 5 KCN (Nam Sách, Đại An, Phúc Điền, Tân Trường, Việt Hòa - Kenmark) và phân khu phía tây KCN Phú Thái có nhà máy XLNT tập trung đã hoạt động với tổng công suất thiết kế 11.000 m3/ngày đêm. Các KCN nêu trên XLNT đầu ra đạt tiêu chuẩn theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đa số đã đạt loại A.
Công ty TNHH May Tinh Lợi thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải
Tích cực xử lý chất thải rắn, trồng cây xanh
Các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong KCN cũng quan tâm thu gom, xử lý chất thải rắn, đầu tư hệ thống xử lý khí thải, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường. Đa số các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN đã lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, bố trí khu vực lưu giữ chất thải rắn theo quy định, làm hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải rắn với đơn vị có chức năng. Nhiều nhà máy có phát sinh khí thải đã đầu tư hệ thống xử lý. Một điển hình trong bảo vệ môi trường ở KCN là Công ty TNHH May Tinh Lợi. Công ty này vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường biểu dương là điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015. Công ty có 2 dự án đầu tư ở KCN Nam Sách và KCN Lai Vu. Bà Phạm Thị Nghĩa, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự của công ty cho biết: Đối với rác thải rắn, người lao động đều phân loại rác tại nguồn. Chất thải rắn được phân loại riêng thành chất thải thông thường và chất thải nguy hại, sau đó được lưu trữ ở kho riêng. Trong rác thải thông thường cũng phân thành 2 loại là rác có thể tái chế và rác không thể tái chế. Cả rác thông thường và rác thải nguy hại đều được công ty thuê một doanh nghiệp thu gom, xử lý theo đúng quy định. Doanh nghiệp còn có một đội ngũ giám sát riêng về vấn đề vệ sinh môi trường.
Hệ thống cây xanh để hạn chế bụi, tiếng ồn, điều hòa không khí cũng được các chủ đầu tư hạ tầng KCN, nhiều doanh nghiệp thứ cấp quan tâm đầu tư. Tại các KCN Nam Sách, Tân Trường, Phúc Điền, cây xanh được bố trí từ 10-15% tổng diện tích mỗi khu, gồm cây hai bên đường và các khu trồng tập trung, vừa bảo đảm cảnh quan, vừa hướng tới mô hình "nhà máy - công viên". Ông Vũ Đắc Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án KCN Tân Trường cho biết: Theo quy hoạch, hệ thống cây xanh, bồn hoa và mặt nước chiếm trên 15% diện tích của KCN Tân Trường. Toàn KCN đã trồng được hơn 13 ha cây xanh. Nhiều khu vực đã trồng thành các dải cây xanh từ 7-10 hàng cây. Trên 12 km đường nội bộ của KCN đã trồng gần 5.000 cây bóng mát hai bên vỉa hè.
MINH ANH - THÀNH LONG