Đời sống văn hóa nông thôn khởi sắc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:13, 28/10/2015
Nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới nên lĩnh vực văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.
Đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn. Trong ảnh: Màn đồng diễn tại
Đại hội Thể dục, thể thao xã Kim Anh (Kim Thành)
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa
Tân Dân là xã đầu tiên của thị xã Chí Linh hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nên ngoài đời sống vật chất thì đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây có nhiều biến chuyển tích cực. Mỗi chiều, tại sân vận động xã hay ở trung tâm văn hóa, thể thao của các thôn diễn ra nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ. Theo ông Trần Trường, Chủ tịch UBND xã, sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào văn hóa tại địa phương là nhờ xây dựng NTM. Tân Dân có 10 thôn, khi bắt tay xây dựng NTM mới có 6 thôn đạt danh hiệu văn hóa, thấp hơn so với quy định. Xác định văn hóa là tiêu chí khó nên khi triển khai, xã đã chỉ đạo các thôn chưa đạt danh hiệu có kế hoạch phấn đấu cụ thể. Chỉ trong năm 2012 - 2013, xã đã xây thành công thêm 2 làng văn hóa, đạt tiêu chí số 16. Không dừng tại đó, xã chỉ đạo 2 thôn còn lại tiếp tục phấn đấu xây dựng danh hiệu này. Đến nay, xã đã có 9 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa, trở thành điểm sáng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Chí Linh.
Xây dựng NTM không chỉ góp phần xây dựng làng văn hóa mà còn nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở. Ông Trần Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho biết: "Từ nhiều năm nay, đời sống văn hóa cơ sở của địa phương đã đi vào nền nếp. Tất cả 9 thôn của xã đều đã được công nhận danh hiệu văn hóa. Từ khi xây dựng NTM, chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở càng được nâng cao, lành mạnh hóa, đi vào chiều sâu". Hiện nay ở Đức Chính, mỗi thôn xây dựng được đội văn nghệ với trên 30 thành viên. Các hoạt động tập luyện thể dục, thể thao được nhân dân tham gia đông đảo. Ngày trước, việc ma chay ở đây thường diễn ra cảnh ăn uống linh đình, tốn kém, tình trạng khóc thuê trở thành hủ tục. Từ khi xây dựng NTM, việc cỗ bàn đã được dẹp bỏ, chỉ tổ chức cơm thường trong thân tộc. Chấm dứt tình trạng khóc thuê. Kèn trống không quá 22 giờ đêm và không trước 6 giờ sáng. Các hoạt động lễ hội diễn ra tươi vui, lành mạnh.
Từ xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình hay làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa cơ sở. Nhờ sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền, việc cưới ở xã Hiệp An (Kinh Môn) được tổ chức vui tươi, tiết kiệm. Trong việc tang, xã thành lập tổ dịch vụ phục vụ nhạc tang và các nghi lễ với chi phí mỗi đám 700.000 đồng, giảm nhiều lần so với trước kia...
Hệ thống thiết chế văn hóa được hoàn thiện
Hoàn thiện thiết chế văn hóa là một tiêu chí khó đạt trong xây dựng NTM. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất nên các công trình văn hóa, thể thao được xây dựng trước đó thường tạm bợ, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng đủ điều kiện theo tiêu chí. Các xã đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động các nguồn lực hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa.
An Lâm (Nam Sách) là một trong 15 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Nhà văn hóa của xã khang trang, cùng sân vận động to đẹp nổi bật giữa các công trình công cộng khác. Nhà văn hóa trung tâm xã được xây dựng từ năm 2005 với trên 300 chỗ ngồi. Khi xây dựng NTM, xã đã đầu tư trên 800 triệu đồng để sửa chữa, đầu tư bàn ghế, trang thiết bị, các phòng chức năng, sân theo quy định của ngành văn hóa. Xã cũng đầu tư kinh phí khoảng 6 tỷ đồng xây dựng sân vận động trung tâm. Khi bắt tay xây dựng NTM, cái khó của An Lâm là không quy hoạch được đất để làm sân vận động, thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên khi xã quy hoạch sân vận động, hơn 30 hộ dân đã tự nguyện nhượng 1 ha đất ruộng để xây dựng công trình. Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, các hộ dân chỉ nhận 2/3 giá trị đất theo quy định, còn lại hiến cho xã để xây dựng công trình. Với phương châm nhân dân các thôn tự kiến thiết, huy động các nguồn lực xây dựng nhà văn hóa thôn theo quy định của ngành văn hóa, từ khi xây dựng NTM, đã có 4 nhà văn hóa ở các thôn Lang Khê, Cẩm Lý, Nghĩa Khê và Đông Lư được xây mới với số tiền trên 1,8 tỷ đồng do người dân đóng góp. Với những cách làm trên, hệ thống thiết chế văn hóa của An Lâm đã từng bước được hoàn thiện. Trong quá trình xây dựng NTM, xã được cấp trên hỗ trợ 5 tỷ đồng, huy động trên 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.
Do nhiều xã thực hiện tốt các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nên khi xây dựng NTM có nhiều thuận lợi để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Cả 3 thôn của xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) đều đã đạt danh hiệu làng văn hóa, có nhà văn hóa và sân vận động thôn đáp ứng theo quy định. Khi triển khai NTM, xã Cẩm Sơn chỉ thực hiện 2 hạng mục là nhà văn hóa trung tâm và sân vận động xã. Cùng với xây dựng nhà văn hóa trung tâm, xã vận động các hộ dân đổi đất, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng sân vận động đạt chuẩn. Nhờ sự đồng thuận vào cuộc của nhân dân, năm 2013 Cẩm Sơn đã hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa NTM.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, nếu như đầu năm 2014, toàn tỉnh có 10 trên tổng số 228 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trong đó chỉ có 4 xã giai đoạn 1 đạt tiêu chí này thì đến nay toàn tỉnh đã có 52 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.
NGỌC HÙNG