"Quay đầu là bờ"

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:29, 26/10/2015

Được sự vận động của gia đình, cơ quan công an, có những đối tượng đã ra đầu thú. Với họ, câu răn dạy của Phật: "Quay đầu là bờ" thật đúng.



Công an TP Hải Dương đã thuyết phục được anh Đinh Quang Tiến ở khu 15, phường Phạm Ngũ Lão
(là bác của Doanh) vận động Doanh ra đầu thú


Sau khi gây án, đa số người phạm tội thường tìm cách che giấu tội lỗi hoặc bỏ trốn với mong muốn thoát tội. Nhưng được sự vận động của gia đình, cơ quan công an, có những đối tượng đã ra đầu thú. Với họ, câu răn dạy của Phật: "Quay đầu là bờ" thật đúng.

Giúp tội phạm nhận ra lỗi lầm

Đầu thú được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, là cơ hội để họ sữa chữa lỗi lầm.

Hoàng Văn Tỉnh (25 tuổi ở thôn Hiệp Hạ, xã Hiệp Sơn, Kinh Môn) từng ra tay giết hại một người vô tội. Vụ việc bắt đầu từ khoản 80 triệu đồng anh Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1966 ở cùng thôn), cậu ruột của Tỉnh vay của anh Bùi Văn Mạnh (sinh năm 1970 ở thôn Nghĩa Vũ, xã An Sinh, Kinh Môn). Đến thời hạn mà chưa thấy anh Tân mang tiền trả, khoảng 21 giờ 30 ngày 15-8, anh Mạnh rủ anh Nguyễn Văn Huyên (sinh năm 1974, người cùng thôn) đến nhà anh Tân đòi tiền. Hai bên đã xảy ra cãi cọ và có những lời lăng mạ, xúc phạm nhau. Nghe thấy tiếng ồn ào, Tỉnh liền chạy sang, lấy dao chém anh Mạnh và anh Huyên. Anh Mạnh được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết, còn anh Huyên bị thương nặng. Sau khi gây án, Tỉnh bỏ trốn khỏi hiện trường.

 Bên cạnh việc tổ chức lực lượng truy lùng đối tượng gây án, thiếu tá Phạm Chí Hiếu, Trưởng Công an huyện Kinh Môn còn trực tiếp gặp gỡ bố mẹ Tỉnh, thuyết phục gia đình vận động Tỉnh đến cơ quan công an đầu thú. Tỉnh là đối tượng côn đồ ở địa phương, đã từng có một tiền án về tội cố ý gây thương tích, bị xử phạt 18 tháng tù. Sau khi ra trại, Tỉnh không có việc làm, sống dựa dẫm vào cha mẹ. Khi gặp gỡ bố mẹ Tỉnh, thiếu tá Hiếu phân tích cho gia đình hiểu về mức độ nghiêm trọng trong hành vi phạm tội của Tỉnh, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người biết thành tâm hối cải. Anh còn nói cho bố mẹ Tỉnh hiểu nếu để Tỉnh tiếp tục lẩn trốn ở bên ngoài, trước sau cũng sẽ bị bắt giữ. Tỉnh trốn chui trốn lủi lại có thể tiếp tục vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn do hoàn cảnh xô đẩy… Sau khi hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật, 5 giờ ngày 19-8, bố Tỉnh đã đưa đối tượng đến cơ quan Công an huyện đầu thú. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Tỉnh khai sau khi gây án, y lẩn trốn ở một khu nhà hoang, sau đó thì lên núi ẩn nấp…

"Nhiều người thân vẫn chưa nhận thức đúng về việc đầu thú, nên mặc dù biết người thân phạm tội vẫn tìm cách giúp đỡ đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn cho các cơ quan điều tra, truy tố".


Lê Văn Doanh (sinh năm 1993 ở thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân, Gia Lộc) đã cướp đi sinh mạng của anh Nguyễn Văn Vui (sinh năm 1989 ở thôn Dương Xuân, xã Quyết Thắng, Thanh Hà) cũng chỉ vì khoản nợ 3 triệu đồng. Sau khi giết bạn, giấu xác dưới bể nước, Doanh bỏ trốn khỏi hiện trường, cắt đứt mọi liên lạc. Các trinh sát Công an TP Hải Dương nhanh chóng xác định được hung thủ, nhưng Doanh đã nhanh chân bỏ trốn. Khi tìm hiểu về nhân thân, biết Doanh xuất thân trong một gia đình cơ bản, vì vậy lực lượng công an quyết định chọn giải pháp vận động Doanh đến cơ quan công an đầu thú. Các trinh sát đã gặp anh Đinh Quang Tiến ở khu 15, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) là bác của Doanh. Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Dương) đã phân tích, thuyết phục để anh Tiến hiểu ra sự việc, tích cực phối hợp với Công an TP Hải Dương vận động Doanh ra đầu thú mong hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Vì thế, khi Doanh quay về tìm, anh Tiến đã vận động và trực tiếp đưa Doanh đến đầu thú tại Công an phường Phạm Ngũ Lão.

Cơ hội cho người hối cải


Bộ luật Hình sự hiện hành mới chỉ quy định về người phạm tội tự thú sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà không có quy định đầu thú là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, xét theo quy định tại khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự thì việc người phạm tội đầu thú có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quy định này thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người phạm tội biết nhận ra lỗi lầm của mình. Người phạm tội ra đầu thú không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan điều tra, mà còn tự tạo cho mình cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng. Vụ việc bị cáo Nguyễn Đình Thống (sinh năm 1988 ở thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ, Tứ Kỳ) phạm tội giết người hồi đầu tháng 1- 2014 ra đầu thú là một ví dụ. Sau khi phạm tội, được sự động viên của gia đình, Thống đã ra đầu thú. Tình tiết này đã được hội đồng xét xử xem xét khi tuyên hình phạt chung thân cho bị cáo Thống.

Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thắng (23 tuổi ở thôn Văn Thọ, xã Đại Đức, Kim Thành) về hành vi giết người. Thắng đã tự giải quyết những mâu thuẫn âm ỉ với bị hại bằng những nhát dao oan nghiệt. Sau khi nạn nhân chết, Thắng đã tới cơ quan công an đầu thú. Nhờ vậy, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thắng 17 năm 6 tháng tù và có xem xét đến tình tiết tự đầu thú của Thắng.

Theo thiếu tá Phạm Chí Hiếu, trong quá trình đấu tranh với tội phạm, để gặp gỡ trực tiếp với những người có hành vi vi phạm pháp luật không dễ dàng vì sau khi gây án, tội phạm thường tìm cách bỏ trốn hoặc che giấu tội. Nhiều người thân vẫn chưa nhận thức đúng về việc đầu thú, nên mặc dù biết người thân phạm tội vẫn tìm cách giúp đỡ đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn cho các cơ quan điều tra, truy tố. Chính vì thế, bên cạnh việc điều tra, làm rõ vụ việc, lực lượng công an phải tiếp cận với gia đình, bạn bè của nghi can để tuyên truyền, vận động đối tượng. Người dân, nhất là thân nhân các đối tượng phạm tội có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin người phạm tội bỏ trốn và là kênh để vận động các đối tượng ra đầu thú.

Người xưa có câu "Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" để nói về những người phạm sai lầm và biết nhận lỗi. Đây cũng chính là cách người vi phạm pháp luật tự cho mình một cơ hội sửa sai, cơ hội được làm lại cuộc đời.

THANH HOA