Hiệp định TPP liệu có "ưu ái" với ngành dệt may Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 17/10/2015
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may 888 (Tổng công ty May 10)
ở Quảng Xương, Thanh Hóa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tuy nhiên, công nghệ lạc hậu, sản xuất nguyên phụ liệu yếu cộng thêm nguồn vốn hạn hẹp là nguyên nhân khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam trở nên dè dặt, thiếu tự tin khi đặt chân vào sân chơi mới.
Mặc cho một chương trình đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đã được chạy “rốtđa” cách đây đã lâu nhưng trước quy định ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa thì những điểm yếu dường như đang làm khó doanh nghiệp dệt may.
Nỗi lo của doanh nghiệp
Gặp gỡ chúng tôi trong một buổi chiều thu nắng vàng, khóe mắt bà Trương Thị Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân (Doximex) lộ rõ vẻ phấn chấn trước niềm vui với thông tin đã hoàn tất công việc đàm phán TPP.
Là đơn vị đầu tiên và duy nhất đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura và Công ty cổ phần thương mại SanShin (Nhật Bản), Doximex luôn tự hào với hơn 80% sản phẩm xuất khẩu cùng khối lượng dây chuyền máy móc được đầu tư mới. Tuy nhiên, bà Hà không giấu được sự lo lắng trước công nghệ hiện đại, trình độ quản lý được đào tạo bài bản và nguồn vốn dồi dào của các doanh nghiệp FDI.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) chia sẻ, khi tham gia TPP, cơ hội xuất khẩu mở ra cho Việt Nam để cán mốc từ 36-38 tỷ USD trong năm 2020 sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không đơn giản nếu doanh nghiệp phải đáp ứng đủ nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ nội khối cao.
Minh chứng cho vấn đề này thể hiện qua việc cả nước có 5.028 doanh nghiệp dệt may, nhưng trong số này chỉ có 604 doanh nghiệp phụ trợ cho ngành. Còn lại hơn 4.000 doanh nghiệp là may mặc có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi cung ứng.
Cùng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, mặc dù là thị trường sát nách nhưng ngành dệt may của Trung Quốc đã “đi tắt đón đầu” từ rất lâu nên máy móc giờ đang là giai đoạn sinh lời.
Ấy vậy mà không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn "u ơ" với khái niệm tham gia Hiệp định TPP. Điều này đã gây ra sức ép cạnh tranh không nhỏ lên ngành dệt may Việt Nam.
Không chỉ vậy theo ông Trường, có 80% nguyên phụ liệu sản xuất là nhập khẩu và sản xuất mang nặng tính gia công, 60% thị trường xuất khẩu trong tay các doanh nghiệp FDI thì việc đầu tư vào chuỗi nguyên phụ liệu càng khiến các doanh nghiệp trong nước không khỏi đau đầu trước các “hòn đá tảng.” Đó là chưa kể đến làn sóng dịch chuyển công xưởng may mặc, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí sản xuất ở Trung Quốc đắt lên.
Theo đại diện Bộ Công Thương, ngành dệt may muốn đầu tư vào nguồn nguyên liệu phải có các vùng nguyên liệu cả ngàn hécta. Tuy nhiên, đây lại là thách thức từ chính sân nhà bởi nhiều địa phương không khuyến khích phát triển dệt may do ô nhiễm môi trường nên không sẵn sàng dành quỹ đất lớn.
Hơn nữa, việc tuyển chọn lao động, nhất là các lao động ngoài ngành may cũng không dễ. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng khác như khả năng xử lý môi trường… cũng là trở ngại lớn của ngành dệt may. Do vậy, nếu ngành dệt may không tự giải quyết được những bài toán này thì thị trường xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết TPP yêu cầu cao về xuất xứ là thách thức đối với doanh nghiệp dệt may vì xuất phát điểm của ngành dệt may đang yếu trong khâu nguồn tức là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt may như vải, nhuộm… phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất trong nước và những nhà sản xuất nguyên phụ liệu, tận dụng thành phẩm để làm nguyên liệu cho dệt may.
Không để lấn sân
Khó lại chồng khó vì khi tham gia vào TPP, doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với bảng chào thuế cần được cắt giảm nhanh và mạnh mới tạo được lợi nhuận đủ lớn, bởi bản chất của cắt giảm thuế là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà mua hàng. Việc cắt giảm thuế mạnh trong giai đoạn đầu là một yếu tố kích thích quan trọng để mọi người đổ dồn về Việt Nam.
Cùng đó là quy tắc xuất xứ phải có tính khả thi cao, nếu không thì bản thân quy tắc xuất xứ và thủ tục để chứng minh quy tắc xuất xứ sẽ trở thành rào cản lớn trong việc thực thi hiệp định. Ngoài ra, là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Tổng tư lệnh Tổng công ty May 10 bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, TPP đối với doanh nghiệp cơ hội và thách thức ngang nhau. Trước những yêu cầu xuất xứ, cơ hội là tăng áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam, sẽ phải "cứng" trên thị trường của mình, không phụ thuộc vào nước ngoài.
Vì vậy, lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải tập trung con người, đầu tư công nghệ và đầu tư thời gian để nghiên cứu, đầu tư tự sản xuất ra sản phẩm của mình. Nếu không làm được TPP sẽ là một thách thức, các Tập đoàn xuyên quốc gia có vốn 100% nước ngoài sẽ chú ý đến cơ hội này.
Cũng theo bà Huyền, khi nội dung của Hiệp định dần sáng tỏ, biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ Hiệp định tại Việt Nam thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Do lực của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cách rất xa lực của doanh nghiệp Việt Nam, nếu không cẩn thận thì việc hưởng lợi từ TPP sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Do đó, Nhà nước cần nhiều chính sách hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để tạo sân chơi bình đẳng, tránh tình trạng doanh nghiệp nhỏ sẽ chết yểu ngay chính sân nhà.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên cũng thừa nhận, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang bị xem là thấp, chỉ bằng 30% của Malaysia, 40% của Thái Lan. Đơn cử như cùng sản phẩm áo Polo, 1 lao động Việt Nam chỉ may được 12 chiếc/ngày, còn lao động Trung Quốc là 25 chiếc.
Điều này cho thấy giá trị gia tăng của ngành thấp (25% doanh thu xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận 5-10%, 70% đơn thuần là cắt may), nhưng để chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, đòi hỏi phải có đầu tư lớn cả về nguồn công nghệ và nhân lực.
Xuất phát từ nguyên do này, ông Dương kiến nghị Nhà nước phải có hướng hỗ trợ cho ngành dệt may về vốn vay lãi suất thấp hoặc không lãi để doanh nghiệp dệt may có thể chủ động trong nguồn cung tại chỗ. Cùng đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cho ngành để mở rộng cửa hơn nữa cho nước ngoài đầu tư vào dệt nhuộm và hoàn tất rút ngắn thời gian phụ thuộc vào nước khác.
Ông Phạm Xuân Trình , Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho hay, v ới bốn sản phẩm chủ lực là sợi, vải, khăn bông, sản phẩm gia dụng, may mặc, Phong Phú đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các thị trường trong nội khối TPP.
Có chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may đáp ứng được xuất xứ từ sợi của TPP, doanh nghiệp không chỉ chủ động tự cung trong toàn chuỗi của mình mà còn có cơ hội để xuất khẩu và cung ứng nguyên vật liệu cho thị trường may mặc Việt Nam thông qua việc đầu tư mở rộng nhanh, mạnh, có hiệu quả các dự án đầu tư mới, nhất là đầu tư vào khâu dệt nhuộm.
Đặc biệt, để tận dụng những lợi thế từ TPP một cách hiệu quả hơn, Phong Phú đang tăng cường liên kết chặt chẽ với các công ty may mặc trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam và một số doanh nghiệp may mặc khác để tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành nên nhân rộng mô hình liên kết để tạo ra nguồn vốn lớn cũng như đổi mới năng lực quản lý và trình độ công nghệ sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nội đứng vững trước các đối thủ lớn.
Đưa ra một lời khuyên với doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp dệt may muốn tận dụng hiệu quả cao nhất từ TPP cần phải hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối và có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu.
Cùng đó, các doanh nghiệp cũng không nên tận dụng TPP như một cứu cánh để phát triển trong ngắn hạn mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
Mặt khác, các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ này để tích lũy tiềm lực mọi mặt để xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự chứ không nên coi TPP là liều thuốc tiên vĩnh cửu và yên tâm ngủ quên trên những ưu đãi thuận lợi trước mắt.
Theo TTXVN