Sẽ rời xa những chuyến đò Hàn

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 13:35, 22/10/2015

Đò Hàn đã có từ vài chục năm nay, từng gắn bó với nhiều thế hệ qua lại, là nơi ghi dấu ấn kỷ niệm với nhiều người.




Thuyền trưởng Vũ Đình Luận: "Nếu một ngày nào đó phải xa chiếc vô lăng này, tôi cũng nhớ
và buồn lắm. Nhưng nó chỉ là một phần nhỏ bé, đằng sau niềm vui chung của người dân toàn tỉnh"


Hành khách đón đợi

6 giờ ngày 20-10 chúng tôi có mặt tại bến đò Hàn - thời điểm còn đúng 2 ngày nữa sẽ diễn ra lễ thông xe hạn chế qua cầu Hàn. Đây cũng là lúc đò đông khách nhất. Bạn Nguyễn Hồng Cẩm ở thị trấn Nam Sách, sinh viên Trường Cao đẳng Hải Dương phải vất vả lắm mới chen chân được lên chuyến đò đông nhất buổi sáng: "Đã 2 năm nay, ngày nào em cũng đi học qua đò Hàn 2 chiều cả đi và về. Lúc em đi học hay khi về cũng là giờ tập trung đông nhất các bạn sinh viên, các anh chị công nhân, các cô các chú ở các văn phòng... nên bến đò rất đông. Em thường phải đi sớm hơn hoặc về muộn hơn bình thường nửa giờ đồng hồ. Chỉ còn 1 ngày nữa chúng em sẽ được đi trên cầu Hàn. Như vậy em sẽ không phải đi sớm về muộn như hiện nay nữa".

Anh Đồng Quang Hảo ở xã Thanh Quang (Nam Sách), công nhân khu công nghiệp Đại An hằng ngày phải qua đò Hàn để đi làm. Nhiều khi phải đợi đò hơn 10 phút nhưng với anh quãng đường này vẫn còn gần hơn nếu anh đi vòng qua đường 5. Anh cho biết: "Khi nào cầu Hàn thông chắc chắn tôi sẽ chuyển hướng đi lối đó. Sẽ thuận tiện hơn cho những công nhân đi làm xa như chúng tôi, luôn phải căn giờ để đi làm sớm, nay sẽ tiết kiệm được thời gian và chủ động hơn trong quỹ thời gian của mình".

Bến đò này đã có vài  chục năm, từng gắn bó với nhiều thế hệ người qua lại, là nơi ghi dấu ấn kỷ niệm với nhiều người. Hành khách ở đây có cả học sinh, sinh viên, công nhân thuộc các khu công nghiệp, người làm thuê, bà con nông dân từ phía Nam Sách sang trung tâm thành phố bán mớ rau hay con gà... Hầu hết với mỗi người dân đã từng là hành khách gắn bó nhiêu năm với bến đò Hàn, dù có chút luyến tiếc với bến đò nhiều kỷ niệm song họ đều háo hức mong đợi được đi trên cây cầu mới xây, thừa hưởng sự thuận tiện và lợi ích do cây cầu mang lại. Một số người thuộc khu vực lân cận như xã An Châu, thị trấn Nam Sách nói vẫn sẽ chọn bến đò Hàn để đi vì thuận đường hơn nhưng chắc chắn với việc thông cầu, lượng khách trên bến đò Hàn sẽ giảm đáng kể và đến một ngày bến đò sẽ rời xa.



Khi cầu Hàn thông xe và các hạng mục của cây cầu hoàn thành, người dân
sẽ chuyển sang đi cầu cho thuận tiện


Người lái đò mong đợi từng ngày

Những người gắn bó với đò Hàn nhất có lẽ không ai khác ngoài những người lái đò, những người bán hàng nước ven sông. Những tưởng họ sẽ buồn khi nghĩ tới một ngày không xa, lượng hành khách đi đò Hàn sẽ không còn nhiều. Nhưng với họ, niềm vui chung của người dân toàn tỉnh, sự phồn vinh của xã hội còn lớn hơn gấp bội phần.

Câu chuyện giữa chúng tôi và những người lái đò bị ngắt quãng vì chỉ tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi cỡ 2 phút giữa lúc hành khách lên và xuống đò. Thuyền trưởng Vũ Đình Luận chia sẻ: "Tôi làm nghề này đã 34 năm, không nhớ hết bao nhiêu chuyến đò mình và đồng nghiệp đã lái, không đếm được bao nhiêu lượt khách qua sông"...

Nhìn bàn tay chai sần và đen đúa đang quay vòng chiếc vô lăng đã nhẵn thín, ánh mắt sáng ngắm hướng đi của con tàu cùng những giọt mồ hôi luôn thường trực trên gương mặt của người lái đò, chúng tôi hiểu phần nào nỗi vất vả của họ. "Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là mỗi chuyến đò đưa khách qua sông an toàn", ông Luận nói. Thuyền trưởng Luận còn chia sẻ một kỷ niệm không bao giờ quên trong quãng thời gian làm nghề sông nước của mình: "Cách đây hơn chục năm, một bé gái khoảng 8 tuổi đi đò cùng chị. Do say sóng, cháu bé ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi. Tôi vội lao xuống vớt cháu lên. Hiện giờ cháu đã trưởng thành, có gia đình riêng. Mỗi lần qua đò, hai bác cháu lại chào nhau thân thiết như người ruột thịt". 

Tình yêu của những người hằng ngày làm việc ở đò Hàn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã có những gia đình có đến 2 thế hệ làm việc tại đây vậy mà khi chúng tôi hỏi: "Cầu Hàn sắp thông xe, xe cộ sẽ giảm dần và đến lúc bến đò Hàn không còn hoạt động, các bác có buồn không?", thuyền trưởng Luận trả lời ngay: "Cầu Hàn là niềm mong đợi của bao người dân hàng chục năm nay rồi. Chúng tôi mong cầu Hàn từng ngày. Bà con đi lại sẽ thuận tiện, giảm áp lực hành khách qua đò đông, giảm thiểu rủi ro mỗi khi qua sông... Cây cầu được xây lên là có thêm nhiều niềm vui mới, hy vọng về sự phồn thịnh của xã hội, người dân quê mình sẽ có cơ hội phát triển đời sống. Nếu một ngày nào đó phải xa chiếc vô lăng này, tôi cũng nhớ và buồn lắm. Nhưng nó chỉ là một phần nhỏ bé, đằng sau niềm vui chung của người dân toàn tỉnh".

Hàng nước nhỏ bé của ông Lê Văn Phúc chỉ đơn sơ với ấm nước chè xanh, vài ba gói kẹo lạc... tồn tại hơn 30 năm đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi khách qua sông và trở thành một phần cuộc sống trong sinh hoạt của gia đình ông. Nếu một ngày không còn khách qua bến đò Hàn, quán nước nhỏ của ông Phúc và những quán nhỏ khác ven sông phải đóng cửa, ông sẽ nhớ nghề lắm nhưng "nỗi buồn của riêng tôi không đáng kể gì với niềm vui chung to lớn của người dân quê mình được hưởng lợi từ cây cầu mới...". Và "không làm nghề này thì tôi sẽ làm nghề khác" giống như lời ông Phúc nói.

LÊ HƯƠNG