Chị tôi

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:02, 17/10/2015




Minh họa: Văn Hà


Chuyến xe khách Nam-Bắc chạy suốt ngày đêm, xuyên qua rừng rậm núi cao cùng thành phố, làng mạc. Nhưng tôi nào có để ý. Ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Gọi là tốc hành nhưng lại chậm như rùa bò. Xe dừng, đỗ liên tục đón trả khách. Nhìn tốc độ xe chạy, tôi muốn quát vào mặt người lái xe hoặc muốn đập phá một cái gì đó cho nguôi cơn tức giận. Nhưng rồi tôi lại thấy mình thật vô lý. Tốc độ xe chạy là do ngành giao thông quy định, người lái xe chấp hành tốt như thế, tại sao tôi lại bực với anh ta. Cũng bởi tôi lo không kịp về gặp mặt chị Phượng. Ngoài tình ruột rà, tôi và chị Phượng còn là đôi bạn tri kỷ. Chiều qua mẹ tôi gọi điện vào bảo: "Con thu xếp về ngay. Chị Phượng bệnh nặng lắm. Chưa chắc qua khỏi".  Không suy nghĩ đắn đo, tôi vội thu xếp hành trang. Tôi điện cho giám đốc xin phép nghỉ không lương, thời gian chưa ấn định cụ thể. Ông giám đốc níu kéo: "Một tuần thôi nhé. Công việc ngập đầu ngập cổ. Cô biết đấy. Tôi lấy ai lấp vào chỗ cô bây giờ?". Tôi vâng đại. Suốt đêm tôi ngồi chờ sáng. Trời vẫn còn mờ tối tôi đã vội xách túi lao thẳng ra bến xe. Bến xe vắng ngơ ngắt. Hành khách lèo tèo vài ba người đi lại tỏ vẻ sốt ruột. Chắc họ cũng như tôi. Dăm chàng xe ôm ngồi vắt vẻo trên yên xe mời mọc rối rít: "Em đi đâu? Lên xe anh đây. An toàn tuyệt đối. Giá rẻ bất ngờ". Có chàng còn chạy ra cầm tay tôi kéo lại. Bực bội vì bị làm phiền, tôi gắt gỏng: "Tôi lên thiên đàng". Anh ta nịnh rất điệu nghệ: "Được chở người đẹp thì dẫu có xuống chín tầng địa ngục anh cũng sẵn sàng". Tôi đâu còn tâm trí nghe những lời trêu ghẹo, bước vội lên chiếc xe khách vừa xịch đỗ, bỏ lại sau lưng tiếng cười như súng bắn của mấy chàng xe ôm.

Chị Phượng và tôi là hai chị em cùng cha khác mẹ. Chị Phượng là con bà cả. Bà mất lúc chị mới lên hai. Mười năm sau bố mẹ tôi mới gặp nhau và sinh ra tôi. Thành thử chị Phượng hơn tôi tới 14 tuổi. Vì yêu chồng nên mẹ tôi thương chị Phượng như con đẻ. Nếu tình cảm có thể cân đo đong đếm được thì mẹ tôi yêu chị Phượng hơn. Ngày bé tôi thường đành hanh tranh giành tị nạnh mọi thứ với chị. Lần nào tôi cũng thắng. Và lần nào tôi cũng bị mẹ mắng. Tốt nghiệp cấp 3, chị Phượng xin đi bộ đội. Chị nói: "Con đi theo nghiệp của bố". Bố tôi từng làm phiên dịch trong "khách sạn Hin-tơn" Hà Nội, sau chuyển về cơ quan viết sử quân đội. Bố mẹ tôi ngăn cản quyết liệt lắm. Nhất là mẹ tôi. Con đường mẹ tôi vạch sẵn cho chị như sau: Học kinh tế quốc dân, sau này sẽ về cơ quan bà công tác. Mẹ tôi là giám đốc một xí nghiệp hẳn giúp được chị rất nhiều. Nhưng mặc cho bố mẹ tôi nói, chị Phượng vẫn giữ nguyên ý định của mình. Mẹ tôi nói dỗi: "Hay chị không vừa ý điều gì với tôi, với cái Hoa?". Phượng hoảng sợ: "Thưa mẹ, con đâu dám nghĩ sai về tình thương yêu của mẹ, của em Hoa dành cho con. Chỉ riêng chuyện mẹ về làm bạn với bố con cũng đủ để con quỳ xuống lễ mẹ ba lạy rồi. Đất nước có chiến tranh, thanh niên chúng con tạm gác chuyện học hành. Sau này thống nhất lo gì". Thế là chị Phượng của tôi ra đi. Đó là nửa cuối năm 1972.

