Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới

Tin tức - Ngày đăng : 10:34, 14/10/2015

Dân vận không chỉ là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn thu hút nhân dân vào việc hoạch định chủ trương, chính sách đó.



Hằng quý, Thường trực Tỉnh ủy giao ban với MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh


Dân vận là một trong những công tác cơ bản có tính chất chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vai trò to lớn, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Bác Hồ đã dạy: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, công tác dân vận của hệ thống chính trị ở tỉnh ta tiếp tục có nhiều bước chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả thiết thực. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Chương trình số 42-CT/BDVTW, ngày 28-2-2011 của Ban Dân vận Trung ương và “Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về công tác dân vận”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 06-CT/BDVTU ngày 25-5-2011 về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”, trong đó có nội dung “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận, đồng thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương để lãnh đạo triển khai thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và cấp ủy cơ sở duy trì tốt giao ban tháng, quý với các ban xây dựng Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách. Hệ thống dân vận các cấp đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên trách theo quy định của Trung ương. Các cấp ủy đều phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ ở cấp mình làm Trưởng Ban Dân vận; cấp ủy cơ sở phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm Trưởng Khối dân vận; chi bộ thôn, khu dân cư phân công đồng chí Bí thư Chi bộ trực tiếp làm tổ trưởng tổ dân vận.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 140-QĐ/TU ngày 15-3-2011 quy định về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn MTTQ, Đảng đoàn các đoàn thể tỉnh với tập thể lãnh đạo và Đảng ủy cơ quan, các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 2-8-2011 về “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011 - 2015”. Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới. Chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đã được nâng lên, hướng mạnh về cơ sở; phát huy tốt chức năng tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, quan tâm chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể phát động. Triển khai thực hiện hiệu quả bước đầu các quyết định của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể; quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Vận động nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cơ sở và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Chính quyền các cấp tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác dân vận của chính quyền; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung chỉ đạo, triển khai Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp gồm 18 sở, ngành, 12 huyện, thị xã, thành phố và 265 xã, phường, thị trấn. Các cấp chính quyền chủ động phối hợp với MTTQ, các đoàn thể rà soát, bổ sung, triển khai thực hiện tốt các quy chế phối hợp hoạt động; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác dân vận; định kỳ tổ chức làm việc với lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để đánh giá kết quả phối hợp, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân; đồng thời, thông tin những chủ trương, chính sách, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Việc lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở được cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên đã huy động được nguồn lực to lớn của nhân dân tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, các xã đã huy động ngân sách địa phương, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, góp tiền, góp công sức. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm vào cuộc với nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đồng bộ và quyết liệt. Công tác vận động, tuyên truyền được chú trọng, tạo sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là các công trình nước sạch, đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trụ sở xã, các thiết chế văn hoá…


Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với MTTQ tỉnh tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: TC

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Tuy nhiên, công tác dân vận tỉnh ta trong 5 năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Một số cấp uỷ đảng chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến công tác dân vận. Công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng nhân dân, nhất là các vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Công tác dân vận ở các cơ quan nhà nước còn chuyển biến chậm; dân chủ ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được thực hiện tốt và đầy đủ; nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế. Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể có nơi còn hình thức, sự phối hợp hoạt động giữa MTTQ, các đoàn thể với chính quyền, các cơ quan nhà nước có nơi, có việc chưa chặt chẽ, thường xuyên. Một số phong trào thi đua yêu nước hiệu quả còn thấp. Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội mới chỉ đạt được kết quả ban đầu. Việc phản biện xã hội mới mang tính đối thoại, trao đổi, kiến nghị; kết quả phản biện chưa rõ nét…Việc lấy ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội vào một số dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến lợi ích và nghĩa vụ của đông đảo quần chúng nhân dân ở một số cơ quan còn hạn chế…

Phát huy truyền thống 85 năm công tác dân vận của Đảng nhằm góp phần thiết thực vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp uỷ đảng, cơ quan, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 25 - NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" và Chương trình hành động số 37 - CTr/TW, ngày 20-8-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết; Quyết định 139 - QĐ/TU, ngày 15-3-2011 về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh.

Đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư về "Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp". Chú trọng cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc có liên quan đến nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển các hình thức tập hợp quần chúng theo tinh thần Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-1-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".

Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và các phong trào, cuộc vận động xã hội do MTTQ, các đoàn thể phát động. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác dân vận; chú trọng biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận và các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng, có chính sách thu hút người có năng lực, uy tín và kinh nghiệm trong công tác dân vận. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Coi trọng việc bồi dưỡng phát huy vai trò người có uy tín trong từng thôn, khu dân cư.

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Do đó, trước hết phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về mặt nhận thức, trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; triển khai thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Mỗi tổ chức cán bộ, đảng viên phải thực sự chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, mục đích, quy trình, nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận trong giai đoạn mới, tạo sự đồng bộ, hiệu quả thiết thực hơn nữa trong công tác dân vận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

VŨ VĂN SƠN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy