Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Tin tức - Ngày đăng : 18:42, 02/11/2015

Ngày 2-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016.




Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng vấn đề nợ xấu thực chất mới chỉ được
gom lại tại VAMC mà chưa được xử lý tận gốc


Kinh tế - xã hội đạt kết quả đáng khích lệ

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (QH) đều thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trình QH. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai, thị trường, phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao...

Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), năm qua đất nước đạt được 2 thành tựu nổi bật. Trước tình hình kinh tế bị tác động mạnh bởi những diễn biến khó lường như nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thấp, một số nước phá giá đồng tiền, tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày càng phức tạp... Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, bằng những giải pháp linh hoạt và phù hợp, vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, ở mức 6,5%, bảo đảm thu ngân sách, đây là một thành công lớn. Đại biểu Tuân đánh giá cao việc Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển...

Nợ xấu chưa được giải quyết về bản chất

Tán thành với các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhưng nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế.

Nêu ý kiến về việc làm thế nào để đạt hiệu quả vốn đầu tư đặc biệt với nguồn vốn ngân sách nhà nước, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) băn khoăn trước việc đánh giá sử dụng vốn thể hiện chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư). Theo đại biểu Khoa, so sánh với một số quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng thì hệ số này của Việt Nam hiện đang ở mức cao.

Dẫn chứng cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), đại biểu Khoa cho biết trong giai đoạn 2001 - 2005, chỉ số ICOR của Việt Nam thuộc loại thấp (4,88) nhưng đến giai đoạn 2006 - 2010 chỉ số này đã là 6,96. Giai đoạn 2011 - 2015 chỉ số này tuy có giảm đôi chút nhưng vẫn đứng ở mức cao 6,92. Theo đại biểu Khoa, bên cạnh các nguyên nhân Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu ra như Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư mạnh hạ tầng, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo... còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ICOR cao. Các nguyên nhân này là những thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, quyết định đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí, thanh tra, kiểm tra giám sát không hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng...

Vấn đề nợ xấu cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Thân Văn Khoa, vấn đề nợ xấu thực chất chưa được giải quyết triệt để. Báo cáo mới nhất cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm còn 3,72% (tháng 6-2015) so với 4,83% (tháng 12-2014), đến tháng 9-2015 nợ xấu đã về xuống dưới 3%. “Nếu nhìn vào số liệu nói trên có thể thấy nếu cứ tiến triển như vậy thì nợ xấu không còn là nỗi lo của chúng ta nhưng thực tế nợ xấu được xử lý như thế nào?”, đại biểu Khoa đặt vấn đề.

Dẫn chứng thông tin từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đại biểu Khoa cho biết từ ngày 1-10-2013 đến tháng 10-2015, các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC hơn 226.000 tỉ đồng dư nợ gốc với giá mua hơn 191.000 tỉ đồng. VAMC xử lý thu hồi bằng các hình thức được hơn 16.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn so với dư nợ gốc. “Như vậy có thể khẳng định phần lớn số nợ VAMC mua mới chỉ được gom lại tại VAMC mà chưa được thu hồi, xử lý tận gốc. Bản chất nợ xấu còn đó. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt vấn đề này”, đại biểu Khoa nói.

Vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về?

Đánh giá nguồn nhân lực là điểm mấu chốt, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị việc này cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư trong năm tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về? Theo đại biểu Hòa, việc 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài hiện nay. “Về nguồn nhân lực, tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác”, đại biểu Hòa nhận xét.

Đại biểu Hòa đặt vấn đề: “Chúng ta có trăn trở việc này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?". Đại biểu Hòa kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực Nhà nước đầu tư đào tạo. Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học. Đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giản bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận, tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.

