Thiếu vắng những cây bút trẻ

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 13:01, 19/10/2015

Đội ngũ sáng tác trong các lĩnh vực văn học, sân khấu, lý luận phê bình hiện nay đang bị “lão hóa” ngày một trầm trọng.




Các tác giả thơ hiện nay chủ yếu là người lớn tuổi


Nguyên nhân khiến người trẻ không tha thiết với lĩnh vực này đến từ cả hai phía: bản thân người cầm bút và sự tiếp nhận của xã hội.

Khoảng trống đáng buồn

“Viết văn, làm thơ hiện nay chưa trở thành một nghề thật sự, khiến người viết sống được bằng tác phẩm như nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc... nên số lượng người viết trẻ ít ỏi là điều dễ hiểu”.

Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, nơi quy tụ đông đảo những cây bút tâm huyết với sáng tác văn chương, có tính chuyên nghiệp tương đối cao hiện có hơn 200 hội viên. Từ nhiều năm nay, trong các buổi họp hành, sinh hoạt của hội, những mái đầu xanh luôn ít hơn đầu bạc, vì tuổi bình quân của hội viên hiện nay là 65. Tuổi bình quân của các cây bút sáng tác văn học, sân khấu, lý luận phê bình, nghiên cứu văn nghệ dân gian còn cao hơn nữa vì những người trẻ nhất của hội nằm ở các Ban sân khấu (đội ngũ diễn viên, ca sĩ) và mỹ thuật, nhiếp ảnh. Hằng năm, hội vẫn tổ chức kết nạp hội viên mới nhưng rất ít trong số đó là những người viết trẻ.

Trước thực trạng này, đội ngũ những người đi trước hết sức lo lắng, băn khoăn. Nhà thơ Phú Ninh bày tỏ: “Hầu hết các tác giả thơ, văn xuôi chúng tôi đều bắt đầu bước vào tuổi 70. Ở lứa tuổi này, sức khỏe cũng như khả năng sáng tác giảm sút so với trước rất nhiều. 70 tuổi là chúng tôi được quyền miễn tham gia các buổi sinh hoạt chung tại hội, trong khi lớp trẻ kế cận chẳng có mấy người. Đây là một sự thật đáng báo động, nếu không cải thiện được thì chỉ dăm năm nữa sẽ chẳng còn mấy tác giả, tác phẩm”.

Khả năng sáng tạo của con người thường dồi dào nhất trong độ tuổi từ thiếu niên tới trung niên, còn bước qua lứa tuổi đó, năng lực sáng tác cũng bị "lão hóa". Những người trẻ tuổi là những người cảm nhận được hơi thở của thời đại bằng lăng kính của những người đương thời, những người đang trực tiếp xây dựng, làm nên xã hội hiện tại và cả tương lai, nên không gì có thể thay thế được tiếng nói của họ về thời đại của chính mình. Sự thiếu vắng những cây bút trẻ khiến cho số lượng các tác phẩm mang tính đột phá, tươi mới thực sự hiếm hoi.

Hiện nay, số lượng những người tham gia sáng tác, đặc biệt là sáng tác thơ rất hùng hậu nhưng chủ yếu mang tính chất... phong trào, chất lượng không cao. Trong tỉnh hiện có rất nhiều câu lạc bộ (CLB) thơ, từ cấp xã, phường, thị trấn tới cấp huyện, tỉnh, các ngành, song chủ yếu là nơi giao lưu của những người đã về hưu. Ông Bùi Bá Tuân, Chủ nhiệm CLB Thơ tỉnh Hải Dương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, CLB hiện có hơn 600 hội viên, là CLB thơ có quy mô thuộc diện lớn nhất tỉnh nhưng đa phần hội viên là người cao tuổi. Mục đích của các CLB này là động viên, khuyến khích, tạo sân chơi cho những người yêu thơ nên việc nâng tầm chất lượng tác phẩm cũng như tạo đội ngũ tác giả trẻ cũng không thể trông cậy ở những sân chơi này.

