Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:38, 20/10/2015
Trên những cánh đồng của huyện Cẩm Giàng, cảnh bà con nông dân cặm cụi cắt lúa đã dần được thay thế bằng những chiếc máy gặt đập liên hợp.
80% diện tích lúa ở huyện Cẩm Giàng được gặt bằng máy
Mấy năm trở lại đây, mỗi khi đến mùa gặt, trên những cánh đồng của huyện Cẩm Giàng, cảnh bà con nông dân cặm cụi cắt lúa đã dần được thay thế bằng những chiếc máy gặt đập liên hợp. Việc vận chuyển thóc cũng được thay thế bằng xe máy hay các loại máy móc khác.
Ông Nguyễn Đình Sinh ở thôn An Điềm A (xã Cẩm Định) vừa phóng xe máy ra đầu bờ chuẩn bị đón chiếc máy sang gặt 1 sào lúa muộn cho biết: “Bây giờ nông dân đi gặt nhàn như đi chơi, chỉ việc phóng xe máy cầm bao ra rồi đợi chở thóc về”. Gia đình ông Sinh có 4 người thì 3 người đi làm công ty, còn lại một mình ông cáng đáng 5 sào ruộng. Trước đây, mỗi khi đến mùa vụ, dù lúa đã chín nhưng ông đều phải chờ đến ngày chủ nhật để huy động lực lượng đi gặt, nếu không một mình ông vất vả cũng phải mất gần chục ngày mới xong. “Bây giờ có máy gặt chẳng phải lo người gặt, nếu lúa chín cả thì chỉ nửa buổi sáng là xong”, ông Sinh chia sẻ.
Cách ruộng nhà ông Sinh không xa, bà Nguyễn Thị Liên cũng vừa gặt xong hơn 2 sào lúa bằng máy. Ngồi bên những bao thóc chờ người ra chở về, bà Liên vui vẻ cho biết: “Trước đây, tôi chỉ cấy 5 sào nhưng từ ngày có máy, tôi đã xin thêm 1,2 mẫu ruộng của các hộ khác để cấy. Ngày trước làm thủ công vất vả lắm, bây giờ tuy nhiều ruộng nhưng từ làm đất đến thu hoạch đều bằng máy nên nhàn hơn rất nhiều. Thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn, đỡ phải lo đến thời tiết mưa bão hay muộn thời vụ”. Do có một mình, lại không biết đi xe máy nên khâu vận chuyển thóc cũng được bà Liên thuê công nông trở về với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/chuyến tuỳ ruộng gần hay xa.
Trên cánh đồng thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), 3 chiếc máy gặt đập liên hợp cỡ lớn cũng đang chạy ầm ầm trên những ruộng lúa đã chín. Bà Nguyễn Thị Nỷ đang nhìn về phía chiếc máy gặt đập liên hợp cho biết: “2 sào ruộng nhà tôi gặt chỉ mười lăm, hai mươi phút là xong và chỉ việc chở thóc về, rồi mấy hôm nữa ra vơ rơm để gieo cà rốt”. Gia đình bà Nỷ có 3 người, cấy 5 sào ruộng nhưng chỉ có 2 vợ chồng làm nông nghiệp, tuổi lại cao nên thường phải thuê gặt. Theo bà Nỷ, nếu thuê nhân công gặt 2 sào lúa phải mất gần 500.000 đồng, chưa kể tiền thuê máy tuốt lúa. Còn thuê máy gặt thì chỉ mất 300.000 đồng, giảm được một nửa chi phí mà lại rút ngắn được thời gian. Năm 2014, thôn Văn Thai hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cũng tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Trên một khu đồng khác cũng thuộc thôn Văn Thai, các loại máy làm đất, máy lên luống, gieo hạt cà rốt cũng đang cùng bà con nông dân khẩn trương gieo trồng cây vụ đông. Chị Phạm Thị Lai ở thôn Văn Thai vừa thuê máy lên luống xong 1 sào cà rốt. Nhanh tay cho hạt vào máy gieo cà rốt, chị Lai cho biết: “Mấy năm gần đây, người trồng cà rốt không phải lên luống bằng tay nữa mà đều làm bằng máy cả, luống vừa phẳng, đẹp, lại nhanh và giảm được chi phí. Trước đây, nếu một người phải mất một ngày mới lên luống xong một sào cà rốt, bây giờ thuê 150.000 đồng/sào chỉ làm trong 20 phút là xong, giảm được khoảng 30% chi phí”. Ngoài làm đất, lên luống thì khâu gieo hạt cà rốt cũng được làm bằng máy.
Xác định được việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất nông nghiệp, giúp nông dân giảm chi phí và thời gian lao động, trong những năm qua, huyện Cẩm Giàng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nông dân mua sắm các loại máy nông nghiệp. Thực hiện dự án đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015, huyện Cẩm Giàng đã hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mua 54 máy nông nghiệp. Trong đó có 23 máy gặt đập liên hợp, 25 máy làm đất các loại, 5 ô tô tải nhẹ và một máy tuốt lúa. Ngoài ra, để phục vụ sản xuất, các hộ nông dân cũng đã tự mua hàng chục chiếc máy khác. Đến nay, toàn huyện đã có 55 chiếc máy gặt đập liên hợp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, hiện nay, toàn bộ khâu làm đất đã được cơ giới hóa, hầu hết việc tưới, tiêu cũng được các hộ sử dụng máy. Năm nay, 80% diện tích lúa của bà con nông dân được gặt bằng máy. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giải phóng được sức lao động và giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thu hoạch; đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện quy vùng tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất".
TUẤN SỸ