TTXVN - TT


Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Ngày 2-11, Quốc hội bàn về vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi đồng ý với nhận định: những năm qua Chính phủ đã thi hành các chính sách góp phần kiềm chế lạm phát có hiệu quả. Nhìn lại thời điểm từ năm 2004 đến 2011, lạm phát ở nước ta có xu hướng gia tăng, cao điểm đã lên mức 2 con số. Song từ năm 2012 đến nay, lạm phát có xu hướng ổn định dưới mức 7%. Đây là kết quả sự cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 10 năm nay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tăng 0,51% so với tháng 12 năm trước. CPI tăng thấp tác động đến lạm phát cơ bản, làm chỉ số này chỉ tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh, CPI tháng 10 tăng 0,54% so với tháng 12 năm trước; tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,45% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Theo tôi có nhiều nguyên nhân làm cho CPI tăng thấp, trong đó nguyên nhân chủ quan là do mức độ điều chỉnh giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý như các dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để làm được điều này Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa; chú trọng công tác quản lý, điều hành giá; tạo điều kiện cắt giảm, giãn hoãn thuế, giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí; đổi mới mô hình kinh tế và tái cơ cấu kinh tế... Tôi cho rằng, lạm phát ở mức thấp trong năm nay là nhân tố để duy trì mặt bằng lãi suất thấp, trên cơ sở đó có thể dự báo nền kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm.


LÊ VIỆT HÙNG

(Phó Trưởng Phòng Thống kê tổng hợp, Cục Thống kê)


Cần đẩy nhanh tốc độ thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp

Hiện nay, cơ cấu nền kinh tế của nước ta còn nhiều bất cập, năng lực cạnh tranh yếu so với nhiều nước trong khu vực. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp có thể trở thành nguyên nhân đặt kinh tế nước ta ra ngoài cuộc đua phát triển. Một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của dư luận thời gian gần đây là việc Nhà nước quyết định thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp lớn. Đây có thể xem là bước đi quan trọng trong tư duy quản lý kinh tế. Nếu chúng ta vẫn xem trọng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), coi nhẹ doanh nghiệp tư nhân thì sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế sẽ yếu hơn so với các quốc gia khác. Tư duy đổi mới thể chế kinh tế từng được xem là các giải pháp đột phá quan trọng, nhưng hiện nay vẫn diễn ra chậm chạp. Mặc dù nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được xóa đi nhưng lại xuất hiện những thủ tục hành chính khác. Vì vậy, nếu thể chế kinh tế và thể chế hành chính không được đổi mới phù hợp thì chủ trương tái cơ cấu kinh tế sẽ đối mặt với những rắc rối khi hội nhập, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ bị suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Nhà nước cần có giải pháp mạnh đối với chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Thực tế cho thấy, dù có quy mô lớn và nhận được nhiều ưu đãi nhưng nhiều DNNN vẫn không thể phát triển mạnh bằng doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, việc rút toàn bộ vốn Nhà nước khỏi một số DNNN là tín hiệu tốt cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thoái vốn cần giữ vững nguyên tắc "giá thị trường" để bảo đảm giá trị tài sản. Để làm được như vậy, tôi cho rằng trước hết cần tập trung khắc phục khó khăn trước mắt bằng cách giải quyết nợ xấu cho DNNN, buộc DNNN phải cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động trước khi bán để bảo đảm giá trị tài sản. Việc thoái vốn cần được đẩy nhanh nhằm tạo sự minh bạch trong quá trình tái cơ cấu, tạo lòng tin với các đối tác nước ngoài.

PHẠM VĂN HẠNH
(Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Miện)


Giúp doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế

Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc quá trình đàm phán và Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, kinh tế nước ta sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào một số thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc... Hội nhập cũng là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tiếp thu trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức là rất lớn khi hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp nước ngoài về giá cả, chất lượng, mẫu mã và tâm lý người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng, từ nhiều năm nay sản phẩm của chúng tôi luôn phải cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành, cải tiến mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm và các chính sách chăm sóc sau bán hàng, chúng tôi mong rằng Chính phủ có những chính sách thực sự phù hợp để trợ giúp doanh nghiệp đứng vững trước hội nhập. Khả năng tài chính và trình độ quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hạn. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi hơn để giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp. Đây chính là điểm mấu chốt để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh đối với hàng hóa nước ngoài, đủ sức đón đầu làn sóng hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.


NGUYỄN VĂN THẮNG
(Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam, TP Hải Dương)


Ngày 3-11, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.


Buổi chiều, QH thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.