Bình dị sống để vươn lên

Việc tử tế - Ngày đăng : 17:15, 24/10/2015

Người cựu chiến binh, Ðại đội trưởng Pháo binh năm xưa đã vượt lên bao gian khó trong cuộc mưu sinh để tồn tại và để giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.



Ðã gần 80 tuổi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Công Lệnh vẫn hăng say làm kinh tế


Bằng nghị lực và cả nỗi niềm riêng, 40 năm qua, người cựu chiến binh, Ðại đội trưởng Pháo binh năm xưa đã vượt lên bao gian khó trong cuộc mưu sinh để tồn tại và để giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Chuyện tưởng không có gì đặc biệt, nhưng đời ông lại có cả ánh hào quang, nụ cười và nước mắt.

Tuổi thơ côi cút

Ông tuổi Sửu - Đinh Sửu (sinh năm 1937), người làng La Tỉnh, xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ). Mới 8 tuổi đầu, nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã cướp đi người cha, cậu bé Lệnh phải ra chùa ở với bác là một nhà sư, làm chân dọn dẹp, kiếm quả chuối, hạt lộc độ thân. Cậu nhớ mẹ, về ở cùng được ít ngày thì người mẹ lại mất. Thế là trong vòng nửa năm, cả cha và mẹ theo nhau ra đi. Hai chị em mới gần chục tuổi, hai lần thít chặt tấm khăn trắng, bơ vơ như hai con chim vật vờ trước giông bão cuộc đời. Rồi người chị bỏ đi lên Bắc Giang tha hương cầu thực, Lệnh được bà ngoại đón về nuôi, sau sang ở với bác. Nhà bác cũng nghèo, có hôm đói quá, phải sang nhà địa chủ vét cám lợn ăn.

Lệnh lớn lên trong nước ao làng, quả ổi, quả me và sự côi cút giữa cái làng La Tỉnh vốn đói nghèo. Mười tuổi sang ở với cô, chăn trâu cắt cỏ. Ông thèm đi học mà không có điều kiện đến lớp, chỉ học lỏm bạn chăn trâu được vài chữ. 21 tuổi lấy vợ, người vợ hơn ông 2 tuổi, khỏe mạnh, chịu khó.

Năm 1961 khi bước sang tuổi 24, anh Lệnh có giấy gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Không thể tả hết tâm trạng trước cái tin vui này của người thanh niên vốn mồ côi từ tấm bé, lại trải qua gian nan cực khổ. Phía trước là tương lai hy vọng. Anh sẽ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, được sống trong môi trường tập thể, có đồng đội, cùng nhau rèn luyện, cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc. Anh như con chim vỗ cánh bay vào trời xanh.

Đời lính vinh quang


Vào bộ đội, anh được học văn hóa đến hết lớp 3, được bổ sung vào đơn vị pháo cao xạ 57 ly phòng không, thuộc Trung đoàn 214, đóng ở Vĩnh Yên. Hết 3 năm nghĩa vụ, anh Lệnh phục viên về làng với quân hàm Binh nhất. Vừa sinh con thứ ba, còn đang loay hoay chưa kịp làm gì để củng cố ngôi nhà thì anh có lệnh tái ngũ. Bấy giờ là năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam và dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Lớp lớp trai tráng lại lên đường, bổ sung cho chiến trường. Trong đoàn quân này có anh thanh niên đã 3 con, 28 tuổi.

Xem lý lịch quân nhân, biết anh từng là chiến sĩ pháo cao xạ thời lính nghĩa vụ, tổ chức biên chế anh vào đơn vị tên lửa thuộc Trung đoàn 71, có nhiệm vụ bảo vệ thị xã Hải Dương và cầu Phú Lương. Với đức tính cần cù, chăm chỉ, hăng hái, gương mẫu của bậc "đàn anh”, Nguyễn Công Lệnh nhanh chóng tiến bộ. Anh được giao chức vụ từ cấp tiểu đội lên Trung đội trưởng. Cũng chỉ sau 2 năm tái ngũ, anh đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, giữa tuổi 30 hừng hực chí tiến thủ lập công.

Năm 1971, giữa lúc cuộc chiến tranh ác liệt nhất, thì anh nhận lệnh đi B. Đơn vị anh sáp nhập vào Trung đoàn cao xạ 37 ly, phục vụ đường dây 559, trên đất Quảng Trị - Thừa Thiên. Đó là một vùng chiến sự ác liệt và gian khổ, là lò tôi luyện ý chí thép gang của các chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 86, nơi anh công tác. Không thể nhớ hết những ngày tháng chiến đấu trên miền đất đầy máu lửa, đói khát, bệnh tật, sốt rét, thiếu rau xanh. Các loại máy bay phản lực, cả B52 Mỹ đêm ngày bắn phá. Đã trải qua những khổ đau, côi cút từ thuở ấu thơ, anh Lệnh thấu hiểu cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng. Anh cùng đồng đội chiến đấu nhiều trận rất quả cảm. Ngày 28-2-1972 đối với anh thật đáng nhớ. Với tư cách Đại đội trưởng Đại đội 9, anh đã chỉ huy đơn vị bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F4H. Sau này mới biết, đó chính là máy bay thứ 500 của Mỹ bị Đoàn 559 bắn rơi.

Anh được phong quân hàm, thăng chức liên tục. Chỉ từ cuối năm 1965 đến tháng 12-1971, nghĩa là có 6 năm, anh được phong từ chuẩn úy lên thiếu úy rồi trung úy với chức vụ Đại đội trưởng Pháo - thuộc E 210, rồi bổ sung về Binh trạm 15, Bộ Tư lệnh 571…

Con người ấy mảnh bom, hòn đạn phải tránh xa, nhưng bệnh tật lại luôn hành hạ. Anh phải đi viện, chữa bệnh, rồi cuối Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh chuyển về công binh, Trung đoàn 4, Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cho chiến dịch.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, tháng 5-1975, trung úy Nguyễn Công Lệnh nhận quyết định phục viên với thời hạn phục vụ trong quân đội còn thiếu mấy tháng là đủ 15 năm.

Đồng quê vất vả

"Sau những tháng ngày bị hụt hẫng khi mới phục viên, ông lấy lại được cân bằng và hào hứng bắt tay cùng xóm thôn lao động sản xuất".


Ngồi trước tôi là một ông già ngấp nghé tuổi 80, nhưng còn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, nói cười sảng khoái. Nhưng để ý mới thấy nội tâm ông có nét buồn. Ông kể rằng cả hai lần phục vụ quân đội, phục viên ở tuổi 38, trở về làng, xa lạ bỡ ngỡ sau 10 năm tái ngũ. Vào sống ra chết, trong mình mang bệnh tật và nhiễm chất độc da cam, ngày trở về chỉ có một chiếc ba lô, vài ba bộ quân trang với 200 đồng, tương đương 3 tháng lương của sĩ quan thiếu úy và 4 tháng tem phiếu gạo (mãi gần đây ông mới được Nhà nước chi trả trợ cấp mỗi tháng 3 triệu đồng chế độ cho bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam). Ông ngơ ngác trước cuộc sống mới ở một làng quê nghèo.

Làng La Tỉnh, xã Tây Kỳ (nay thuộc thị trấn Tứ Kỳ) hồi ấy là một vùng quê thuần nông, rất nghèo. Xưa nay chỉ có cây lúa và con rươi, con cáy. Đất chật, người đông, giao thông khó khăn. 200 đồng, 4 tháng gạo tem phiếu trợ cấp cho một trung úy phục viên ném vào một gia đình đông con (5 đứa con, lớn nhất 16 tuổi còn đang đi học, đứa bé nhất mới chập chững tập đi) như gió vào nhà trống, như muối bỏ bể. Nó tiêu tan từ bao giờ cũng không nhớ.



Tác giả (bên trái) và cựu chiến binh Nguyễn Công Lệnh. Ảnh: Văn Phúc


Niềm vui điền viên, vợ chồng sum họp rồi cũng qua đi và đối mặt với cuộc sống ngày thường. Người vợ làm ruộng ăn công điểm, một ngày 2 lạng thóc tươi nhưng phải đợi đến vụ thu hoạch mới được chia. Không nhẫn tâm nhìn cảnh ấy, thương vợ, thương con, những ngày tháng đầu tiên về làng, anh theo người cậu đi làm mộc, mỗi ngày được 2 ống gạo, có thứ bỏ vào nồi, đỡ đói khổ. Vậy mà vẫn không yên tâm, vì trong 5 đứa con có một đứa khuyết tật, thiểu năng, bỏ nhà đi chơi không biết đường về. Anh đành phải nhận việc về làm tại nhà và trông con cho vợ ra đồng cấy hái. Cứ thế năm tháng qua đi, các con anh cũng lớn lên dần, cuộc sống ngày càng thay đổi. Chỉ có một điều dù gian nan cực khổ đến đâu, tấm thẻ đảng viên vẫn nhắc ông và chưa bao giờ ông bỏ sinh hoạt Đảng.

Nghĩ mình là cựu chiến binh, về với đời thường, ông Lệnh vẫn phát huy tính chiến đấu của anh bộ đội Cụ Hồ. Sau những tháng ngày bị hụt hẫng khi mới phục viên, ông lấy lại được cân bằng và hào hứng bắt tay cùng xóm thôn lao động sản xuất. Hết làm Đội trưởng Đội mộc xã Tây Kỳ, ông lại tham gia Đội trưởng sản xuất nông nghiệp nhiều năm. Năm 1990, ông được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp.

Ông Chủ nhiệm Lệnh tận tụy, nhiệt tình, mở rộng quan hệ, dám nghĩ dám làm và quyết đoán với công việc của HTX. Ông làm được nhiều việc mà nơi khác chưa làm. Ông cho xây dựng nhà mẫu giáo 4 gian, đổ mái bằng đẹp đẽ khang trang thay cho khu nhà xập xệ để cho các con, cháu học hành. Mới nhận chức Chủ nhiệm chưa hết một khóa 2 năm mà bao nhiêu việc lớn của HTX được thực hiện. Có người nghi ông tham ô, bớt xén của công, thế là xì xèo dư luận và xuất hiện đơn thư tố cáo, khiếu kiện. Những lời đàm tiếu bay đến tai ông: "Không tham ô làm sao có nhà xây to đẹp vào loại nhất làng kìa?". Ông bị kiểm tra, bị Công an tỉnh gọi lên để điều tra số liệu. Còn cấp xã thì dí vào tay ông một biên bản có nội dung: làm thất thoát 58 triệu đồng (năm 1990) trong một năm rưỡi làm chủ nhiệm. Ông không ký. Ông yêu cầu cơ quan chức năng huyện Tứ Lộc về kiểm tra. Kết quả, huyện kết luận: Ông Chủ nhiệm không có tội, không vi phạm gì về kinh tế…

Nghe ông kể đến đây, bà Nguyễn Thị Phán vợ ông ngồi bên nói chen vào: "Ngôi nhà này vợ chồng tôi xây năm 1986. Bấy giờ người ta bình luận đứng vào loại nhất làng. Nhưng năm 1990, ông ấy mới ra làm Chủ nhiệm HTX".

Ban đầu nhà ông ở là khuôn viên của trụ sở UBND thị trấn bây giờ. Ông Lệnh nhận ra rằng người nông dân cần có đất. Ông đã đổi mảnh đất ấy cho HTX để lấy 2 sào ruộng ngoài cánh đồng. Ông bà đêm ngày đào ao, nuôi cá giống, vật đất làm vườn, trồng cây ăn quả. Chính vì thế mà đời sống khá lên. Ông cho xây ngôi nhà to đẹp, rồi mua thêm, mở rộng vườn tược, bây giờ ước được năm sào.

Rễ bền, cây cứng…


Cùng với tiền trợ cấp chế độ chính sách, giờ ông bà Lệnh vẫn dùng sức lao động để duy trì cuộc sống. Ông trồng nhãn, trồng bưởi. Giống bưởi quý đến Tết thu hoạch, bán được giá cao: 100.000 đồng/quả. Tiền thu hoạch từ vườn - ao - chuồng hằng năm được vài ba chục triệu đồng, cải thiện đời sống.

Sau 40 năm phục viên về làng, sống trên mảnh đất ông cha, dẫu còn nhiều gian khó và những niềm trăn trở… điều quý nhất là ông vẫn còn khỏe mạnh, sống vui, sống có ích với con cháu, gia đình. Đã ngấp nghé tuổi 80, người cựu Đại đội trưởng đơn vị pháo, người đảng viên 48 tuổi Đảng ấy vẫn là trụ cột của gia đình. Ông đã được Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng hai, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng ba…

Con người sống giữa cuộc đời giống như cây cỏ trên mặt đất. Có mưa rào mà vẫn có những cây thiệt thòi không nhận được hạt mưa, nên chịu khát khô. Vì lẽ sinh tồn, rễ vẫn bền bỉ, chắt chiu gạn lọc mỡ màu từ đất, cây vẫn vươn lên sống… Ông Lệnh chính là những thân cây như thế. Sống để vươn lên.

KHÚC HÀ LINH