Ngày đất nước thống nhất, gia đình tôi đón chị Phượng trên chiếc xe lăn. Bao nhiêu nước mắt của mẹ tôi đã đổ xuống. Chính chị lại là người an ủi mẹ tôi: "Thế này là may mắn lắm rồi mẹ ạ. Rất nhiều đồng đội của con hiện còn nằm lại nơi góc rừng, ven suối nữa cơ". Đồng đội của Phượng kể lại rằng chị bị thương trong một trận chiến đấu nhằm bảo vệ thương binh rút lui an toàn. Một mảnh đạn M19 xuyên qua bụng, găm chặt vào giữa hai đốt sống ngang thắt lưng. Chị bị bắt cùng với cây súng đã hết đạn. Tên cố vấn người Mỹ nói với người phiên dịch: "Hãy nói cho người đẹp biết nếu đầu hàng sẽ được chạy chữa. Bằng không thì...". Gã phiên dịch chưa kịp dịch lại thì Phượng đã quát vào mặt tên chỉ huy bằng tiếng Anh rất chuẩn: "Không bao giờ. Tao thà chết". Quá bất ngờ và nể phục, tên chỉ huy cho bác sĩ cấp cứu Phượng. Rồi Phượng lần lượt qua hết nhà tù này đến nhà tù khác. Mãi đến ngày giải phóng miền Nam.

Tôi sinh ra khác thế hệ của chị Phượng. Tạm coi như vậy. Tôi sống trong vòng tay âu yếm của gia đình và bạn bè. Chiến tranh không còn đọng lại chút gì trong tâm trí tôi. Tôi lớn lên thừa hưởng nhiều điều may mắn. Cứ như mơ. Còn Phượng, quá khứ như căn phòng đóng cửa. Rất hiếm khi chị nói về mình. Tôi biết được mọi điều là chắp vá qua những lời kể của bố mẹ tôi và bạn bè, đồng đội của chị. Hình ảnh Phượng cứ chập chờn choán hết tâm trí tôi suốt dọc đường từ Nam ra Bắc. Thật lạ kỳ, khi ý thức được rằng sẽ vĩnh viễn mất Phượng, tôi mới hiểu chị cần thiết cho tôi biết nhường nào. Từ lâu chị đã là người nâng đỡ tâm hồn chông chênh thoắt vui, thoắt buồn của tôi. Gia đình tôi thuộc diện khá giả trong thị trấn. Mọi nhu cầu của con cái được thỏa mãn tới mức thừa thãi. Một dàn vi tính đắt tiền được tặng riêng cho chị Phượng. Nhưng tôi biết tính Phượng, mọi vật chất đối với chị đều vô nghĩa. Phượng khát khao được đi, được giao lưu, được chạy nhảy, được làm việc và được cả ban phát, dâng hiến nữa. Phượng vốn là người hào phóng và ưa hoạt động. Chả thế, hồi còn học phổ thông chị luôn là thủ lĩnh các phong trào trong nhà trường. Bởi vậy Phượng rất khổ tâm khi phải nhận những gì người khác ban cho. Nhất là lòng thương hại. Cuộc sống của chị đóng khung trong bốn bức tường và chiếc máy vi tính. Về sau mẹ tôi mua thêm máy in, máy photocoppy để chị mở cửa hàng. Cũng là để chị vui với công việc hằng ngày thôi. Quả thật chị có vui hơn trước. Khách hàng vào ra tấp nập. Có người mỗi ngày ra vài lần. Vì lẽ gì chỉ có họ mới biết.

Những lúc rỗi rãi, qua ô cửa sổ trước nhà, Phượng thường ngắm bức tượng bán thân cô Mạc Thị Bưởi đặt trên đài cao trong vườn hoa ủy ban thị trấn. Người con gái miền sông nước Kinh Thầy ngẩng cao đầu nhìn về phía trước. Tà áo cánh nâu bị gió thổi bạt về phía sau lẫm liệt. Gương mặt cô Bưởi trong sáng, tự tin. Hình như Phượng đang tâm sự điều gì đó cùng cô Bưởi. Tôi thấy Phượng yêu cô Bưởi như yêu chính tuổi trẻ của mình. Da diết và xót đau. Mỗi ngày qua đi, khi bóng bức tượng hắt xuống trước sân nhà tôi, Phượng như được xoa dịu vết thương. Chưa khi nào tôi nghe chị phàn nàn hay bi quan về cuộc sống hiện tại của mình.

