Tù mù mỹ phẩm handmade

Đời sống - Ngày đăng : 11:07, 19/10/2015

Các loại mỹ phẩm handmade được rao bán trên mạng hay tại các cửa hàng thời trang hiện nay đều là sản phẩm trôi nổi, không được phép lưu thông trên thị trường.




Mỹ phẩm handmade được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook


Đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, lại được quảng cáo “sản xuất từ nguyên liệu 100% thiên nhiên, không chất bảo quản, không gây hại” nên nhiều năm gần đây, mỹ phẩm handmade (mỹ phẩm tự chế) được rao bán tràn lan trên mạng, thậm chí còn xuất hiện trong các cửa hàng bán mỹ phẩm tại Hải Dương.

Đủ loại

Dạo qua các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin quảng cáo về mỹ phẩm handmade rất cuốn hút: “Tất cả các sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, không có chất bảo quản, không hóa chất độc hại. Sản phẩm an toàn, gần gũi với tất cả mọi người, tiết kiệm và đặc biệt là đem đến hiệu quả bất ngờ”. Cùng với lời quảng cáo này, các loại mỹ phẩm handmade được rao bán rất đa dạng, phong phú. Tìm đến 53 Bắc Kinh (TP Hải Dương), một địa chỉ bán son handmade được giới thiệu trên Facebook, tôi gặp người bán hàng tên Tú. Chị Tú nhiệt tình giới thiệu: “Em cam đoan với chị đây là son em tự làm. Nguyên liệu 100% từ thiên nhiên như dầu dừa, bơ cacao, vitamin E, trà xanh, sáp ong… nên son đánh lên rất mềm, mướt, hồng môi tự nhiên. Các bạn đến mua đều quay lại vì son vừa đẹp, giá cả lại hợp lý”. Tại đây, mỗi thỏi son có giá từ 60.000-100.000 đồng.

Bạn Nguyễn Hải Như ở xã Cẩm La (Kim Thành) bán mỹ phẩm handmade trên mạng xã hội từ hơn nửa năm nay. Các loại son môi, kem che khuyết điểm, phấn má, kem nền, kem trắng da toàn thân, mặt nạ, nước hoa handmade… được nhập từ nhiều nguồn và bán với giá chỉ từ 75.000-130.000 đồng/sản phẩm.

Không chỉ được rao bán trên mạng xã hội, mỹ phẩm handmade còn xuất hiện tại một số cửa hàng thời trang ở TP Hải Dương. Chị Phạm Ngọc Châu, chủ cửa hàng Ngọc Châu tại chợ Thanh Bình cho biết, cửa hàng có bán son handmade do người nhà của chị làm với giá rẻ “giật mình” 20.000 đồng/thỏi. Chị bảo đảm dù giá rẻ nhưng son được làm thủ công, không gây hại hay có tác dụng  phụ đối với người dùng. Nhìn trên thỏi son không có bất cứ thông tin nào cho biết ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu cũng như tên, số điện thoại hay địa chỉ sản xuất. Tôi tỏ ý lo ngại và dò hỏi địa chỉ cũng như số điện thoại của người làm thì chị Châu nói không biết.



Son handmade 20.000 đồng/thỏi tại chợ Thanh Bình


Không được phép lưu thông


Xuất hiện tràn lan, nhưng hiệu quả làm đẹp của mỹ phẩm handmade thì chỉ có người sử dụng mới biết. Bạn Nguyễn Thị Huệ làm việc tại MobiFone Hải Dương cho biết: “Mình đang sử dụng mặt nạ trà xanh handmade. Nhiều bạn bè của mình cũng sử dụng và không thấy có vấn đề gì. Mình nghĩ sản phẩm làm từ thiên nhiên sẽ an toàn hơn các sản phẩm sử dụng nhiều hóa chất”. Khác với Huệ, bạn Nguyễn Thị Oanh ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: “Mình có sử dụng son handmade một lần nhưng son lâu trôi, khó lau sạch. Sau khi lau xong môi bị thâm chứng tỏ son rất nhiều chì, từ đó mình không dùng nữa. Mình nghĩ do không có gì bảo đảm về quy trình sản xuất cũng như chất lượng nên mỹ phẩm handmade không an toàn như lời quảng cáo”.

Trao đổi với chúng tôi về chất lượng của mỹ phẩm handmade, ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương cho biết: “Thực tế khoa đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp tổn thương da do sử dụng mỹ phẩm, không ít trường hợp sử dụng mỹ phẩm handmade. Những sản phẩm đó không hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên, bởi sẽ có những thành phần được tổng hợp từ hóa học như chất xúc tác, hương liệu và đặc biệt là chất bảo quản. Những người tự làm mỹ phẩm handmade vừa không có chuyên môn, không cơ quan nào kiểm định quy trình sản xuất nên không thể khẳng định được chất lượng của các sản phẩm này”.

Ông Phạm Hữu Thanh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) cho biết, theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 25-11-2011 quy định về quản lý mỹ phẩm thì các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, buôn bán mỹ phẩm cần phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN) tức là phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP, có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ… Khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Như vậy, các loại mỹ phẩm handmade được rao bán trên mạng hay tại các cửa hàng thời trang hiện nay đều là sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được phép lưu thông trên thị trường. Người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc, hạn sử dụng, công dụng, xuất xứ rõ ràng để tránh “tiền mất, tật mang”.

VIỆT QUỲNH