Nguyên nhân từ sự thờ ơ

“Nguồn tác giả trẻ hiện nay không thiếu nhưng họ không nhiệt tình tham gia sáng tác. Hầu hết đó là những người công tác trong các lĩnh vực khác, khi còn trẻ phải tập trung vào công việc chuyên môn ở cơ quan, công việc gia đình, lo kiếm sống và phấn đấu cho sự nghiệp nên không có thời gian sáng tác. Viết văn, làm thơ hiện nay chưa trở thành một nghề thật sự khiến người viết sống được bằng tác phẩm như nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc... nên số lượng người viết trẻ ít ỏi là điều dễ hiểu”, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết.

Chỉ là công việc “tay trái”, chủ yếu duy trì bằng niềm đam mê chứ không thể trông chờ vào thu nhập nên những người trẻ khó lòng theo đuổi con đường sáng tác vì họ còn phải dồn thời gian, tâm sức vào công việc khác để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Mức thù lao dành cho các tác phẩm không tương xứng cũng là một nguyên nhân khiến người trẻ không mặn mà với công việc sáng tác vì cảm thấy không được ghi nhận xứng đáng. Tác giả Lê Thị Dự chuyên nghiên cứu văn nghệ dân gian ưu tư: “Chúng tôi thực hiện một công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian mất hàng năm trời với rất nhiều công sức, kết tinh nhiều kiến thức, tâm huyết nhưng nhuận bút cao nhất cũng chỉ được 10 triệu đồng. Những người già, đã về hưu thì mới có thể làm được vì có nhiều thời gian và không quá lo lắng tới việc kiếm tiền. Còn người trẻ không muốn làm là chuyện đương nhiên”.

Sáng tác VHNT là một loại hình hoạt động rất đặc thù mà kinh phí, vật chất chỉ là yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, điều cần thiết nhất là sự đón nhận của công chúng, xã hội để khuyến khích tinh thần người sáng tác hiện nay cũng đang giảm sút. Những người trẻ đến với sáng tác VHNT, nuôi dưỡng được lòng ham viết đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, điều mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Chị Trần Phương Hạnh, tác giả kịch bản sân khấu trẻ hiếm hoi của tỉnh ta hiện nay tâm sự: “Kịch bản sân khấu viết ra hiện không có nhiều nơi sử dụng, nhuận bút lại không tương xứng với công sức bỏ ra nên nhiều khi người sáng tác cảm thấy chạnh lòng. Các sân khấu lớn thường 1-2 năm mới dựng vở mới một lần để đi hội diễn nên thường chọn kịch bản của những tác giả lão thành cho “an toàn”, các tác giả trẻ hầu như không có cơ hội thể hiện. Mặc dù có thể sáng tác các vở kịch dài nhưng tôi không dám mơ tác phẩm của mình được đưa lên sân khấu nên bây giờ chủ yếu tôi viết các vở kịch ngắn 30 phút, kịch phát thanh, kịch cho các sân khấu không chuyên”.

Không bị giới hạn bởi việc đến với công chúng như tác phẩm sân khấu, ngày nay các tác phẩm VHNT khác có thể tiếp cận nhanh chóng với độc giả thông qua internet. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là hoạt động sáng tác VHNT không còn được coi trọng, tôn vinh nhiều trong xã hội.

Để tăng cường đội ngũ tác giả trẻ, Hội VHNT tỉnh đã và đang chú trọng tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia các hoạt động của hội như mỗi năm mở một lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, xây dựng chuyên trang dành cho tác giả trẻ trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương, tổ chức cho hội viên trẻ đi thực tế sáng tác. Trong thời gian tới, hội sẽ thành lập Ban tác giả trẻ để đẩy mạnh hoạt động của hội viên trẻ và tìm kiếm, bồi dưỡng tác giả trẻ chưa phải là hội viên để kết nạp. Tuy nhiên, để những người trẻ có năng khiếu sáng tác đi theo con đường này thì bản thân họ phải có niềm say mê thực sự, có khát vọng sáng tạo và chấp nhận những hy sinh nhất định.

VIỆT HÒA