Người khách hàng thường xuyên của Phượng là anh Thắng. Anh bị thương vào ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lập gia đình chưa được bao lâu vợ anh lại mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Hiện anh đang là trưởng phòng hành chính ở một trường cấp 2. Sau nhiều lần ra cửa hàng, Phượng và Thắng có vẻ mến nhau, rồi thân nhau. Lúc Phượng buồn có anh an ủi. Khi Phượng vui có anh cùng chia sẻ. Tôi thường lảng tránh những buổi hai người gặp nhau. Tôi nhanh chóng nhận ra trong mắt Thắng luôn có lửa mỗi lần nhìn Phượng. Dịu dàng và mãnh liệt. Tha thiết và mênh mông. Tôi không cảm thấy buồn khi mình bị thừa thãi trong suốt buổi nói chuyện. Một bận tôi thấy Thắng cầm tay Phượng thì thầm: "Hãy cho anh được quan tâm tới em nhé. Anh sẽ cưới em làm vợ. Nếu em không phản đối". Tôi suýt phì cười vì cái lối tỏ tình theo kiểu hành chính của Thắng. Chị Phượng của tôi nào có điều gì phản đối đâu. Phượng mong. Bố mẹ tôi mong. Tôi cũng mong chị có đôi có lứa, có một tổ ấm cho riêng mình. Tôi tin chị Phượng sẽ nhận lời như tin rằng hai bàn tay mình có mười ngón. Nào ngờ... Phượng se sẽ lắc đầu và khóc: "Em không còn gì để mang lại hạnh phúc cho anh...". Thắng vội ngắt lời: "Hãy nhận của anh trước đã". Thực lòng Phượng cũng rất yêu anh. Nhưng chị lại không muốn ai hy sinh vì mình. Nó nhẫn tâm làm sao ấy. Mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của Phượng không cập được bến bờ hạnh phúc. Sau này tôi hỏi chị: "Tại sao chị lại từ chối tình yêu chân thành của anh Thắng?". Phượng buồn rầu trả lời: "Vẫn biết tình cảm ấy là thật. Nhưng không thể được. Ngoài vết thương nhìn thấy trên người, trong cơ thể chị còn chứa rất nhiều chất độc da cam. Những đứa con được sinh ra sau này nếu không bị dị tật cũng là quái thai. Chị sẽ làm khổ anh Thắng. Và chất thêm gánh nặng cho xã hội vốn đã quá tải rồi. Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau. Mình chị chịu đựng là đủ". Nghe chị tâm sự lòng tôi buồn se sắt. Nước mắt chỉ chực trào ra.

Người ta thường nói "khép lại quá khứ". Vâng, "khép" chứ không phải "quên". Quên sao được khi hằng ngày hằng giờ bố mẹ tôi, chị Phượng tôi và bao nhiêu người khác nữa vẫn va chạm, vẫn phải gồng mình lên tự xoa dịu vết thương chiến tranh. Hòa bình được mấy chục năm rồi mà thần chết của cuộc chiến vẫn rình rập bước vào căn nhà hạnh phúc của chúng tôi. Và bây giờ "nó" đã tới mang chị Phượng đi. Hồi còn ở nhà, nhiều lúc tôi bắt gặp chị Phượng ngồi tựa lưng vào chiếc xe lăn, lặng lẽ nhìn ra ngoài. Đôi mắt chị như muốn thu giữ tất cả. Ánh ngày muộn nhạt màu. Bức tượng cô Mạc Thị Bưởi sừng sững trong sân đầy hoa. Vầng trăng đầu tháng cong vút, mong manh như con thuyền trôi nổi giữa bầu trời đang chuyển dần. Hoàng hôn thị trấn yên tĩnh. Chị nói chuyện với tôi nhiều hơn.

Thế là chị Phượng không còn nữa. Cái chết của Phượng khiến những ai quen biết và cả những người chỉ nghe về quãng đời đã trải qua của chị cũng phải sững sờ thương tiếc. Mẹ tôi kêu khóc đến khản đặc tiếng. Bà vật vã bên cỗ quan tài sơn đỏ. Trên khuôn mặt nhăn nheo, bạc thếch vì sự tàn phá của thời gian giàn giụa nước mắt. Nỗi đau tột cùng của người đầu bạc đưa tiễn kẻ đầu xanh về cõi vĩnh hằng. Hằn sâu trong đáy mắt mẹ tôi là khoảng trống vắng, ngơ ngác. Có lẽ bà không tin đó là sự thật. Thi thoảng cái giọng khản đặc ấy lại yếu ớt ơ hờ gọi tên chị Phượng. Bố tôi suốt buổi câm nín. Nơi khóe mắt ông chầm chậm lăn xuống từng giọt nước to tròn đùng đục. Hình như hôm nay bức tượng cô Bưởi cũng khác. Đầu cô hơi cúi xuống. Vạt áo cánh nâu như bị gió thổi mạnh hơn. Mắt cô buồn rượi, ướt sượt. Cô Bưởi nói điều gì? Nếu Phượng còn sống, hẳn chị sẽ hiểu được. Người con gái đẹp nhất phố huyện, chưa một lần yêu, thanh thản nằm trong cỗ quan tài. Hai tay Phượng lồng vào nhau đặt ngang bụng, chân duỗi thẳng, mắt khép hờ. Dường như Phượng đang chờ đợi một điều gì đó diệu kỳ đến với mình.

Tôi nhớ có lần tôi hỏi: "Chị Phượng này, sao chị biết nhiều thế?". Phượng cười âu yếm: "Bởi chị không đi được nên có nhiều thời gian suy ngẫm những điều người đi được bỏ qua". Giờ đây mất Phượng, tôi thấy mình bơ vơ đơn lẻ. "Ngoài ba mươi tuổi em mới tập suy nghĩ độc lập. Chị Phượng ơi!".

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN